Mô hình trồng ớt phủ bạt được thực hiện tại gia đình ông Nguyễn Hoài Trung ở thôn Phong Thái (xã An Lĩnh, huyện Tuy An) đang được nhiều nông dân tham quan học tập. Tuy trồng trái vụ, nhưng cây ớt vẫn cho năng suất cao.
Trồng ớt phủ bạt ở An Lĩnh - Ảnh:MINH NGUYỆT |
Được sự đầu tư, hướng dẫn của Trạm khuyến nông huyện Tuy An, rằm tháng 8/2007, ông Nguyễn Hoài Trung đưa vào trồng thí điểm 1.000 m2 ớt phủ bạt ngay dưới những gốc tiêu.
Loại giống được chọn trồng là ớt lai F1 Thái Lan siêu cay do Trung tâm Giống miền
Ông Trung cho biết: “Kỹ thuật trồng đơn giản nhưng phải kỹ lưỡng trong cách làm”. Theo ông, khâu chuẩn bị cây con được tiến hành bằng cách gieo hạt trên luống đất tơi như gieo hạt rau sau khi đã bón lót phân chuồng hoai mục, lân và vôi. Ngoài ra, người trồng cũng có thể làm bầu túi ni lông thủng đáy hoặc cuộn bằng lá chuối tươi, cho đất đã chuẩn bị kỹ theo cách trên rồi gieo hạt. Trước khi gieo hạt cần xử lý hạt giống bằng thuốc trừ nấm bệnh như Thiram, Kasuran, Benlate với liều lượng 6g/1 lít nước, ngâm hạt trong 1 giờ. Sau đó vớt ra ngâm hạt trong nước nóng 50oC trong vòng 5 phút, rồi vớt ra tiếp tục ngâm nước lã 8 – 10 giờ cho hạt hút no nước, đãi bỏ những hạt lép; gói hạt đã no nước vào khăn ủ cho hạt nứt nanh (khoảng 3 – 5 ngày). Khi hạt đã nứt nanh thì đem gieo lên luống hoặc gieo vào mỗi túi bầu 2 hạt. Sau khi gieo, phủ một lớp rơm rạ để khi tưới hoặc lúc trời mưa sẽ không bị trôi hạt và rải Basudin 10 H với lượng 3kg/ha để trừ kiến. Khi cây con được 25 – 30 ngày tuổi (đạt 8 – 10 lá thật) thì đem trồng ra ruộng.
Cây ớt không kén đất lắm, chỉ cần dễ tiêu thoát nước là được. Tuy nhiên, chúng ta nên chọn các chân đất cát pha, thịt nhẹ để ớt cho năng suất cao. Để đất ải, cày bừa kỹ, nhặt sạch cỏ dại, lên luống (rộng 80 – 100cm, cao 25 – 30cm, rãnh rộng 30 – 40cm) để trồng.
Với 1.000 m2, ông Trung đã dùng 1 tấn phân chuồng trộn với 50 kg super lân và 40 kg vôi để bón lót. Có thể bón rải đều hoặc bón thẳng vào hốc trồng. Trồng theo hàng và mỗi hàng cách nhau 50 – 60cm, cây cách cây 40 – 50cm. Trồng xong cần tưới nước ngay vào gốc để cây mau bén rễ. Khi ớt đã bén chân cần kiểm tra kỹ để trồng dặm lại những cây chết nhằm đảm bảo mật độ. Dùng màng ni lông phủ mặt luống trước khi trồng để cây tránh cỏ dại, tránh được quá trình nước bốc hơi, đỡ hao hụt phân bón do bị rửa trôi, giảm được sự gây hại của nhiều loại nấm bệnh, giảm công chăm sóc, tưới nước và hạ chi phí vật tư.
Ông Trung so sánh: “Trồng ớt trên 1.000m2 đất theo kiểu truyền thống phải mất 50 công làm cỏ, mấy lần bón phân. Còn trồng theo mô hình phủ bạt, chẳng phải nhổ cỏ, chỉ cần bón một lần phân lúc lên giồng. Ngoài ra, cách trồng này còn hạn chế được nhiều sâu bệnh, thời gian cho trái được lâu hơn và năng suất cũng cao hơn”.
Vụ đầu tiên này, gia đình ông Trung thu hoạch được 2 tấn ớt. Giá ớt trái vụ 15.000 – 17.000 đồng/kg. Sau khi trừ tổng chi phí là 8 triệu đồng, gia đình ông Trung thu lãi gần 15 triệu đồng. Nếu chú trọng khâu chăm sóc, cây ớt của mô hình phủ bạt sẽ cho thu hoạch trong 6 tháng và lưu gốc cho trái trong 3 năm.
Anh Cao Văn Tiên, cán bộ Phòng Kinh tế huyện Tuy An cho biết: “Sắp tới, ngoài xã An Lĩnh, chúng tôi còn triển khai mô hình trồng ớt phủ bạt ra các xã An Hoà và An Hiệp”.
MINH CHÂU