ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC, KỸ THUẬT NUÔI CÁ DIẾC
Cá diếc có tên khoa học là Carasius auratus, là loại cá nước ngọt, cùng họ với cá chép. Trong tự nhiên, cá diếc thường sống chung với cá chép, chủ yếu ăn mùn bã hữu cơ và các loại sinh vật nhỏ. Cá diếc sinh sản nhiều trong các ao, đầm ở xã An Mỹ, huyện Tuy An.
Cá lóc nuôi trong bể xi măng ở xã An Thạch, huyện Tuy An - Ảnh: Q.ĐẠT |
Cá diếc có kích thước nhỏ, lớn chậm hơn cá chép. Thịt cá diếc thơm ngon nhưng nhiều xương dăm. Do cá có kích thước nhỏ, lớn chậm nên ít được nuôi hơn so với một số loài cá nước ngọt khác. Tuy nhiên, cá diếc có ưu điểm là có thể nuôi ở những nơi có mực nước thấp như ruộng lúa, nhất là những vùng ruộng trũng. Khi nuôi cá diếc cần lưu ý một số vấn đề sau:
Chuẩn bị ao, ruộng nuôi:
Trước khi thả cá, cần cải tạo ao như khi nuôi những loài cá khác. Sau khi cải tạo xong có thể bón lót phân chuồng đã ủ mục để tạo thức ăn ban đầu cho cá con, với lượng 50 – 60 kg/100m2. Sau khi bón lót và lấy nước vào ao để khoảng 3 – 4 ngày mới thả cá diếc. Mực nước ao trung bình 0,8 – 1,2m.
Mật độ thả giống và cho ăn:
Nếu ương từ cá bột lên cá hương, mật độ là 300 – 400 con/m2; nếu nuôi cá thịt mật độ thích hợp nhất là 3 – 5 con/m2. Khi nuôi cá trong ao hoặc ruộng không cấy lúa có thể dùng nhiều loại thức ăn như cám, bột đậu tương… với lượng thức ăn bằng 3 – 5% trọng lượng cá nuôi. Nếu nuôi trong ruộng lúa với mật độ thưa (1-2 con/m2) thì không cần cho ăn.
NUÔI CÁ LÓC TRONG BỂ XI MĂNG ĐƯỢC KHÔNG?
Cá lóc là loài dễ nuôi nhưng tùy điều kiện cụ thể mà chọn hình thức nuôi phù hợp để đạt hiệu quả cao. Hiện nay, người dân nuôi cá lóc trong ao, trong bè và cũng có thể nuôi trong giai đặt trong ao. Đây là những hình thức nuôi cá lóc đạt hiệu quả, vì không gian hoạt động của cá rộng, các yếu tố như nhiệt độ, pH… của nước ít biến động, tạo thuận lợi cho cá sinh trưởng, phát triển tốt.
Trong trường hợp chưa có ao nuôi, cũng có thể nuôi cá trong bể xi măng. Tuy nhiên, cá nuôi trong bể xi măng sẽ lớn chậm hơn, ngoài ra phải thay nước liên tục, nếu không nước trong bể sẽ mau thối do thức ăn thừa và chất thải của cá gây ra.
Do những bất lợi nói trên, bà con không nên nuôi cá lóc trong bể xi măng một thời gian dài. Chỉ nên sử dụng bể xi măng để ương cá con đến 1 – 2 tháng tuổi, sau đó có thể nuôi cá ở những nơi có diện tích mặt nước lớn và độ sâu thích hợp như ao, bè.
Kỹ sư NGUYỄN THỊNH