Năm 2015, lần đầu tiên các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ), áp dụng cách xét tuyển mới với mỗi thí sinh có 4 đợt xét tuyển vào ĐH và 5 đợt cho CĐ. Mỗi nguyện vọng, thí sinh được xét tuyển tối đa 4 ngành cùng một trường, theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4.
Với cách xét tuyển này, các trường ĐH, CĐ lo ngại khả năng sinh viên bỏ học chỉ sau năm đầu do chọn ngành không “dính” đến sở thích nên luôn tạo điều kiện để các em chuyển ngành ngay trong học kỳ đầu nhập học.
Em Nguyễn Phương Quang đăng ký xét tuyển vào ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa, nhưng sau một tháng nhập học, Quang nhận thấy ngành học này không phù hợp với bản thân nên xin chuyển sang ngành Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử và được nhà trường giải quyết cho chuyển ngành. ThS Huỳnh Mạnh Nhân, Phó trưởng phòng Đào tạo của trường, cho biết: “Thường thì trong học kỳ đầu của mỗi khóa học, nhà trường luôn tạo điều kiện để sinh viên chuyển sang ngành học khác phù hợp với trình độ, năng lực của các em”. Để tạo điều kiện cho sinh viên “sửa sai” trong việc chọn ngành, Trường ĐH Xây dựng Miền Trung cũng cho phép sinh viên được chuyển ngành học ngay trong thời gian đầu nhập học. ThS Nguyễn Vân Trạm, Phó phụ trách phòng Quản lý đào tạo của trường này, cho hay: “Nếu sinh viên muốn chuyển đổi ngành học thì phải chuyển sớm để không ảnh hưởng đến hiệu quả đào tạo. Nhà trường chỉ ưu tiên giải quyết cho sinh viên chuyển ngành đối với những ngành có số lượng sinh viên theo học đông, các ngành sinh viên theo học ít thì phải xem xét lại”.
Theo các trường, kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay, việc thí sinh chọn ngành xa sở thích đã thể hiện rõ. Vì ngay ở đợt xét tuyển đầu tiên (nguyện vọng 1), phần lớn chỉ tiêu các trường dồn vào đây, thí sinh có tới 4 ngành được lựa chọn nhưng chỉ vào đúng một trường. Tuy cuối cùng, nhiều em cũng đậu ĐH nhưng việc học những ngành “sơ cua” như vậy dễ dẫn đến tình trạng học nhầm ngành. Chính vì vậy, ngay trong học kỳ đầu nhập học, các trường trên địa bàn tỉnh luôn tạo điều kiện để các em có nhu cầu có thể chuyển đổi ngành học phù hợp.
Ông Nguyễn Hồng Phong, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Nghề Phú Yên, thẳng thắn cho rằng, nếu các em không hào hứng với việc học thì sẽ học không nổi. Thực tế tại trường cho thấy, mỗi khóa học có khoảng 40% học sinh, sinh viên bỏ học so với số học sinh, sinh viên đầu khóa. Điều này nói lên rằng việc chọn nghề, chọn trường ban đầu của các em chưa xuất phát từ nhu cầu của bản thân, chưa phù hợp với năng lực sở trường của mình.
Theo các trường, phương án xét tuyển năm 2015 chỉ mới đạt mục đích thí sinh sẽ vào được một trường để học. Nghĩa là chúng ta mới hướng tới việc để học sinh vào được ĐH (nếu có mức điểm tốt) chứ chưa đảm bảo định hướng nghề nghiệp trong việc chọn trường, chọn ngành. Vì ở một mức điểm, thí sinh không vào được trường này sẽ vào trường khác, không vào được ngành này sẽ vào ngành khác. Trong khi thực tế, định hướng nghề nghiệp yêu cầu phải đảm bảo để học sinh vào học được trường, ngành mà bản thân thực sự yêu thích, phù hợp với sở trường và coi đây là nguyện vọng chính.
Theo các chuyên gia giáo dục, chọn nghề không chỉ liên quan đến sở thích mà còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như năng lực, phẩm chất, cá tính… Nếu những yếu tố đó không kết nối được với nhau thì việc chọn nghề, hướng nghiệp sai sẽ gây hậu quả lớn. Vì trên thực tế có một số sinh viên học ĐH, CĐ năm thứ nhất, thứ hai bỏ học hoặc xin chuyển sang ngành học khác học lại từ đầu gây lãng phí công sức, tiền của của gia đình. Vì vậy, các trường ĐH, CĐ đề nghị Bộ GD-ĐT trong việc xét tuyển năm 2016 cần phải đạt được mong muốn của thí sinh là đúng ngành nghề, giảm ảo, giảm rủi ro... |
MẠNH THÚY