Thực nghiệm thành công cây Thanh thất

Thực nghiệm thành công cây Thanh thất

Cây thanh thất chỉ có ở những cánh rừng khu vực trung và nam Trung bộ, cũng là loài cây bản địa của Phú Yên. Gỗ thanh thất mềm, nhẹ không cong vênh, rất thích hợp để làm nguyên liệu cho các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, đóng bao bì, đặc biệt là công nghệ diêm. Đây là loài cây có giá trị kinh tế cao, nhưng chưa được khai thác và phát triển. Từ năm 1998, Trạm Thực nghiệm giống lâm nghiệp thuộc Trung tâm Giống và Kỹ thuật cây trồng Phú Yên đã phát hiện và trồng thực nghiệm thành công loài cây này, mở ra hướng phát triển cho ngành trồng rừng nguyên liệu tỉnh nhà.

Cây thanh thất chỉ có ở những cánh rừng khu vực trung và nam Trung bộ, cũng là loài cây bản địa của Phú Yên. Gỗ thanh thất mềm, nhẹ không cong vênh, rất thích hợp để làm nguyên liệu cho các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, đóng bao bì, đặc biệt là công nghệ diêm. Đây là loài cây có giá trị kinh tế cao, nhưng chưa được khai thác và phát triển. Từ năm 1998, Trạm Thực nghiệm giống lâm nghiệp thuộc Trung tâm Giống và Kỹ thuật cây trồng Phú Yên đã phát hiện và trồng thực nghiệm thành công loài cây này, mở ra hướng phát triển cho ngành trồng rừng nguyên liệu tỉnh nhà.

Cây thanh thất trong vườn của trạm Thực nghiệm giống lâm nghiệp - Ảnh: Khánh Uyên

Thanh thất còn gọi là cây bút, có tên khoa học là Alanthus Malabarica DC, thuộc họ Simaroubaceae, thân tròn, thẳng, cao từ 25-30 mét, dáng đẹp, có thể dùng làm cây bóng mát hoặc làm cảnh quan. Cây có vỏ màu nâu xám, nhẵn hoặc có những đường nứt nhỏ; cây phân cành cao, các cành thường ngắn, tập trung ở ngọn làm thành các tán nhỏ.

Cây thanh thất cho lá kép lông chim một lần lẻ, mọc tập trung đầu cành; lá lớn có từ 13-15 lá chét, dài từ 7-12 cm, rộng 2-4 cm, hình mũi mác. Cuống lá màu nâu hồng, phủ lông mềm, rải rác đốm nâu nhạt; mùa khô lá rụng, chuyển màu đỏ tía.

Thanh thất ra hoa vào tháng 3-4, hoa có màu xanh, cụm hoa hình viên chùy, thường mọc ở đầu cành hoặc nách lá. Quả thanh thất màu nâu, hình trái xoan, dài từ 6-8 cm, rộng 1,5-2cm, hai đầu tròn, xung quanh có cánh mỏng dài 3-4 cm, quả có hạt tròn dẹp. Quả chín từ tháng 7-8.

Thanh thất là loài cây có tốc độ tăng trưởng nhanh, nhưng tái sinh tự nhiên kém. Cây ưa ánh sáng, có khả năng chịu hạn tốt, thường mọc ở ven rừng. Ở Phú Yên, thanh thất mọc chủ yếu ở các huyện Sơn Hòa, Đồng Xuân và Tuy An.

Từ năm 1998, Trạm Thực nghiệm giống lâm nghiệp đã tiến hành thu hái hạt thanh thất trong tự nhiên, gieo ươm và trồng thử tại trạm. Sống ở môi trường được chăm sóc tốt nên vườn thanh thất này đến nay đã đạt chiều cao từ 3,5 -4 mét. Từ thành công ban đầu này, trạm lại tiếp tục gieo ươm cây con và trong hai năm 2001- 2002 đã trồng thử nghiệm 2 ha tại xã An Thọ, huyện Tuy An.

Đây là rừng giống thực nghiệm để làm cơ sở cho công tác chuẩn bị nguồn hom cho việc nhân giống, gây rừng cây bản địa có sức tăng trưởng nhanh và giá trị kinh tế cao.

Cây con xuất vườn phải từ 16-18 tháng tuổi, không sâu bệnh, không gãy ngọn hoặc cong quẹo và lá xanh tốt. Ở độ tuổi này cây đạt chiều cao từ 60-80 cm, thân cây có đường kính từ 0,5-1 cm. Cây được trồng trong các hố đào 40x40x40 cm, có bón lót 3 kg phân chuồng, mật độ 625 cây/ha. Phải tiến hành trồng rừng vào đầu mùa mưa để cây con có đủ nguồn nước để sinh trưởng.

Hàng năm tiến hành chăm sóc 2 đợt vào khoảng tháng 4-5 khi có mưa tiểu mãn và tháng 10-11 đầu mùa mưa. Cần dọn sạch thực bì trong rừng, và cuốc xới vun gốc từ 0,8-1,0 m và kết hợp bón thúc phân NPK với liều lượng 0,1kg/gốc.

Thanh thất là loài cây có khả năng chịu hạn rất tốt, tốc độ tăng trưởng về chiều cao bình quân khoảng 0,5 m/năm và tăng trưởng về đường kính thân cây khoảng 2cm. Là loài cây gỗ nên thời gian thu hoạch khá dài và tùy mục đích sử dụng. Cây cho gỗ mềm, thớ thẳng, mịn, rất dễ sử dụng làm gỗ mỹ nghệ, và đặc biệt thích hợp để làm báng súng và sản xuất diêm. Vì vậy, thanh thất có giá trị kinh tế cao hơn hẳn so với các loài cây nguyên liệu khác.

Theo báo cáo của trạm Qua thực nghiệm giống lâm nghiệp, qua kết quả thực nghiệm ban đầu, thanh thất là loài cây triển vọng cho rừng trồng ở Phú Yên.

MINH HOÀNG

Từ khóa:

Ý kiến của bạn