Thứ Năm, 31/10/2024 10:35 SA
Chọn tạo giống lúa cho năng suất cao, tăng hiệu quả canh tác
Thứ Hai, 05/03/2018 13:00 CH

Người dân thu hoạch lúa tại đồng Phước Lộc (huyện Đông Hòa) - Ảnh: THÁI HÀ

Nhằm chủ động tạo ra một số giống lúa mới phù hợp với điều kiện sản xuất, có năng suất cao, chất lượng tốt và mang lại hiệu quả kinh tế, kỹ sư Nguyễn Tấn Hạnh, cán bộ Trung tâm Giống và Kỹ thuật cây trồng và ThS Đặng Phúc, nguyên Giám đốc Trung tâm Giống và Kỹ thuật cây trồng đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu chọn tạo giống lúa nước cho năng suất cao, chất lượng tốt phù hợp với sản xuất tại tỉnh Phú Yên”.

 

Khi làm nông chỉ để “có gạo ăn”

 

Thời gian qua, nền nông nghiệp tỉnh nhà tuy có bước thay đổi đáng kể, đạt được một số thành tựu nhất định nhưng hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cây lúa, cây chủ lực của vùng đồng bằng ven biển Phú Yên vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng sản phẩm thấp… Từ “vựa lúa của miền Trung” một thời, đến nay Phú Yên vẫn chưa có bước đột phá để tìm ra hướng đi phù hợp với nền nông nghiệp hiện đại khiến người trồng lúa chỉ làm để “có gạo ăn”.

 

Năm 2015, trong chuyến công tác tại Phú Yên, GS-TS Nguyễn Lân Dũng, chuyên gia cao cấp Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học (Đại học quốc gia Hà Nội), Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam, Chủ nhiệm chương trình Tự nguyện đưa khoa học kỹ thuật vào hộ nông dân, đã có buổi làm việc với đại diện Sở KH-CN Phú Yên. Khi bàn về hướng phát triển của ngành Nông nghiệp Phú Yên, GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng, việc phát triển nông nghiệp Phú Yên cần đi theo hướng ứng dụng kỹ thuật mới, phát triển những cây trồng mới giúp mang lại giá trị kinh tế cao. Riêng cây lúa ở miền Trung không mạnh bằng miền Nam vì căn bản, đất ở vùng đồng bằng ven biển, trung du như Phú Yên phù hợp hơn với những cây họ đậu. Thực tế cho thấy, từ nhiều năm qua, Phú Yên vẫn chưa có được những giống lúa hiệu quả cho năng suất, chất lượng cao và có khả năng xuất khẩu.

 

Có một thực tế, hiện nay, nông dân trồng lúa trên địa bàn tỉnh có diện tích canh tác ít ỏi trong khi chi phí đầu tư quá cao, giá cả biến động theo hướng hạ thấp, đầu ra nhỏ hẹp, giá trị lại không tăng tương ứng nên nông dân trồng lúa chẳng những không giàu lên được mà còn nghèo đi. Hơn mấy mươi năm gắn bó với hơn 5 sào ruộng (mỗi sào 500m2) do Nhà nước cấp, ông Võ Văn Quới ở xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa cũng không khấm khá gì hơn. Để tăng thêm thu nhập, ông nuôi thêm mấy con bò lai, trồng nửa sào cỏ voi để vợ ở nhà nuôi bò, làm mấy sào lúa còn bản thân ông thì đi phụ hồ kiếm sống. Những tháng mùa mưa thất nghiệp, ông phụ vợ làm nông. Thở ngắn than dài khi ôm bó cỏ to thả vào máng ăn cho bò, ông Quới chia sẻ: “Tôi có 4 đứa con trai, 3 đứa lấy vợ xa nên để ruộng lại cho tôi làm. Nay chẳng ai làm lúa mà giàu được, chủ yếu là để có gạo ăn, không phải mua, còn nếu dư thì bán chút ít hoặc để cho gà vịt ăn. Chứ chi phí bây giờ đủ thứ, muốn sống được phải ba đầu sáu tay làm đủ thứ nghề, không thể trông mong vào cây lúa”.

 

Chọn tạo giống lúa cho năng suất cao

 

Trước đây, khi kỹ thuật trồng trọt còn lạc hậu, người làm nông đánh giá yếu tố “giống” kém phần quan trọng “Nhất nước nhì phân, tam cần, tứ giống”. Tuy nhiên ngày nay, khi những điều kiện nước, phân, cần mặc nhiên có được thì giống trở thành yếu tố quan trọng hàng đầu trong hàng loạt biện pháp thâm canh. Bởi chỉ khi giống thích hợp với điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng và tập quán canh tác ở địa phương thì năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất mới được nâng lên.

 

Tuy nhiên, hiện nay, việc tìm nguồn giống lúa phục vụ cho sản xuất còn nhiều bất cập. Cụ thể, theo lý giải của kỹ sư Nguyễn Tấn Hạnh, Phú Yên có diện tích sản xuất lúa hàng năm trên 55.000ha, tập trung chủ yếu ở 3 huyện trọng điểm là Phú Hòa, Đông Hòa, Tây Hòa. Nguồn giống lúa chủ yếu phục vụ cho sản xuất trong tỉnh được du nhập từ các cơ quan chọn tạo giống trong nước thông qua khảo nghiệm, đánh giá, tuyển chọn, nhân giống và phóng thích ra sản xuất. Trên thực tế, từ hàng trăm dòng, giống, sau 4-5 năm mới tuyển chọn được 1-2 dòng, giống phù hợp với sản xuất đại trà, bởi giống có đặc tính khu vực, giống khác nhau thì thích hợp ở những vùng sinh thái khác nhau. Hiện nay, khó khăn cho các cơ sở nhân giống là đa số các giống mới ra đời đều có chủ sở hữu nên đơn vị nào muốn sản xuất phải thỏa thuận với chủ sở hữu bằng nhiều hình thức khác nhau như: mua giống siêu nguyên chủng, nguyên chủng hay mua bản quyền. Điều này sẽ làm chậm trễ việc phát triển giống mới đưa vào sản xuất.

 

Theo số liệu điều tra của Sở NN-PTNT, trong những năm gần đây, Phú Yên có 40 giống lúa đang sử dụng trong sản xuất, trong đó tập trung vào các giống như ML4, TH28, TH8, ML202, ML49, MK68, DDV108, OM2695-2, ĐB6… Một số giống đang có biểu hiện thoái hóa, nhiễm sâu bệnh nặng, năng suất suy giảm và không còn phù hợp với thâm canh hiện nay.

 

Trước thực trạng trên, những người thực hiện đề tài đã nghiên cứu lai, chọn tạo để cho ra đời những giống lúa có phẩm chất tốt, năng suất cao phục vụ cho sản xuất. Cụ thể, nhóm tác giả đã nghiên cứu lai, chọn tạo giống lúa mới từ thế hệ F0 đến F4 để chọn 36 dòng có triển vọng trong 12 tổ hợp. Từ 36 dòng này, những người nghiên cứu tiếp tục chọn lọc dòng thuần của 12 tổ hợp thế hệ F5, F6 sau đó tiến hành khảo nghiệm cơ bản 20 dòng thuần của 12 tổ hợp lai ở thế hệ F7, F8, F9 và giống đối chứng. Sau bước khảo nghiệm cơ bản, nhóm tác giả lựa chọn 4 giống lúa ưu tú là PY4, PY5, PY6, PY7 để đưa vào khảo nghiệm sản xuất cùng với giống đối chứng ML202. Kết quả nghiên cứu cho thấy giống lúa PY7 cho năng suất cao nhất với 82,5 tạ/ha, kế đó là PY4 (78,2), PY5 (71,1) và cuối cùng là PY6 với 70 tạ/ha. Tất cả các giống trên đều đạt năng suất cao hơn giống đối chứng ML202 (61,2 tạ/ha). Kết quả phân tích các chỉ tiêu chất lượng lúa gạo, chất lượng cơm của 4 giống cho thấy không có sự chênh lệch nhiều. Tiếp tục khảo nghiệm diện rộng 3 giống lúa đạt năng suất cao nhất PY4, PY5, PY7 cho thấy các giống mới này mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn giống sản xuất đại trà (ML202) từ 2,9-11 triệu đồng/ha (tương đương với tỉ lệ 26-40%).

 

ThS Nguyễn Đức Thắng, Phó Phòng Nông nghiệp (Sở NN-PTNT) đánh giá cao nỗ lực mà những người thực hiện đề tài đã đạt được. Tuy đề tài kết luận đã tuyển chọn được 3 giống PY4, PY5, PY7 cho hiệu quả cao khi đưa vào sản xuất nhưng các tác giả cũng cần thận trọng xem xét khoa học, khách quan, đặc biệt là yếu tố nhiễm sâu bệnh ở mức độ hơi nhiễm, nhiễm và các chỉ tiêu về chất lượng lúa gạo để loại bỏ những giống không tốt, tránh tình trạng khuyến cáo vội và chủ quan đưa ra sản xuất đại trà.

 

THÁI HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek