Thứ Tư, 23/10/2024 23:27 CH
Nỗ lực định hướng phân luồng học sinh sau trung học
Chủ Nhật, 14/10/2018 07:20 SA

Học sinh học nghề chế biến món ăn tại Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp tỉnh - Ảnh: THÚY HẰNG

Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi tháng 5/2018 là nhằm góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quốc gia. Tuy nhiên để hiện thực hóa được các chỉ tiêu mà đề án đưa ra không hề dễ dàng.

 

Bài toán lớn của hệ thống giáo dục

 

Theo đề án này, đến năm 2025, cả nước phấn đấu 100% trường THCS, THPT có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; đối với các trường ở địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 80%.

 

Phấn đấu 100% trường THCS, THPT có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 80%.

 

Phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%.

 

Phấn đấu ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 35%.

 

Việc phân luồng sau THCS và THPT không phải tới bây giờ mới đặt ra. Trước đây, đã có rất nhiều chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước, Bộ GD-ĐT đề cập khá kỹ về phân luồng nhằm tạo nguồn lao động có chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên cho đến nay, việc phân luồng học sinh sau THCS, THPT vẫn chưa hiệu quả.

 

Tại Phú Yên, trong năm học 2017-2018, toàn tỉnh có khoảng 13.000 học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS nhưng số lượng học sinh vào học lớp 10 THPT năm học 2018-2019 là gần 12.000. Những học sinh không trúng tuyển vào lớp 10 THPT trường công lập sẽ được các trường THPT ngoài công lập sẵn sàng tiếp nhận.

 

Còn đối với học sinh THPT, với 98,51% học sinh đỗ tốt nghiệp THPT, cộng thêm con đường vào đại học ngày càng rộng mở nên chẳng còn mấy học sinh chọn các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp để học. Có thể ví von rằng nếu con đường vào giảng đường đại học ngày càng rộng mở khi học sinh được xét tuyển bằng học bạ THPT thìviệc tuyển sinh của các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp càng gặp khó bấy nhiêu. Do vậy, để đạt được các chỉ tiêu mà đề án đề ra là không hề dễ dàng.

 

Phụ huynh và học sinh cần nắm bắt cơ hội

 

Để đạt được các chỉ tiêu của đề án, từ năm học 2018-2019, Sở GD-ĐT Phú Yên tập trung vào các nhóm giải pháp chính như: nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông; đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông; phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong các trường trung học; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông; triển khai các biện pháp khuyến khích học sinh theo định hướng phân luồng; huy động nguồn lực xã hội trong và ngoài nước tham gia giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông; tăng cường quản lý đối với giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông.

 

Hiện nay, hệ thống giáo dục nghề nghiệp hoàn toàn do Bộ LĐ-TB-XH quản lý, do đó việc phối hợp giữa Bộ GD-ĐT với Bộ LĐ-TB-XH trong chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục trung học thực hiện giáo dục hướng nghiệp, tư vấn nghề, đồng thời kết hợp dạy văn hóa phổ thông và dạy nghề là rất thuận lợi. Đối với cấp sở, hai bên cũng sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong quá trình thực hiện tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trong xã hội.

 

Ông Lê Văn Phổ, Trưởng Phòng Dạy nghề (Sở LĐ-TB-XH), cho hay: Lâu nay, chúng ta ai cũng nhìn ra nguyên nhân bất cập trong việc phân luồng học sinh sau trung học như việc lựa chọn ngành nghề của các em còn theo tâm lý đám đông; tâm lý xã hội chạy theo bằng cấp; hầu hết các trường trung học chưa có phòng tư vấn hướng nghiệp, cũng không có kinh phí tổ chức công tác giáo dục hướng nghiệp gắn với thực tiễn để học sinh được tìm hiểu về các ngành, nghề phổ biến tại địa phương...

 

Chính vì công tác phân luồng, hướng nghiệp chưa tốt, trong khi các em học sinh chưa tường tận được thị trường lao động nên đổ xô vào đại học, xem nhẹ hệ thống giáo dục nghề nghiệp, dẫn đến tình trạng thừa thầy thiếu thợ. “Trong nền kinh tế thị trường, sự cần thiết là nắm bắt nhu cầu việc làm. Điều mà phụ huynh và các em học sinh cần nghĩ đến là thị trường lao động và khả năng của chính mình.

 

Nếu như những em có học lực trung bình thì việc đi học nghề ngay sau khi học xong lớp 9 sẽ giúp cho gia đình giảm rất nhiều chi phí học tập. Bởi thực tế nhiều trường nghề hiện nay đang thực hiện vừa dạy nghề, vừa dạy văn hóa. Sau 3 năm học ở trường nghề thì các em vừa có bằng nghề và lại cũng hoàn thành được chương trình lớp 12.

 

Quyết định 522/QĐ-TTg, phê duyệt đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025 không chỉ là yếu tố “cần có” mà còn là “cần thiết” để nhà trường và phụ huynh học sinh lưu tâm nhằm định hướng nghề nghiệp cho học sinh và con em mình”, ông Lê Văn Phổ nhấn mạnh.

 

Trong bối cảnh CNH-HĐH đất nước, chúng ta rất cần những chuyên gia giỏi, những nhà khoa học lớn nhưng bên cạnh đó cũng rất cần những người thợ lành nghề để hội nhập. Nhất là hiện nay tỉnh nào cũng có khu công nghiệp, cụm công nghiệp thì học sinh học nghề sẽ không phải bận tâm chuyện thất nghiệp sau khi ra trường.

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek