Thứ Sáu, 25/10/2024 17:24 CH
Cần tính toán kỹ việc sáp nhập trường học
Thứ Tư, 22/08/2018 07:30 SA

Trong năm học 2018-2019, Trường tiểu học Bạch Đằng (trong ảnh) sẽ sáp nhập với Trường THCS Ngô Quyền - Ảnh: HÀ MY

Triển khai Kế hoạch 58-KH/TU ngày 11/4/2018 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp công lập, hiện nay, ngành Giáo dục đang phối hợp với các địa phương trong tỉnh khẩn trương rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học. Các điểm trường lẻ được thu dần, biên chế nhân viên được tinh giản sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Song để giải quyết vấn đề này “thấu tình đạt lý” thì là bài toán khó cho ngành Giáo dục...

 

Đẩy nhanh tiến độ sáp nhập

 

Xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa có hai trường tiểu học: Trường tiểu học Sơn Hà 1 (thôn Ngân Điền) cách Trường tiểu học Sơn Hà 2 (thôn Thành Hội) khoảng 3km. Thực hiện Kế hoạch 71-KH/HU ngày 25/6/2018 của Huyện ủy Sơn Hòa về thực hiện Kế hoạch 58 của Tỉnh ủy và Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp công lập”, trong quý III/2018, hai trường học này sẽ sáp nhập thành Trường tiểu học Sơn Hà. Theo thầy Đỗ Công Bình, Hiệu trưởng Trường tiểu học Sơn Hà 1, hiện hồ sơ sáp nhập trường đã hoàn thiện, UBND huyện cũng đã thẩm định, sẽ sáp nhập hai trường tiểu học trên địa bàn xã Sơn Hà thành một trường tiểu học. Trường tiểu học mới có quy mô 29 lớp học với gần 900 học sinh, 53 cán bộ, giáo viên và nhân viên.

 

Theo Phòng GD-ĐT huyện Sơn Hòa, 22 trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn huyện sẽ được sắp xếp, sáp nhập trong quý III/2018 và quý III/2019. Từ 44 trường học, sau khi sáp nhập, huyện sẽ giảm còn 33 trường học; trong đó có 14 trường mầm non, 6 trường tiểu học, 9 trường tiểu học và THCS, 3 trường THCS và 1 trường phổ thông dân tộc nội trú. “Trường sau khi sáp nhập có chung bộ máy quản lý và có một điểm trường chính, các điểm trường khác vẫn cơ bản giữ nguyên để đảm bảo khoảng cách đến trường theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT; đội ngũ giáo viên được sắp xếp bố trí lại hợp lý, đảm bảo dạy đúng chuyên môn được đào tạo và đủ số tiết theo quy định”, ông Hoàng Vũ Anh, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Sơn Hòa cho hay.

 

Đến thời điểm này, huyện Tuy An đang đẩy nhanh tiến độ sáp nhập các trường học, dự kiến sẽ dứt điểm trong năm học 2018-2019. Đầu tháng 8, UBND huyện Tuy An đã thông qua đề án Sáp nhập các trường học trên địa bàn, trình UBND tỉnh thẩm định. Từ 58 trường học, huyện sẽ sắp xếp, sáp nhập lại còn 42 trường học; trong đó, cấp tiểu học từ 25 trường giảm còn 13 trường, cấp THCS từ 14 trường giảm còn 8 trường, cấp mầm non 17 trường giảm còn 16 trường, hình thành mới 4 trường THCS và tiểu học.

 

Về vấn đề này, đồng chí Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho hay, thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác dạy và học, đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị trường học, vẫn còn bộc lộ những bất cập như: đầu mối trường lớp nhiều, nhiều trường có số lớp học và học sinh ít, trong khi việc chi ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập lớn. Trên tinh thần Nghị quyết 19, Hội nghị Trung ương lần thứ 6, khóa XII yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập; giảm mạnh đầu mối; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức…, Tỉnh ủy Phú Yên ban hành Kế hoạch 58; trong đó, đối với lĩnh vực GD-ĐT, từ năm 2018 đến hết quý III/2019, tỉnh sẽ tiến hành sáp nhập các trường mầm non công lập ở các xã, phường tiến tới chỉ có một trường mầm non; sắp xếp, điều chỉnh lại quy mô lớp học hợp lý, thu gọn các điểm trường, sáp nhập các trường tiểu học, THCS có quy mô nhỏ trên cùng xã, phường, thị trấn theo nguyên tắc các trường sau khi tổ chức lại có đủ số giáo viên từng bộ môn; phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương, đảm bảo không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu dạy và học. Việc sắp xếp lại mạng lưới trường lớp sẽ tạo diện mạo mới, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng giáo dục.

 

Cần có lộ trình thực hiện phù hợp

 

Thực hiện Kế hoạch 58 của Tỉnh ủy, giai đoạn 2018-2020, cả tỉnh có 404 trường công lập sẽ sáp nhập còn 310 trường. Theo lãnh đạo UBND các địa phương và ngành Giáo dục, bên cạnh thuận lợi, khó khăn lớn nhất của việc sáp nhập đó là tình trạng cán bộ, giáo viên và nhân viên dôi dư. TP Tuy Hòa, sau khi sáp nhập 31 trường tiểu học và THCS lại còn 14 trường, dôi dư cán bộ quản lý và nhân viên của 17 trường. Huyện Sơn Hòa, sau khi sáp nhập các trường, thừa 15 cán bộ quản lý và 19 nhân viên ở bậc tiểu học, THCS. Ông Lê Tính, Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Sơn Hòa cho hay: “Khi sáp nhập trường tiểu học vào Trường THCS, theo điều lệ của trường nhiều cấp học, hiệu trưởng trường nào có cấp học cao hơn sẽ làm hiệu trưởng của trường đó. Bên cạnh đó, có trường có đến 3 hiệu phó, như vậy, sau khi sáp nhập, cán bộ quản lý sẽ dôi ra. Cho nên, công tác quy hoạch cán bộ quản lý hiện nay còn nhiều tâm tư. Thêm vào đó, ở các xã có trường tiểu học không sáp nhập, năng lực của cán bộ quản lý lại không bằng ở các trường sáp nhập. Mặc dù ngành Giáo dục rất muốn chọn những người có năng lực thực sự quản lý nhưng vì kế hoạch chia làm hai giai đoạn nên có phần khó thực hiện”.

 

Bà Trương Thị Dân, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Tây Hòa nêu một khó khăn khác, đó là tình trạng sau khi sáp nhập, huyện Tây Hòa có 8 trường tiểu học có hơn 30 lớp. Điều 14 của Thông tư 59/2012/TT-BGDĐT về tiêu chuẩn đánh giá, công nhận trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, quy định: “Trường có tối đa không quá 30 lớp; mỗi lớp có tối đa không quá 35 học sinh”. Như vậy, sau khi sáp nhập các trường tiểu học, nếu xét công nhận trường chuẩn theo Thông tư 59, sẽ không có trường nào đạt yêu cầu. Thêm vào đó, việc sáp nhập các trường có 2 cấp học sẽ gây khó khăn trong quản lý; có những trường sau khi sáp nhập, khoảng cách xa nhau nên khó khăn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên trong hội họp, sinh hoạt chuyên môn…

 

TS Phạm Văn Cường, Giám đốc GD-ĐT Phú Yên cho rằng, đây là một đề án có quy mô lớn, tác động đến nhiều đối tượng và liên quan đến nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Do đó, để đề án khi ban hành đảm bảo tính khả thi và hiệu quả thực hiện tốt, các cấp, ngành, địa phương cần xác định rõ lộ trình để thực hiện theo từng năm, từng giai đoạn cho phù hợp với tình hình các đơn vị, địa phương. UBND tỉnh cần chỉ đạo các địa phương xây dựng một cơ chế chính sách phù hợp đối với số cán bộ quản lý, nhân viên dôi dư sau khi sáp nhập; đưa ra các giải pháp cụ thể, đồng bộ để giải quyết các khó khăn, vướng mắc khi thực hiện nhằm đảm bảo mục tiêu giảm đầu mối, biên chế, đồng thời tăng quy mô của từng đơn vị trường học, tăng tỉ lệ huy động học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục.

 

CHỦ TỊCH UBND HUYỆN TÂY HÒA NGUYỄN TẤN CHÂN: Cần có sự thống nhất trong việc cắt giảm biên chế 

 

Ngày 10/8, huyện Tây Hòa đã công bố quyết định sáp nhập cũng như các chức danh hiệu trưởng, hiệu phó của các trường tiểu học. Thực hiện đề án sáp nhập, huyện có 62 biên chế trong ngành Giáo dục bị cắt giảm. UBND huyện đề nghị Sở GD-ĐT tham mưu cho UBND tỉnh sớm hướng dẫn việc giải quyết chế độ chính sách cho các giáo viên, nhân viên dôi dư.

 

Bên cạnh đó, huyện cũng đề nghị các sở, ngành cần có sự thống nhất chung, nhất là với Sở Nội vụ. Quan điểm của chúng tôi, giáo viên dôi dư thì phải nghỉ. Trước đây, huyện cũng đã xảy ra việc khởi kiện vì cắt giảm giáo viên.

 

Trong quá trình giải quyết, vì bảo vệ quyền lợi người lao động, các ngành đề nghị huyện phải nhận lại các giáo viên này, làm cho vụ việc càng thêm khó giải quyết. Phải khó khăn lắm, tháng 7 vừa qua, huyện mới trả hết nợ 130 biên chế dôi dư của ngành Giáo dục.

 

PHÓ CHỦ TỊCH UBND HUYỆN ĐÔNG HÒA LÊ TẤN SANG: Linh động bố trí việc cho số biên chế nhân viên dôi dư 

 

Như các địa phương khác, sau khi sáp nhập các trường theo Kế hoạch 58, cán bộ quản lý, nhân viên của huyện có dôi dư. Vấn đề nằm ở chỗ, nhiều biên chế thừa, tuổi còn trẻ.

 

Trước mắt, với nhân viên kế toán dôi dư, chúng tôi có kế hoạch bố trí làm nhân viên thư viện hoặc văn thư kiêm việc khác, để sau này học bồi dưỡng thêm chứng chỉ hoặc văn bằng 2. Qua đây, huyện đề nghị Sở GD-ĐT tham mưu UBND tỉnh cho các địa phương linh động trong việc này.

 

Để xin một người vào làm đã khó, cho nghỉ càng khó hơn. Trong khi, số biên chế này đều còn trẻ. Còn với số lượng nhân viên hợp đồng dôi dư, cuối năm 2018, huyện sẽ chấm dứt hợp đồng theo quyết định của tỉnh.

 

TRƯỞNG PHÒNG GD-ĐT HUYỆN PHÚ HÒA TRÌNH NGỌC MẪN: Gom các trường có ít học sinh là cần thiết 

 

Sáp nhập điểm lẻ về điểm cơ sở, gom các điểm trường có ít học sinh lại để phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa phương là một chủ trương hợp lý và cần thiết. Việc sáp nhập sẽ giúp ngành Giáo dục có sự tập trung chỉ đạo, thực hiện tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, tránh lãng phí trong việc sử dụng các nguồn lực của Nhà nước và nhân dân.

 

Sau khi sáp nhập, nhiều trường sẽ có 2 điểm trường, trong khi theo quy định, mỗi trường chỉ có một nhân viên thư viện, thiết bị. Nhân viên thư viện, thiết bị không thể chạy đi chạy lại giữa các điểm trường. Điều này đòi hỏi hiệu trưởng phải có sự phân công nhiệm vụ phù hợp, đảm bảo cho guồng máy của toàn trường hoạt động hiệu quả.

 

HÀ MY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek