Tâm lý của các thí sinh dự thi cũng như các bậc phụ huynh luôn thích chạy theo các ngành hot. Do đó, có một khoảng thời gian dài, các thí sinh đã quay lưng với nhóm ngành khoa học xã hội. Hiện nay, nhân lực ngành này đang rất khan hiếm nên trong các chương trình tư vấn tuyển sinh năm 2018, các ngành KHXH được học sinh quan tâm, lựa chọn nhiều hơn.
Nhiều câu hỏi dành cho nhóm ngành KHXH
Tại Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2018 do Báo Tuổi Trẻ tổ chức, khu vực tư vấn tuyển sinh các ngành KHXH như Báo chí, Đông phương học, Quan hệ công chúng, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị khách sạn, Tâm lý học,… của các chuyên gia tư vấn đến từ Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh), Trường đại học Tôn Đức Thắng, Trường cao đẳng Quốc tế TP Hồ Chí Minh… được các thí sinh đặc biệt quan tâm.
Thí sinh Lê Thị Minh Anh, Trường THPT Nguyễn Huệ hỏi: “Em muốn dự tuyển vào ngành Báo chí. Vậy ngành học này cần có những kỹ năng gì, điểm thi khoảng bao nhiêu mới trúng tuyển ngành học này, thưa thầy?”. Trả lời cho câu hỏi này, TS Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh thông tin: Nhiều năm gần đây, ngành Báo chí trở nên hấp dẫn nhiều bạn trẻ nên điểm chuẩn ngành học này luôn rất cao. Những thí sinh chọn ngành Báo chí thường là học sinh khá trở lên. Nghề báo rất khắc nghiệt, phải chịu nhiều áp lực và đòi hỏi sức chịu đựng cao…
Bên cạnh đó, nghề báo đỏi hỏi các bạn phải có nhiều kỹ năng mềm, khả năng giao tiếp tốt và ngoại ngữ cũng là một yêu cầu khá quan trọng. Tuy nhiên, không phải học báo chí mới ra làm báo được. Nếu các thí sinh không đủ điểm xét vào học ngành Báo chí mà có ước mơ làm báo thì vẫn có thể học ở một số ngành khác như Xã hội học, Nhân học, Ngôn ngữ học… Thực tế đã có nhiều người không tốt nghiệp ngành Báo chí nhưng vẫn làm báo rất giỏi.
Đến với buổi tư vấn tuyển sinh, em Nguyễn Thu Hương, học sinh Trường THPT Trần Suyền thắc mắc: “Các anh chị đi trước khuyên em nên chọn ngành thuộc nhóm ngôn ngữ như Ngôn ngữ Anh, Hàn Quốc học, Nhật Bản học… vì các ngành này rất dễ xin việc, liệu có đúng không?”. Đối với những ngành học này, TS Phạm Tấn Hạ cho biết, trong những năm gần đây, các ngành liên quan đến ngôn ngữ như: Ngôn ngữ Anh, Hàn Quốc học, Nhật Bản học… luôn có cơ hội việc làm rất cao. Hầu như rất ít trường hợp sinh viên những ngành học này khi ra trường bị thất nghiệp. Không dừng lại ở việc biết tiếng để giao tiếp, giới trẻ ngày nay học còn vì muốn tìm hiểu, nghiên cứu chuyên sâu về đất nước, con người và nền văn hóa lâu đời của các đất nước này.
Ngoài ra, với trình độ tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Nhật cao, sự am hiểu về kiến thức khác giúp sinh viên các ngành học này luôn có nhiều cơ hội việc làm, đáp ứng yêu cầu đa dạng của các nhà tuyển dụng không chỉ riêng tại Việt Nam mà còn tại nước ngoài. Đó là lý do Hàn Quốc học, Nhật Bản học vẫn luôn là ngành trong nhóm ngành KHXHNV có tỉ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển cao.
Một ngành học cũng được nhiều thí sinh quan tâm, đó là Tâm lý học. Nói về điều này, TS Tăng Hữu Tân, Trưởng Ban Tuyển sinh Trường đại học Tôn Đức Thắng chia sẻ: Đây là ngành học khá hấp dẫn các bạn trẻ. Tốt nghiệp ngành Tâm lý học, các em có thể làm chuyên viên tư vấn tại các cơ sở giáo dục, đài phát thanh, đài truyền hình, tổng đài tư vấn qua điện thoại, các trung tâm tư vấn, các trường giáo dưỡng. Ngoài ra, có thể làm việc trong lĩnh vực chẩn đoán và trị liệu tâm lý tại bệnh viện, tư vấn tâm lý học đường, quản lý nhân sự và tư vấn tâm lý trong doanh nghiệp, giảng dạy tâm lý học ở các trường đại học, cao đẳng, trung cấp…
Nhiều lợi thế cho sinh viên KHXH
Theo các chuyên gia tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp, nhu cầu thị trường lao động những năm gần đây đang ngày càng sôi động. Trong đó, nhóm ngành KHXH là 1 trong 10 ngành thu hút nhiều lao động. Mức lương không hề thua kém các ngành khác. Bên cạnh đó, học khối ngành KHXH, sinh viên có thể chuyển đổi công việc sang lĩnh vực liên quan tương đối dễ dàng. Vậy nên, nếu bạn nào còn đang phân vân không biết có nên theo đuổi khối ngành này hay không thì hãy mạnh dạn theo đuổi, cơ hội luôn rộng cửa.
TS Phạm Tấn Hạ cho hay những sinh viên tốt nghiệp khối ngành KHXH không quá khó để tìm được việc làm tại các lĩnh vực như: giảng dạy, làm hướng dẫn viên du lịch, marketing, quản trị du lịch, làm việc tại các cơ quan nghiên cứu và quản lý văn hóa, các tổ chức văn hóa, chính trị, xã hội giáo dục, khoa học, các tổ chức nước ngoài, làm việc trong các cơ quan báo chí, truyền hình hoặc truyền thông, công ty tổ chức sự kiện...
Hiện có rất nhiều trường đào tạo khối ngành KHXH như đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, đại học Phú Yên, đại học Sài Gòn, đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh, đại học Văn Hiến, đại học quốc tế Hồng Bàng... Trong đó đào tạo bậc cử nhân các ngành KHXH và nhân văn có quy mô lớn nhất khu vực phía Nam là Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh).
Trong khối ngành KHXH tại trường này, cho đến nay điểm đầu vào cao nhất vẫn thuộc các ngành Báo chí, ngôn ngữ Anh và Quan hệ quốc tế. Theo TS Phạm Tấn Hạ, sức hút của các ngành này tỉ lệ thuận với khả năng việc làm sau khi ra trường. Nhất là những sinh viên theo học ngành ngôn ngữ Anh và Quan hệ quốc tế có nhiều cơ hội việc làm với mức lương cao.
Tuy nhiên, thầy Hạ cũng khuyên thí sinh nếu chọn học các ngành nêu trên phải căn cứ vào yếu tố có phù hợp với năng lực, sở trường của mình hay không, vì điểm đầu vào giữa các ngành thuộc khối KHXH luôn có sự chênh lệch rất lớn. Mặt khác để học tốt và tìm được việc làm các ngành thuộc khối KHXH, thí sinh cần rất nhiều kỹ năng. Chẳng hạn nếu các em chọn học ngành Xã hội học, cần rất nhiều kỹ năng thực hành chuyên nghiệp, không đơn thuần chỉ là làm công tác nghiên cứu xã hội như nhiều người nhầm tưởng.
Cụ thể, nhà xã hội học cần có tư duy phân tích để chạm tới, nắm bắt được sợi dây bản chất xuyên suốt mỗi hiện tượng xã hội. Ngoài ra, không kém phần quan trọng đối với một người làm nghề xã hội học là khả năng giao tiếp tốt vì đối tượng trực tiếp làm việc là con người.
THÚY HẰNG