Nằm trong chương trình “Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2011-2015”, dự án Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất các loại nấm ăn và nấm dược liệu theo hướng công nghiệp được Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ (Sở KH-CN) tiếp nhận và chuyển giao hiệu quả đến người dân.
TIẾP NHẬN THÀNH CÔNG
Hiện nay, việc trồng các loại nấm ăn, nấm dược liệu thông dụng được nhiều người dân trong tỉnh thực hiện. Tuy nhiên, do sử dụng giống nấm và quy trình sản xuất chưa đạt chuẩn nên hiệu quả các mô hình này mang lại chưa cao. Nhằm cung cấp cho người dân giống nấm chất lượng và quy trình nuôi trồng tối ưu, Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ (trung tâm) đã tiếp nhận các công nghệ sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến nấm và công nghệ xử lý chất thải sau thu hoạch để xây dựng nhiều mô hình nuôi trồng, chế biến nấm theo hướng công nghiệp, mang lại hiệu quả cao.
Trong kỹ thuật trồng nấm, giống gốc là khâu quyết định trong sản xuất và nuôi trồng vì hiệu quả chỉ được đánh giá sau khi thu hoạch nấm. Do đó, sơ suất khi chọn giống gốc sẽ dẫn đến thiệt hại lớn về kinh tế. Vì vậy, để triển khai dự án, trung tâm đã tiếp nhận công nghệ nhân giống cấp 1, cấp 2, cấp 3 từ Viện Di truyền Nông nghiệp chuyển giao. Quy trình nhân giống được tiến hành như sau: Ban đầu cấy giống gốc (là giống thuần, không lẫn tạp do Trung tâm Công nghệ Sinh học thực vật, Viện Di truyền Nông nghiệp cung cấp) vào môi trường thạch nghiêng trong ống nghiệm để có giống cấp 1. Từ môi trường cấp 1, giống tiếp tục được theo dõi quá trình phát triển để chọn lựa và đưa vào nuôi cấy trong môi trường cấp 2 (hạt lúa, hạt đại mạch đóng chai…). Từ môi trường cấp 2, các kỹ thuật viên tiếp tục nhân giống ra môi trường cấp 3 trên nguyên liệu rơm, trấu, mùn cưa… Sau khi đã nhân giống cấp 3, các bịch phôi được đưa ra khu vực chăm sóc để thu hoạch.
Trong quá trình tiếp nhận công nghệ, trung tâm đã hoàn thiện 14 quy trình chuyển giao và có sự điều chỉnh phù hợp với điều kiện sản xuất ở địa phương. Kết quả, sau quá trình tiếp nhận công nghệ, trung tâm đã nhân giống thành công và sản xuất đa dạng các loại nấm với số lượng lớn. Các loại nấm thành phẩm này sau khi lấy mẫu phân tích đều đạt tiêu chuẩn về vi sinh, bảo vệ thực vật, kim loại nặng và hàm lượng dinh dưỡng. Đặc biệt, các loại nấm tươi (nấm rơm, nấm sò, nấm chân dài…) có thể bảo quản được khá lâu; nấm khô (mộc nhĩ, linh chi) có tai nấm to, vị đặc trưng. Một số loại nấm do trung tâm sản xuất đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, một số khác được đưa vào hệ thống siêu thị Co.opMart.
ThS Đặng Thị Thủy, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ, Trưởng ban quản lý dự án, cho biết: “Quá trình tiếp nhận quy trình, chúng tôi gặp nhiều khó khăn vì so với quy trình chuẩn, quy trình được áp dụng tại Phú Yên có sự khác biệt về điều kiện nhiệt độ, độ ẩm, nguồn nguyên liệu. Tuy nhiên, sau khi hoàn chỉnh, dự án bước đầu đã tạo nền tảng về cơ sở vật chất và con người để phục vụ sản xuất nấm tại địa phương. Bước tiếp theo, chúng tôi sẽ duy trì, mở rộng sản xuất; tiếp thu kinh nghiệm chế biến nấm để nâng cao giá trị sản phẩm và tạo thương hiệu nấm cho trung tâm, đồng thời tiếp tục hướng dẫn kỹ thuật trồng và cung cấp giống nấm cho người dân cũng như tư vấn cho các doanh nghiệp đang muốn mở cơ sở sản xuất bịch phôi tại Phú Yên.
CHUYỂN GIAO HIỆU QUẢ
Ở Phú Yên, nghề trồng nấm hình thành từ lâu nhưng việc chế biến, tiêu thụ, sản xuất giống nấm hầu như chưa phát triển nên người dân phải mua giống ở những địa chỉ trôi nổi dễ dẫn đến thất thu hoặc mất trắng. Trước thực tế đó, sau khi tiếp nhận thành công công nghệ sản xuất nấm, những người thực hiện dự án một mặt tiến hành sản xuất tại Trạm Thực nghiệm sinh học Hòa Quang; mặt khác chuyển giao công nghệ cho người dân. Nhờ vậy, nghề trồng nấm ở Phú Yên đã có bước thay đổi đáng kể.
Sau 3 năm triển khai thực hiện dự án, trung tâm đã chuyển giao bịch phôi các loại nấm cho 27 hộ dân ở 5 huyện, thị xã, thành phố để nuôi trồng trên 2.400m2 nhà xưởng. Hiện tại, các hộ mô hình phân tán trong dân đều đã làm chủ được công nghệ nuôi trồng 4 loại nấm (nấm sò, nấm rơm, nấm linh chi, nấm mộc nhĩ). Nhờ chuyển giao trong điều kiện bịch phôi nên việc nhiễm bệnh khi chuyển đến trồng ở các hộ gia đình là không lớn và người dân nuôi trồng cũng đạt sản lượng cao hơn. Cụ thể nấm rơm đạt 12 tấn/năm; nấm sò đạt 20 tấn/năm; nấm mộc nhĩ đạt 24 tấn/năm; nấm linh chi đạt 6 tấn/năm.
Anh Lưu Quốc Toản, một hộ tham gia mô hình ở xã Hòa Tân Đông, huyện Đông Hòa, cho biết: “Năm 2013, tôi đã xây dựng 100m2 nhà trại và nhận bịch phôi nấm sò từ Trạm Thực nghiệm sinh học Hòa Quang về nhà nuôi trồng thử. Do được tư vấn về kỹ thuật nên tôi đã nắm được cách chăm sóc để nấm phát triển tốt. Hiện tại, mỗi bịch nấm tôi có thể thu hoạch được trong vòng một tháng. Với giá cả ổn định, đầu ra rộng mở, tôi dự định tiếp tục mở rộng nhà xưởng để trồng nấm sò và linh chi”.
Nhận xét về kết quả thực hiện dự án, ông Nguyễn Văn Phương, Trưởng phòng Nông nghiệp, Sở NN-PTNT, cho biết: “Dự án đã tạo nhiều việc làm, góp phần nâng cao thu nhập cho lao động địa phương cũng như tận dụng được nhiều phụ phẩm trong ngành sản xuất trồng trọt, góp phần nâng cao đời sống người dân, phù hợp với định hướng phát triển của ngành NN-PTNT. Quan trọng hơn, dự án đã đào tạo nhiều kỹ thuật viên giỏi, góp phần chuyển giao công nghệ sản xuất các loại nấm cho bà con nông dân trong tỉnh”. |
THÁI HÀ