Tối 2/7, tại Hà Nội, Trường đại học Bách khoa Hà Nội và VMED Group công bố sản xuất thành công máy oxy dòng cao ký hiệu BKVM-HF1.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long hoan nghênh và đánh giá cao kết quả nghiên cứu này. Thời gian qua, các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Y tế đã hỗ trợ nhanh thủ tục pháp lý để có thể sản xuất hàng loạt máy oxy dòng cao BKVM-HF1.
Ông Long mong muốn Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và VMED Group tiếp tục nghiên cứu sản xuất quy mô lớn, hoàn thiện sản xuất hệ thống tích hợp làm giàu oxy không khí di động và đặc biệt là thiết bị xét nghiệm sàng lọc nhanh các biến thể virus SARS-CoV-2.
Giáo sư Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam nhận định việc sản xuất được máy oxy dòng cao là một bước tiến trong việc Việt Nam chủ động các phương tiện, thiết bị y tế trong phòng chống dịch COVID-19.
Theo Giáo sư Bình: “Trong dịch COVID-19, tỷ lệ bệnh nhân suy hô hấp mức độ vừa khá cao. Việc tạo ra một thiết bị ứng dụng công nghệ oxy dòng cao với kỹ thuật đơn giản, rất dễ sử dụng, giá thành hợp lý thì có thể ứng dụng được với rất nhiều bệnh nhận. Đặc biệt, trong dịch bệnh, đều phải huy động hết lực lượng cán bộ y tế, chỉ chuyên khoa không thì không đủ, nên với máy thao tác đơn giản lại sử dụng hiệu quả là vô cùng hữu ích”.
Cuối tháng 5/2021, Trường đại học Bách khoa Hà Nội và VMED Group đã hợp tác triển khai Dự án nghiên cứu sản xuất máy oxy dòng cao BKVM-HF1 phục vụ phòng, chống dịch COVID-19. Toàn bộ chi phí sản xuất lô sản phẩm đầu tiên của dự án được sự tài trợ từ Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí PETROSETCO.
Máy oxy dòng cao (HFNC-High Flow Nasal Cannula) được nghiên cứu sản xuất từ nhu cầu cao trong điều trị COVID-19 tại các cơ sở y tế.
Máy có chức năng cung cấp liên tục khí thở lưu lượng cao (lên tới 60l/phút) với nồng độ oxy điều chỉnh được (từ oxy không khí đến nguyên chất). Dòng khí thở được ổn định ở 37 độ C với độ ẩm bão hòa và cấp qua gọng mũi để giúp điều trị bệnh nhân suy hô hấp.
Máy được đo lường tại phòng thử nghiệm của VMED Group, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở bởi HUST, giám định kỹ thuật từ Vinacontrol, thử nghiệm tại Trung tâm cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai, và được Bộ Y tế quyết định lưu hành vào giữa tháng 6/2021.
Phó giáo sư Nguyễn Văn Chi, Phụ trách Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai đánh giá: “Trong đợt dịch COVID-19, HFNC có vai trò vô cùng quan trọng với nhóm bệnh nhân nặng, giúp bệnh nhân đảm bảo hô hấp trong quá trình bệnh tiến triển. Rất nhiều bệnh nhân nhờ sự trợ giúp của phương tiện thở không xâm nhập này đã tránh được can thiệp xâm nhập như đặt nội khí quản. Qua thực tế chúng tôi nhận thấy phương tiện này đã giúp giảm đáng kể số lượng bệnh nhân phải đặt nội khí quản, từ đó giảm tỷ lệ bệnh nhân diễn biến nặng”.
Đề cập về công tác nghiên cứu, Phó giáo sư Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: “Sau sự khởi đầu này, nhà trường sẽ tiếp tục đóng góp trí tuệ, nghiên cứu, sáng tạo ra HF2, HF3… để góp sức giúp ngành y, giúp các bệnh nhân chống lại đại dịch COVID-19. Các dòng sản phẩm được sáng tạo bởi nhà khoa học Việt Nam, được sản xuất bởi doanh nghiệp Việt Nam trước hết phục vụ người dân Việt Nam, nhưng cũng mong sẽ đến ngày vươn đến các thị trường khác.
Ông Ngô Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc VMED Group khẳng định các chuyên gia của tập đoàn đã đồng hành cùng Đại học Bách khoa Hà Nội làm ra một sản phẩm có giá trị ứng dụng cao để kịp thời chuyển đến các điểm nóng về điều trị COVID-19, cũng như nhanh chóng trang bị cho các bệnh viện phục vụ công tác điều trị bệnh nhân COVID-19”.
Vào giai đoạn 1 của dự án, 30 máy BKVM-HF1 đầu tiên đã được Tổng Công ty CP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí PETROSETCO (thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) tài trợ toàn bộ chi phí sản xuất, trị giá 1,5 tỉ đồng.
Ông Phùng Tuấn Hà, Chủ tịch PETROSETCO cho hay trong bối cảnh khó khăn chung của đất nước cũng như giá trị to lớn của việc kết nối các nguồn lực trong xã hội, chúng tôi rất tự hào và sẵn sàng góp nguồn lực trong dự án này. Hy vọng rằng các sản phẩm được làm ra từ chính tâm huyết và trí tuệ này sẽ giúp các bác sĩ nơi tuyến đầu kịp thời cứu chữa cho bệnh nhân, góp phần sớm đưa Việt Nam vượt qua đại dịch.
Vào giai đoạn 2 của dự án, phương án triển khai sản xuất với số lượng lớn và đồng bộ với các hệ thống khác trong bệnh viện để nâng cao hiệu quả cứu chữa bệnh nhân.
Hiện nay, việc vận hành máy oxy dòng cao luôn cần nguồn cấp khí và oxy y tế. Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hỗ trợ nhóm nghiên cứu chế tạo hệ thống khí y tế theo TCVN 8022-1:2009 có thể dùng cho 10 máy oxy dòng cao cùng lúc. Nhóm đã chế tạo thành công máy oxy y tế lưu lượng 60l/phút có độ tinh khiết đến 93% oxy có thể phục vụ linh hoạt cho tuyến y tế cơ sở.
Nhóm nghiên cứu đang tiếp tục hoàn thiện máy làm giàu oxy từ không khí để tích hợp thêm vào hệ thống và nâng cấp tính năng cao cho các máy BKVM được sản xuất tiếp theo. Giải pháp này đặc biệt cần thiết cho các bệnh viện dã chiến.
Theo Vietnam+