Ở đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, phần lớn là cuộc đua của những trường đại học tốp dưới. Hàng loạt trường dành từ 50-70% chỉ tiêu cho đợt xét tuyển này đang “thấp tha thấp thỏm” vì chỉ tiêu nhiều nhưng rất ít thí sinh đăng ký xét tuyển.
Trường chờ thí sinh
Theo lịch tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, ở đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, các trường được hoàn toàn tự chủ về thời hạn xét tuyển và được kéo dài đến trước ngày 31/12. Theo ghi nhận, trong đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, phần lớn là cuộc đua của những trường tốp dưới với chỉ tiêu xét tuyển bổ sung từ 50-70%. Chỉ tiêu thì rất nhiều nhưng lượng thí sinh đăng ký xét tuyển bổ sung thì rất ít.
ThS Nguyễn Vân Trạm, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo Trường đại học Xây dựng Miền Trung, cho biết: “Trong đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, nhà trường tiếp tục xét tuyển 350 chỉ tiêu trình độ đại học (theo hai phương thức xét tuyển từ điểm thi THPT quốc gia và xét học bạ THPT) và 250 chỉ tiêu trình độ cao đẳng. Chỉ tiêu xét tuyển thì nhiều, song lượng thí sinh tham gia xét tuyển rất ít, đặc biệt là trình độ cao đẳng. Đến thời điểm này, nhà trường mới chỉ có 75 thí sinh xét tuyển trình độ cao đẳng nhập học; còn trình độ đại học có 560 thí sinh nhập học. Nhà trường tiếp tục xét tuyển bổ sung để đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh năm 2017”.
Tại Trường đại học Phú Yên, mặc dù nhà trường có thông báo rất sớm về nhu cầu xét tuyển bổ sung bằng phương thức xét học bạ THPT đối với trình độ đại học các ngành ngoài sư phạm gồm Công nghệ thông tin, Văn học, Ngôn ngữ Anh (chuyên ngành Biên - phiên dịch), Việt Nam học (chuyên ngành Văn hóa - Du lịch), Hóa học (chuyên ngành Hóa thực phẩm), Sinh học, Vật lý học (chuyên ngành Vật lý - Điện tử) với 200 chỉ tiêu, song lượng hồ sơ tham gia xét tuyển bổ sung không nhiều.
Tương tự ở trình độ cao đẳng, trường này xét tuyển bổ sung 180 chỉ tiêu gồm các ngành Sư phạm Mỹ thuật (chuyên ngành Kỹ thuật - Công tác Đội), Giáo dục thể chất, Chăn nuôi, Lâm nghiệp, Kế toán, Quản trị kinh doanh, Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, nhưng lượng hồ sơ tham gia xét tuyển cũng khiêm tốn. Theo Trường đại học Phú Yên, đến ngày 28/8, nhà trường sẽ công bố kết quả trúng tuyển đợt 2.
Đến thời điểm này, không chỉ các trường trên địa bàn tỉnh, mà nhiều trường đại học trong cả nước tham gia xét tuyển nguyện vọng bổ sung vẫn trong tình trạng chờ thí sinh. Theo các trường, băn khoăn lớn nhất trong kỳ tuyển sinh đại học năm nay là nhiều thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 (ưu tiên cao nhất) nhưng vẫn không đi học. “Việc xét tuyển đợt bổ sung rất khó vì thí sinh có thể chọn nhiều trường. Mặt khác, trong đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, các trường tự gọi người học nên không biết được lượng ảo ra sao”, ThS Nguyễn Vân Trạm cho hay.
Khó tuyển đủ chỉ tiêu
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong đợt 1, cả nước chỉ có hơn 242.000 trong số 363.600 thí sinh trúng tuyển đợt 1 xác nhận nhập học (trên 66%). So với tổng chỉ tiêu tuyển sinh theo kết quả thi THPT quốc gia 352.174, thực tế chỉ có trên 68,7% chỉ tiêu đã tuyển được. Nếu căn cứ theo số liệu, rõ ràng nguồn tuyển vẫn còn dồi dào nhưng nhiều trường vẫn đang gặp khó vì không tuyển được người học.
Trong những năm gần đây, dù đã vận dụng mọi cách để tuyển sinh và điểm trúng tuyển chạm đáy, nhưng nhiều trường vẫn không có sức hút với thí sinh. Đây là hệ quả tất yếu của việc chạy theo số lượng, dẫn đến tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm. “Những năm gần đây, không ít thí sinh đã dần ý thức được việc lựa chọn học tại các bậc học khác, chứ không nhất thiết bằng mọi giá phải vào đại học. Vậy nên, nhiều em dù trúng tuyển đại học nhưng nếu đó không phải là ngành yêu thích thì các em sẽ không nhập học”, Trưởng Phòng Giáo dục thường xuyên và chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Phú Yên Võ Nguyên Hòa chia sẻ. Còn ThS Lê Thị Kim Loan, Phó Trưởng Phòng Đào tạo Trường đại học Phú Yên, cho hay: “Hầu hết các trường tốp dưới đều xét tuyển nguyện vọng bổ sung, nhưng ở đợt xét tuyển này, số lượng thí sinh tham gia xét tuyển không nhiều nên nguy cơ thiếu chỉ tiêu là không tránh khỏi”.
Thời điểm này, nhiều trường đại học đã công bố điểm trúng tuyển đợt 2. Thông tin từ một số trường đại học công lập, dù chưa tuyển đủ chỉ tiêu, nhưng các trường sẽ không tiếp tục xét tuyển bổ sung tiếp theo. Vì vậy, trong quá trình tham gia xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh phải tìm hiểu thật kỹ thông tin, nhu cầu xét tuyển của trường mà các em có ý định tham gia.
Thông qua bức tranh tổng thể tuyển sinh đầu vào của các trường cho thấy, các cơ sở giáo dục đã có sự cạnh tranh, phân tầng chất lượng. Các trường có chất lượng tốt, đầu ra đáp ứng nhu cầu xã hội thì thí sinh sẽ yên tâm hơn khi đăng ký nhập học, còn ngược lại dù có trúng tuyển thí sinh vẫn không chọn học.
Các trường đại học phải nhìn vào cung - cầu của thị trường để cải thiện, nâng cao chất lượng cũng như định hướng phát triển. Không phải ngành nào có thế mạnh là đổ xô đào tạo trong khi thị trường không cần. Có ngành năng lực đào tạo rất tốt nhưng thị trường không cần thì phải giảm, thậm chí đóng cửa.
Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ |
THÚY HẰNG