Hòa nhập chứ không hòa tan

Hòa nhập chứ không hòa tan

Với lịch sử 400 năm hình thành, vận động và phát triển, chữ Quốc ngữ đã trở thành tài sản tinh thần, là linh hồn của dân tộc Việt. Tuy nhiên, trước thực trạng thay đổi khá nhanh chóng gần đây của ngôn ngữ, rất nhiều người lo lắng và lên tiếng cảnh báo về hiện tượng sử dụng ngôn ngữ tùy tiện,

Với lịch sử 400 năm hình thành, vận động và phát triển, chữ Quốc ngữ đã trở thành tài sản tinh thần, là linh hồn của dân tộc Việt. Tuy nhiên, trước thực trạng thay đổi khá nhanh chóng gần đây của ngôn ngữ, rất nhiều người lo lắng và lên tiếng cảnh báo về hiện tượng sử dụng ngôn ngữ tùy tiện, cẩu thả làm “vẩn đục” tiếng Việt. Báo Phú Yên đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Văn Hiệu, Trưởng khoa Văn hóa học Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), về vấn đề này.

* Ngôn ngữ có nguồn gốc từ văn hóa và văn hóa được phản ánh, chuyển tải bởi ngôn ngữ. Do đó, nhiều người lo lắng rằng sự biến tướng của ngôn ngữ chat hiện nay sẽ làm méo mó ngôn ngữ tiếng Việt. Tiến sĩ nghĩ sao về điều này?

TS Nguyễn Văn Hiệu - Ảnh: THÚY HẰNG

- Ngôn ngữ có nguồn gốc từ văn hóa, nhưng ngôn ngữ cũng là điều kiện để văn hóa tồn tại, phát triển. Với tư cách là công cụ của tư duy và là phương tiện để giao tiếp, ngôn ngữ thể hiện rõ hơn đâu hết tâm hồn và cốt cách của một cộng đồng, bản sắc của một dân tộc. Chính vì vậy, từ xa xưa, khi nói đến giữ gìn bản sắc dân tộc, các bậc thức giả thường nói đến việc giữ gìn cái riêng và sự trong sáng của ngôn ngữ dân tộc.

Từ góc nhìn trên, dễ hiểu vì sao có rất nhiều người lo lắng tiếng nước nhà có thể bị biến tướng, méo mó trước thực trạng giới trẻ sử dụng ngôn ngữ chat tràn lan như hiện nay. Tuy nhiên, theo tôi, để nhìn nhận vấn đề, chúng ta cần xuất phát từ góc nhìn văn hóa và từ đặc trưng, chức năng của ngôn ngữ. Trước hết, như một nhà nghiên cứu đã nói, không có văn hóa tự túc, nền văn hóa nào cũng cần có giao tiếp để phát triển. Trong quá trình tiếp xúc văn hóa, trên bình diện ngôn ngữ, việc tiếp thu từ ngữ, thậm chí tiếp thu cách thức diễn đạt của ngôn ngữ nước ngoài nếu thấy phù hợp, là hiện tượng bình thường, nếu không nói là có tính tất yếu. Trong việc tiếp nhận văn hóa nước ngoài, giới trẻ thường đặc biệt hào hứng vì đây là lứa tuổi nhạy cảm với cái mới, cái lạ, thích thử nghiệm, và đôi khi cũng là một cách để giới trẻ khẳng định cá tính của mình. Về mặt ngôn ngữ, bản chất của ngôn ngữ là để giao tiếp, để gửi gắm thông điệp. Giới trẻ thích có ngôn ngữ riêng, có cách thể hiện riêng nên họ tìm đến hoặc tạo ra các quy ước riêng để giao tiếp với nhau trong cộng đồng của mình.

Trong quá trình tiếp nhận và sử dụng ngôn ngữ chat, giới trẻ nhiều khi rất thiếu chọn lọc, nên dẫn đến không ít biểu hiện khiến “người lớn” lo ngại. Tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng giới trẻ dùng ngôn ngữ chat như hiện nay là làm hỏng ngôn ngữ vì ngôn ngữ của một dân tộc nói riêng, văn hóa của một dân tộc nói chung, là những cấu trúc vô cùng bền vững, gồm cả cấu trúc bề mặt lẫn cấu trúc bề sâu, không dễ gì ngôn ngữ chat của giới trẻ có thể làm biến tướng và vẩn đục tiếng Việt, chữ Việt. Đó là chưa kể, không ít trường hợp qua thử nghiệm và chắt lọc, có những từ ngữ và cách diễn đạt của tuổi teen sẽ đi vào ngôn ngữ dân tộc và góp phần làm phong phú ngôn ngữ dân tộc. Tất nhiên, cái gì cũng có mức độ của nó. Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là đừng quá lo lắng trước hiện tượng ngôn ngữ chat dẫn đến thiếu niềm tin vào giới trẻ mà thực chất là chúng ta chưa thấy hết được nhu cầu của giới trẻ trong sử dụng ngôn ngữ của mình, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và trong thời đại internet hiện nay.

* Thưa tiến sĩ, sự hội nhập quốc tế sâu rộng đã tạo cho Việt Nam nhiều thời cơ và không ít thách thức. Đối với tiếng Việt thì có hay không có nguy cơ bị trộn lẫn với những ngôn ngữ quốc tế và các loại ngôn ngữ “phá cách”?

- Ngôn ngữ và văn hóa của một cộng đồng luôn là sản phẩm của lịch sử, có bề dày, có chiều sâu, và như tôi nói ở trên, ngôn ngữ và văn hóa có cấu trúc hết sức bền vững, tạo nên sức mạnh nội sinh không dễ gì bị phá hoại bởi những yếu tố đến từ bên ngoài. Trải qua nghìn năm Bắc thuộc, tiếng Việt tiếp nhận và biến đổi rất nhiều yếu tố ngôn ngữ Hán đến mức có trên dưới 60% từ gốc Hán nhưng cấu trúc tiếng Việt vẫn hết sức bền vững, không bị mất gốc, cũng phần nào cho thấy rõ điều đó. Các yếu tố ngoại sinh thường có “độ khúc xạ” nhất định khi đi vào một nền văn hóa khác - nhìn từ góc độ thích nghi, thích ứng theo kiểu “nhập gia tùy tục” của khách thể đến từ bên ngoài lẫn nhìn từ góc độ chủ thể văn hóa tiếp nhận và biến đổi các yếu tố ngoại lai phù hợp với tâm thức, điều kiện của mình.

Bối cảnh hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng như hiện nay chính là cơ hội cho ngôn ngữ của một dân tộc phát triển phong phú, đa dạng, góp phần làm giàu thêm văn hóa của dân tộc đó. Một mặt, đây là điều kiện để một nền văn hóa học hỏi và tiếp nhận những yếu tố ngôn ngữ mới từ các nền văn hóa khác qua con đường vay mượn nguyên trạng hoặc chuyển ngữ tạo nên các từ ngữ, khái niệm mới tương ứng. Mặt khác, qua tiếp xúc, giao lưu, ý thức về bản sắc ngày càng  được trau dồi, trong đó, giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ dân tộc luôn là một trong những ý thức nổi trội, bởi hơn đâu hết ngôn ngữ chính là tấm gương phản ánh và cũng là hiện thân của một nền văn hóa. Nhìn từ góc độ này sẽ thấy “nguy cơ bị trộn lẫn với những ngôn ngữ quốc tế” nào đó sẽ là điều không dễ xảy ra, nhất là với một nước có truyền thống văn hóa lâu đời như nước ta.

Giới trẻ cần có sự chọn lọc trong sử dụng ngôn ngữ - Ảnh: THÚY HẰNG

* Ngôn ngữ là hiện tượng xã hội, không bất biến mà phát triển liên tục. Để giúp tiếng Việt phát triển mà vẫn giữ được bản sắc, cần có những giải pháp nào, thưa tiến sĩ?

- Chúng ta không thể ỷ lại sự ổn định và bền vững của các loại cấu trúc, kể cả của văn hóa và ngôn ngữ. Cốt lõi của văn hóa là giáo dục. Giáo dục tạo nên ý thức và trình độ. Ý thức về vai trò của ngôn ngữ trong giao tiếp, trong phát triển và trong phản ánh văn hóa cùng với trình độ tiếp thu có chọn lọc những yếu tố ngôn ngữ ngoại lai là những điều kiện tiên quyết để tiếng Việt phát triển mà vẫn giữ được bản sắc của mình.

Để có ý thức văn hóa về ngôn ngữ, nhất là đối với giới trẻ và trong bối cảnh hiện nay, nhà nước cần có chính sách và chiến lược lâu dài, trước hết là trong giáo dục học đường và đối với các phương tiện truyền thông đại chúng. Chính sự dễ dãi và thiếu nhất quán trong sử dụng ngôn ngữ trên các phương tiện thông tin đại chúng như nhiều ý kiến nêu trên báo chí những năm gần đây đã góp phần không nhỏ làm ảnh hưởng đến tính trong sáng và sự phát triển của tiếng Việt chúng ta chứ chưa hẳn là ngôn ngữ chat của tuổi teen!

* Xin cảm ơn tiến sĩ!

THÚY HẰNG (thực hiện)

Từ khóa:

Ý kiến của bạn