Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa vừa phối hợp với Báo Phú Yên tổ chức chương trình Giao lưu doanh nhân - Thắp sáng ước mơ khởi nghiệp trong sinh viên. Đây là một trong những hoạt động hưởng ứng Chương trình Khởi nghiệp quốc gia của Chính phủ. Lần đầu tiên được trực tiếp giao lưu, chia sẻ với các doanh nghiệp, doanh nhân, nhiều sinh viên không giấu được vẻ hân hoan khi “ngộ” ra rất nhiều điều bổ ích.
Định hướng khởi nghiệp
Buổi giao lưu giữa các doanh nghiệp, doanh nhân với sinh viên Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa vừa qua đã trở thành một buổi đối thoại, chia sẻ kinh nghiệm đầy hữu ích, là cú hích tạo động lực cho những người trẻ muốn làm giàu. “Khởi nghiệp khi đang là sinh viên có thể không phải là con đường lựa chọn của tất cả, tuy nhiên trường học lại là nơi tuyệt vời để các em bắt đầu xây dựng ý tưởng để khởi nghiệp. Sinh viên muốn khởi nghiệp phải chuẩn bị cho mình tinh thần sẵn sàng chịu khó, chịu khổ... bởi điểm chung của tất cả những trường hợp khởi nghiệp thành công trong nhà trường hay là vừa mới tốt nghiệp đều cần có một khả năng là nhìn ra cơ hội kiếm tiền”, TS Trần Kim Quyên, Hiệu trưởng nhà trường, khởi đầu câu chuyện về thắp sáng ước mơ khởi nghiệp trong sinh viên như vậy.
Khởi nghiệp đang trở thành “làn sóng” mới trong giới trẻ, nhưng làm thế nào để biến ý tưởng thành hiện thực, giải pháp nào để thuyết phục nhà đầu tư bỏ vốn, chiến lược phát triển ý tưởng khởi nghiệp thì không phải ai cũng biết. Tại chương trình, nhiều bạn trẻ bày tỏ khát vọng, đam mê khởi nghiệp. Song trên thực tế, có những sinh viên vay mượn tiền của cha mẹ, bạn bè để khởi nghiệp và đã thất bại. “Thất bại đầu đời sẽ là một cú sốc không nhỏ với sinh viên. Vậy để hạn chế thất bại, sinh viên chúng em phải làm gì trong quá trình khởi nghiệp”, một sinh viên đặt câu hỏi.
Trả lời về câu hỏi này, ông Nguyễn Bình Định, cựu sinh viên nhà trường hiện là Giám đốc Công ty TNHH Khoan địa chất công trình - Địa chất thủy văn Hoàng Kim (TP Mỹ Tho, Tiền Giang), chia sẻ: “Nếu không may gặp thất bại, sinh viên vẫn còn nhiều cơ hội và thời gian để làm lại. Đặc biệt các bạn trẻ cần nhanh nhạy nắm bắt cơ hội để khởi nghiệp. Thời điểm khởi nghiệp tốt nhất khi là sinh viên”. Cũng theo ông Định, khi là sinh viên có cách nhìn nhận về những bất cập trong xã hội, họ muốn làm cái gì đó và tự trang bị kiến thức, nỗ lực sáng tạo. Tuy nhiên, lời khuyên cho các bạn trẻ là cần nắm bắt cơ hội, tìm cho mình những người bạn cùng làm việc.
“Thời điểm khởi nghiệp nào cũng cần vốn, song đây là yếu điểm của sinh viên khi khởi nghiệp. Làm thế nào để chúng em có được nguồn vốn để khởi nghiệp”, sinh viên Nguyễn Văn Hoàng hỏi. Tư vấn về điều này, ông Nguyễn Nhất Tuấn, Giám đốc Ngân hàng TMCP Kiên Long chi nhánh Phú Yên, cho hay: Hiện nay nhiều sinh viên bắt tay vào khởi nghiệp thường than phiền khó khăn về nguồn vốn nhưng vốn không hẳn là yếu tố quyết định. Để có vốn, sinh viên có thể tận dụng từ nhiều nguồn khác nhau như vay mượn cha mẹ, anh em, bạn bè và tận dụng rất nhiều nguồn lực xã hội khác. Bước đầu các em nên dành thời gian đi thuyết phục và kêu gọi đầu tư từ những người tin tưởng con người và ý tưởng của mình.
Đừng ngại thất bại
Hưởng ứng Chương trình Khởi nghiệp quốc gia, hiện nay, các hoạt động khuyến khích, động viên tinh thần khởi nghiệp trong giảng đường được khơi dậy mạnh mẽ. Bên cạnh các hoạt động ngoại khóa, các sân chơi, cuộc thi khởi nghiệp…, nhiều trường đại học, cao đẳng đã chủ động kết nối với các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp để những ý tưởng, dự án của sinh viên đi xa hơn hay tạo môi trường để sinh viên được tiếp xúc với doanh nghiệp trong quá trình thực tập thực tế. Theo ông Ngô Đa Thọ, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh Phú Yên, khởi nghiệp là đưa đến đổi mới, sáng tạo. Không có một tuổi nào khởi nghiệp mà thành công ngay. Tuy nhiên, sinh viên là thời điểm dễ và thuận lợi nhất để khởi nghiệp và cũng mất ít nhất. Việc có thể thất bại và mất vốn là những rủi ro không tránh khỏi, nhưng bù lại chúng ta có kiến thức, kinh nghiệm, để một ngày nào đó chúng ta làm được những việc lớn, tạo ra nhiều giá trị cho xã hội.
Đồng quan điểm này, các chuyên gia tại chương trình giao lưu cũng thẳng thắn chia sẻ, sinh viên khởi nghiệp có tỉ lệ thất bại lớn, vì thế, các em không cần chọn các mô hình khó, có quy mô lớn, nên tìm hiểu bản thân có phù hợp với lĩnh vực theo đuổi hay không, nên bắt đầu từ những dự án nhỏ. “Con đường đi đến ước mơ, từ ý tưởng đến hiện thực, đối với người trẻ tuổi khởi nghiệp không hẳn dễ dàng, đặc biệt là đối với sinh viên. Song ai trong chúng ta đều có thể làm giàu từ hai bàn tay trắng, chỉ cần đam mê và kiên trì tới cùng bởi không có bước đường dẫn tới thành công nào chỉ trải bằng hoa hồng”, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cơ khí Vina Nha Trang Nguyễn Văn Hoàng nói.
Trước câu hỏi của sinh viên Trương Hiệp về việc liệu chỉ cần đam mê có dẫn đến thành công, ông Hoàng phân tích: Ngoài đam mê còn cần có rất nhiều yếu tố khác như sự kiên trì, ý tưởng sáng tạo, tính khả thi… Chỉ khi nào các bạn làm những việc mà mình thật sự giỏi và có năng khiếu, có sự hỗ trợ về tài chính thì mới bảo đảm được thành công. Những giá trị mà chúng tôi tạo ra được như ngày hôm nay là cả quá trình phấn đấu, dày công vun vén chứ không phải sở thích nhất thời.
Sinh viên Nguyễn Văn Hoàng, một trong hai sinh viên đoạt giải nhất cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sinh viên” cấp trường năm 2017, cho biết: Ý tưởng xây dựng trang trại nấm linh chi tai đỏ của em hiện vẫn còn trên giấy. Vì vậy, những thông tin được các doanh nghiệp, doanh nhân chia sẻ tại chương trình này đã giúp em có thêm kiến thức, kinh nghiệm trên con đường biến những ý tưởng khởi nghiệp thành hiện thực”. Còn sinh viên Lê Văn Trung cho rằng, chương trình giao lưu này đã hướng đến cho các sinh viên nhiều ý tưởng cũng như những kinh nghiệm được đúc rút từ những chuyên gia, những tấm gương khởi nghiệp thành công, từ đó chúng em biết bắt đầu từ đâu để khởi nghiệp cho tốt.
ÔNG NGÔ ĐA THỌ, CHỦ TỊCH HỘI DOANH NGHIỆP PHÚ YÊN: Nếu có ý tưởng hay doanh nghiệp sẽ tìm đến các em
Hiện nay, các trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam đã xây dựng những mô hình ươm tạo khởi nghiệp cho sinh viên. Chương trình Khởi nghiệp, trong đó có giao lưu khởi nghiệp giữa các doanh nghiệp, doanh nhân với sinh viên là một hoạt động thiết thực để cùng với địa phương hỗ trợ và khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong giới trẻ, dũng cảm vượt qua khó khăn, vươn lên làm chủ cuộc sống, làm giàu chính đáng và đóng góp thiết thực xây dựng xã hội. Theo tôi, sinh viên mới ra trường được đánh giá là nguồn nhân lực dồi dào cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Mỗi năm chúng ta có rất nhiều sinh viên tốt nghiệp, nhưng số sinh viên không tìm được việc làm cũng không ít. Nguyên nhân một phần là do các trường mới chỉ tập trung vào kiến thức hàn lâm, chưa trang bị cho sinh viên kiến thức cần thiết trong lĩnh vực khởi nghiệp như: lập kế hoạch kinh doanh, đánh giá nhu cầu thị trường, thuyết trình kêu gọi đầu tư… Do đó, nhiều sinh viên chưa thể thực hiện được ngay mà cần thời gian làm việc rồi mới có thể khởi nghiệp.
Ai cũng có những giấc mơ, khát vọng; ai cũng đôi lần mộng tưởng nhiều hoài bão. Thế nhưng, để biến giấc mơ, ý tưởng đó thành hiện thực không hề dễ dàng. Là sinh viên, khi xây dựng ý tưởng, các em nên bắt đầu từ những dự án nhỏ để trải nghiệm và cũng để dễ huy động vốn. Sau đó, nếu ý tưởng hay, thiết thực, chúng tôi sẽ tìm đến các bạn chứ không phải các bạn tìm đến chúng tôi.
ÔNG NGUYỄN VĂN HOÀNG, CHỦ TỊCH HĐQT CÔNG TY CP CƠ KHÍ VINA NHA TRANG: Chọn đúng ngành học để khởi nghiệp
Nếu ai hỏi học ngành gì để khởi nghiệp thì tôi sẽ trả lời học ngành gì cũng được, có thể đại học, cao đẳng, trung cấp và bất kỳ nghề gì miễn phù hợp với sở thích và năng lực bản thân, đồng thời phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình. Thống kê những năm gần đây cho thấy, cơ khí là một trong 10 nhóm ngành có nhu cầu nhân lực tuyển dụng đều đặn qua các năm. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên dễ dàng kiếm tìm việc làm phù hợp chuyên môn với mức thu nhập ổn định tại các nhà máy, công ty cơ khí, tập đoàn, viện nghiên cứu, khu công nghệ cao... trong và ngoài nước. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp lúc nào cũng phải đối mặt với bài toán thiếu nhân lực cơ khí, từ công nhân đến kỹ sư. Đây đang là nghịch lý với số lao động thất nghiệp còn nhiều trong khi ngành cơ khí lại đang thiếu. Hiện nhiều doanh nghiệp vẫn đang khá chật vật khi thu hút lượng lớn lực lượng lao động có tay nghề cao.
Vì vậy, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và doanh nghiệp nên “bắt tay” với nhau để nắm bắt được nhu cầu lao động của doanh nghiệp, từ đó các trường sẽ có chương trình đào tạo phù hợp và có định hướng đúng cho người học.
PHAN THANH NGHỊ, PHÓ ĐOÀN TRƯỞNG ĐOÀN ĐỊA CHẤT 506 (LIÊN ĐOÀN ĐỊA CHẤT TRUNG TRUNG BỘ): Trường học là cái nôi đào tạo khởi nghiệp
Tư vấn, định hướng cho sinh viên tự lập thân, lập nghiệp được nhà trường và xã hội ngày càng quan tâm. Có thể là tôi may mắn vì đã tìm được việc làm đúng với chuyên ngành Địa chất ngay sau khi ra trường. Kinh nghiệm từ bản thân tôi cho thấy, muốn khởi nghiệp thành công thì ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường các sinh viên phải trang bị cho mình những kiến thức cơ bản, nhất là kiến thức lý thuyết để tránh sự bỡ ngỡ, mất phương hướng khi tiếp cận công việc. Bên cạnh kiến thức cơ bản, người học cũng cần trang bị cho mình các kỹ năng mềm như tin học, ngoại ngữ, kỹ năng làm việc nhóm, tác phong làm việc chuyên nghiệp; đồng thời thường xuyên cập nhật các thông tin liên quan đến ngành nghề mà mình đã chọn để các em hoàn thiện bản thân hơn. Ví như nếu các bạn chọn học ngành địa chất, khoáng sản thì ngoài kiến thức, các kỹ sư của ngành này không thể thiếu các đức tính kiên nhẫn, chịu khó, siêng năng, cần cù… Liên đoàn Địa chất Trung Trung Bộ hiện có khoảng 170 người, trong đó có 80% cán bộ kỹ thuật là học sinh, sinh viên của Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa. Trường học chính là cái nôi đào tạo khởi nghiệp lớn nhất của sinh viên là vì vậy. |
THÚY HẰNG