26 tuổi, Phan Thành Việt - “viên kim cương trong bất đẳng thức”, một cựu học sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh ngày nào vừa bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Trường đại học Rennes (Pháp) và có nhiều công trình nghiên cứu được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế.
![]() |
Phan Thành Việt (bìa trái) cùng anh trai là TS Phan Thành Nam và ba mẹ tại Trường đại học Orléans - Ảnh: BÌNH VIỆT |
TOÁN HỌC KHÔNG PHẢI LÀ SA MẠC KHÔ CẰN
Hai chuyên đề Toán học: “Phương pháp dồn biến” và “Phương pháp chia để trị” của Phan Thành Việt được tác giả Trần Phương, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nghiên cứu và phát triển các sản phẩm trí tuệ, mua bản quyền ngay từ khi Việt còn là học sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh. Hai chuyên đề này được giới thiệu trong quyển sách “Diamonds in Mathematical inequalities”, quà tặng cho những học sinh tham gia cuộc thi học sinh giỏi Toán quốc tế lần thứ 48 năm 2007 tại Hà Nội. Sau đó, Nhà xuất bản Tri Thức đã xuất bản tiếng Việt quyển sách này với tựa “Những viên kim cương trong bất đẳng thức toán học”. Cái tên Phan Thành Việt “nổi đình nổi đám” ngay từ thời học phổ thông. Sau khi tốt nghiệp THPT, Việt thi đậu vào lớp cử nhân tài năng Toán - Tin Trường đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) và là một trong 100 sinh viên tiêu biểu được tỉnh tuyên dương nhân đại lễ kỷ niệm 400 Phú Yên (năm 2011).
5 năm sau kể từ ngày gặp Việt, chàng sinh viên điềm đạm và kiệm lời ngày nào giờ đã ra dáng một nhà Toán học nhưng vẫn giữ được cốt cách của người con đất Phú chân chất qua từng cử chỉ, lời nói. Tiến sĩ trẻ Phan Thành Việt cho biết: Sau khi tốt nghiệp đại học loại giỏi, Việt được nhà trường giữ lại làm trợ giảng và là một trong 12 sinh viên được Trường đại học Khoa học Tự nhiên cử đi học thạc sĩ Toán ứng dụng theo chương trình hợp tác giữa nhà trường với Trường đại học Orléans (Pháp). Tháng 6/2012, Việt bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ “Tính chất định lượng duy nhất và tập hợp độ đo dương” ở Trường đại học Orléans. Tháng 9/2012, Việt được trường này chọn và giới thiệu cho Trường đại học Rennes (Pháp) cấp học bổng toàn phần đào tạo tiến sĩ Toán học. Ngày 16/12/2015, Việt bảo vệ thành công luận án tiến sĩ “Mở rộng tối thiểu Lipschitz”.
Con đường trở thành tiến sĩ của Phan Thành Việt rất suôn sẻ, vững vàng. Tuy nhiên, có được thành công như hôm nay, ít người biết rằng, cậu học trò Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh ngày nào đã dày công khổ luyện “ăn, ngủ cùng Toán học”. Với Việt, Toán học không phải là sa mạc khô cằn mà là niềm đam mê, đầy sức hút. Một khi đã đam mê thì Việt sẽ không dừng lại ở việc biết và đạt được những kết quả có sẵn. “Đối với nhiều người, Toán học là môn khô khan với những con số cứng nhắc nhưng với tôi nó rất thú vị, mới mẻ, càng khó thì càng hấp dẫn. Chính điều này đã giúp tôi không ngừng nỗ lực trong nghiên cứu về Toán học”, TS Phan Thành Việt chia sẻ.
CHÂN TRỜI MỚI
Ngay sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, Phan Thành Việt về thăm nhà trong niềm vui vỡ òa và đầy tự hào của cha mẹ. Cô giáo Phan Thị Mùi, mẹ chàng tiến sĩ trẻ không giấu được vui mừng, chia sẻ: “Nhà có hai đứa con trai và cả hai đã trở thành tiến sĩ Toán học. Đây thực sự là cái phúc của bậc làm cha mẹ. Phan Thành Nam, anh trai của Việt giờ vẫn tiếp tục nghiên cứu sau tiến sĩ ở Áo, nên tôi rất mong Việt trở về quê hương để chúng tôi được gần con cái. Tuy nhiên, mọi sự quyết định không thuộc về tôi nữa rồi”.
Nghe mẹ nói vậy, Việt cười tủm tỉm một cách rất kín đáo. Qua nụ cười ấy, tôi cũng phần nào hiểu được “ngã ba đường” đang diễn ra trong lòng chàng tiến sĩ Toán học 26 tuổi này. Việt mượn bài thơ của anh trai là TS Phan Thành Nam - một “ông Nghè” khi ở tuổi 26 hồi năm 2011, hóm hỉnh đọc: Đứng trước thầy trò như nhỏ lại/ Để ngộ rằng mình mới là măng/ Hãy vươn thẳng trời còn cao lắm/ Chút mầm non chớ ngỡ tài năng/ Đường toán học tựa đường đời muôn hướng/ Ngẫm lời thầy đừng ngại những gian nan. Việt thổ lộ: Nghiên cứu Toán học không phải là đưa ra ngay một sản phẩm có khả năng ứng dụng trong thực tiễn nhưng Toán học là ngành khoa học gốc của nhiều ngành khoa học ứng dụng khác. Đối với người làm nghiên cứu, niềm vui lớn nhất là khi công trình của mình được công bố và nhận được sự đánh giá cao từ những nhà khoa học đầu ngành trên thế giới. Mỗi công trình nghiên cứu đều là tâm huyết trong nhiều tháng, thậm chí cả năm chờ đợi xét duyệt.
“Hiện tại, tôi mới hoàn thành chương trình tiến sĩ, các ân sư muốn tôi tiếp tục nghiên cứu sau tiến sĩ. Dẫu biết khoa học không có biên giới, nhưng mỗi người làm khoa học đều có một quê hương. Vì vậy, tôi sẽ về quê hương khi kinh nghiệm đủ đầy để biến các kiến thức Toán học khô cứng thành những sản phẩm ứng dụng, bởi đất nước ta đang trên đà phát triển, những kiến thức Toán học ứng dụng là vô cùng cần thiết đối với thực tế cuộc sống”, Việt chia sẻ.
Phan Thành Việt là một trong những học sinh vừa thông minh, vừa cần cù lại rất ngoan. Ðây là tiến sĩ thứ 28 của Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh từ khi tái lập tỉnh và cũng là một trong số ít tiến sĩ có tuổi đời còn rất trẻ của Phú Yên. Với tư cách là thầy giáo cũ, người đã dõi theo Việt trong suốt quá trình trưởng thành của em, tôi rất mong Việt trở về quê hương và làm thầy cho các thế hệ học sinh của trường trong tương lai. Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh Huỳnh Tấn Châu |
QUỲNH ANH