Tìm sự thống nhất về chức năng toàn diện của chữ viết Việt

Tìm sự thống nhất về chức năng toàn diện của chữ viết Việt

Sáng nay (3/10), tại Khu du lịch sinh thái Sao Việt (TP Tuy Hòa), Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh phối hợp với Trường đại học Phú Yên và Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia về “Chữ Quốc ngữ:

Sáng nay (3/10), tại Khu du lịch sinh thái Sao Việt (TP Tuy Hòa), Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh phối hợp với Trường đại học Phú Yên và Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia về “Chữ Quốc ngữ: Sự hình thành, phát triển và đóng góp vào văn hóa Việt Nam” với sự tham dự của hơn 100 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giảng viên, học viên ở các viện, hội ngôn ngữ và các trường đại học, cao đẳng trong cả nước...

Đối với bất cứ quốc gia nào, dân tộc nào trên thế giới, ngôn ngữ và chữ viết bao giờ cũng là cội nguồn của sự tồn tại và phát triển. Với lịch sử 400 năm hình thành, vận động và cải tiến, chữ Quốc ngữ đã trở thành tinh thần, linh hồn của dân tộc Việt. Quốc túy ấy cần được nuôi dưỡng để phát triển mạnh mẽ. Trên tinh thần đó, Hội thảo “Chữ Quốc ngữ: Sự hình thành, phát triển và đóng góp vào văn hóa Việt Nam” đã quy tụ hàng trăm bài tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong toàn quốc. Tất cả các vấn đề liên quan đến chữ Quốc ngữ sẽ được các nhà khoa học, nhà nghiên cứu phân tích một cách nghiêm túc trên tinh thần xây dựng với kỳ vọng cải tiến tốt hơn nữa để tiếng nói, chữ viết của chúng ta có một vị trí xứng tầm trong tương quan với các ngôn ngữ khác trên thế giới.

Cuốn sách in đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ được lưu giữ tại đền Thánh Anrê Phú Yên ở Nhà thờ Mằng Lăng - Ảnh: Y.LAN

Hiện nay, việc viết không thống nhất, không đúng chính tả và hiện tượng sử dụng chữ viết lệch chuẩn khá phổ biến không chỉ trong nhà trường mà còn trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Một số đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ cũng đã đặt ra nhưng các ý kiến thảo luận vẫn chưa ngã ngũ. Từ thực tế trên, hy vọng với các vấn đề mà hội thảo lần này tập trung thảo luận như: Chữ Quốc ngữ và vấn đề ghi Tiếng Việt trong các văn bản quốc ngữ thời kỳ đầu; tình hình nghiên cứu các văn bản quốc ngữ cổ; những đóng góp vào văn hóa Việt Nam của chữ Quốc ngữ qua các thời kỳ và tiến trình hiệu chỉnh chữ Quốc ngữ trong bốn thế kỷ; xây dựng chuẩn mực chữ viết và việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc thông qua chữ viết, nhằm góp phần phục vụ sự phát triển bền vững của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa… sẽ khẳng định một lần nữa chức năng toàn diện của chữ Quốc ngữ trong vai trò làm văn tự chính thức của người Việt. Đồng thời qua đó cũng đánh giá lại những đóng góp to lớn của chữ Quốc ngữ đối với tiếng nói và văn hóa Việt; tìm kiếm sự thống nhất ý kiến về các vấn đề cải tiến chữ Quốc ngữ, vấn đề giữ gìn bản sắc tiếng Việt trong thời kỳ hội nhập.

Một sự trùng hợp ngẫu nhiên và thú vị, đó là cũng đầu thế kỷ XVII, cùng với khoảng thời gian khai sinh chữ Quốc ngữ, tỉnh Phú Yên, năm 1611 được xác định là thời điểm thành lập gắn liền với đặc tiến Phụ quốc tướng quân - Phù nghĩa hầu Lương Văn Chánh, người được xem có công khai phá vùng đất Phú Yên. Và thêm một vinh dự cho Phú Yên, cuốn sách chữ Quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam “Phép giảng 8 ngày” của Linh mục Alexandre de Rhodes in tại Roma năm 1651, hiện còn lưu giữ tại Nhà thờ Mằng Lăng (được xây dựng năm 1892 tại xã An Thạch, huyện Tuy An).

QUỲNH ANH

* GS, TS NGUYỄN VĂN KHANG, VIỆN NGÔN NGỮ HỌC: Cách viết chưa thống nhất trong chính tả tiếng Việt

- Ra đời cách đây đã hơn bốn thế kỷ, chữ Quốc ngữ trở thành chữ viết chính thức của tiếng Việt và về cơ bản là một hệ thống chính tả thống nhất. Chữ Quốc ngữ thuộc loại hình văn tự ghi âm bằng hệ thống chữ cái Latinh. Xét từ góc độ nguyên tắc chính tả của chữ viết ghi âm, nguyên tắc chính tả cơ bản của chữ Quốc ngữ (chính tả tiếng Việt) là nguyên tắc ngữ âm học: đọc thế nào viết thế nấy và có thể đánh giá một cách khái quát là “so với chữ viết của nhiều ngôn ngữ thì chữ viết của tiếng Việt tương đối hợp lý và nhìn chung có chính tả thống nhất ở phần rất cơ bản: cách viết các âm tiết” (Hoàng Phê, 1979). Tuy vậy, dường như ở trong tình trạng chung của chữ viết ghi âm, do những lý do về hoàn cảnh lịch sử nên chữ Quốc ngữ nhìn về tổng thể là tối ưu nhưng tiểu tiết, nếu đối chiếu với nguyên tắc thì còn có những điểm bất hợp lý. Điều này được thể hiện ở chỗ, đáng lý ra, lý tưởng là mỗi âm vị chỉ được ghi bằng một ký hiệu và giữ cho ký hiệu đó luôn không thay đổi trong mọi giá trị của nó (ví dụ, các âm vị /n/, /m/, /l/ luôn viết là n, m, l ở mọi vị trí: năm, lăn; màn, nam; làm lụng). Thế nhưng, trong chữ quốc ngữ vẫn tồn tại một số âm vị với hai hoặc trên hai cách viết. Nổi lên là mấy nội dung gồm: /i/ với hai cách viết i và y; /k/ với ba cách viết c, k, q; với hai cách viết g và gh; /z/ với hai cách viết d, gi.

Như vậy, việc thống nhất chính tả đối với một vài trường hợp cũng cần đi đến hồi kết. Hướng nào cũng có thuận hay không thuận, nhưng cũng cần phải có một sự lựa chọn của những sự lựa chọn.

* GS, TS NGUYỄN THIỆN GIÁP, TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN - ĐạiHỌC QUốC GIA HÀ NỘI: Không thể lảng tránh vấn đề cải tiến chữ Quốc ngữ

- Sau Cách mạng Tháng Tám, tiếng Việt đã trở thành ngôn ngữ quốc gia của Việt Nam, là ngôn ngữ chính thức được dùng trong mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội. Nếu không cải tiến chữ Quốc ngữ thì tiếng Việt không thể đảm nhiệm các chức năng mới đã được giao phó. Điều kiện để cải tiến chữ Quốc ngữ hiện nay cũng đã hội đủ: Sau hơn nửa thế kỷ, sự hiểu biết của chúng ta về tiếng Việt đã sâu sắc hơn nhiều. Chúng ta đã có được những giải thuyết âm vị học đáng tin cậy đối với hệ thống âm vị tiếng Việt, đã hiểu rõ hơn về ranh giới giữa các đơn vị từ vựng, cũng như bản chất của quá trình tiếp nhận các từ của ngôn ngữ khác.

Trên cơ sở đó, chúng ta hoàn toàn có thể nhận ra những thiếu sót và bất hợp lý của chữ Quốc ngữ, hoàn toàn có thể tìm được những cách viết hợp lý hơn. Về mặt xã hội, non sông đã thu về một mối, đồng bào các dân tộc trong cả nước đều đoàn kết một lòng xây dựng đất nước, trình độ văn hóa của toàn dân đã nâng cao hơn trước rất nhiều. Đó là điều kiện thuận lợi để tiến hành cải tiến chữ Quốc ngữ.

* GS, TSKH TRẦN NGỌC THÊM, TRUNG TÂM VĂN HÓA HỌC LÝ LUẬN VÀ ỨNG DỤNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN - ĐẠI HỌC QUốC GIA TP HỒ CHÍ MINH: Chữ Quốc ngữ lên ngôi là nhờ tinh thần dân tộc

- Trong lịch sử chữ viết, từng có nhiều kiểu văn tự nhưng phổ biến hơn cả là hai kiểu văn tự ghi âm và văn tự ghi hình. Trong tương quan so sánh, kiểu văn tự nào cũng có ưu điểm và nhược điểm, nhưng văn tự ghi âm có thế mạnh về hình thức hơn, còn văn tự ghi hình có thế mạnh về nội dung hơn. Trong quan hệ với loại hình ngôn ngữ, văn tự ghi âm phù hợp hơn với các ngôn ngữ đa âm (do cả hai đều thiên về phân tích), còn văn tự ghi hình thì phù hợp hơn với các ngôn ngữ đơn âm (do cả hai đều thiên về tổng hợp). Do sự khác biệt giữa hai loại hình văn tự về độ phức tạp, hàm lượng văn hóa và khả năng phổ biến nên trong lịch sử đã hình thành quy luật là sự chuyển đổi hệ thống văn tự chỉ xảy ra theo chiều từ ghi hình sang ghi âm chứ không thể có hiện tượng chuyển đổi theo chiều ngược lại.

Ở Việt Nam, trong suốt lịch sử, chữ Nôm và cả chữ Hán chỉ được sử dụng một cách hạn chế ở giới trí thức tinh hoa. Chữ Quốc ngữ thì phải đợi đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, khi văn hóa Trung Hoa đã mất hẳn vị thế tạo nên một môi trường văn hóa độc lập và các phong trào yêu nước sôi sục từ Nam ra Bắc do nhu cầu xã hội của dân chúng và sự tổ chức của tầng lớp trí thức cách mạng tinh hoa mới tạo nên tiền đề cho sự lên ngôi nhanh chóng và tuyệt đối của chữ quốc ngữ.

Chữ quốc ngữ đã có địa vị ổn định từ lâu. Những mất mát do việc phần lớn người Việt không còn biết tiếng và chữ Hán, chữ Nôm (cũng như tiếng Pháp, tiếng Nga sau này) là cái giá phải chấp nhận, phải trả cho những lợi thế mà tính linh hoạt của văn hóa Việt Nam đem lại.

* ThS NGUYỄN VĂN BIỂU, VIỆN SỬ HỌC: Chữ Quốc ngữ góp phần quan trọng vào văn hiến, văn minh của lịch sử Việt Nam

- Sự ra đời và phát triển của chữ Quốc ngữ là cả một công trình tập thể của nhiều linh mục dòng Tên, với sự cộng tác âm thầm của một số thầy giảng Việt Nam vào thế kỷ XVII sáng tạo ra, nhưng người có công tập đại thành là Thừa sai Alexandre de Rhodes. Trong các thế kỷ XVII, XVIII, XIX, chữ này chủ yếu được dùng trong giáo hội (biên soạn kinh sách, giáo lý, ghi chép thư chung…) và ở một phạm vi hẹp được dùng trong báo chí ở Nam Kỳ những năm cuối thế kỷ XIX, mà người tích cực nhất là Trương Vĩnh Ký. Nhờ tính ưu việt hơn hẳn so với chữ Hán và chữ Nôm, “chỉ cần ba tháng là đủ để học đọc, học viết tiếng nước ta theo vần quốc ngữ” (Hồ Chí Minh), chữ Quốc ngữ dần dần chiếm ưu thế và qua nhiều lần cải tiến đã được sử dụng một cách phổ biến.

Nhìn lại lịch sử dân tộc, suốt một nghìn năm phong kiến, Lương Đức Thiệp (Xã hội Việt Nam, Nhà xuất bản Liên hiệp, 1950) cho rằng “… nước Việt Nam ngàn năm văn hiến mà không sản xuất nổi một học thuyết mới lạ nào, một trào lưu tư tưởng hoặc nghệ thuật mạnh mẽ nào… đẳng cấp nho sĩ Việt Nam bị ý thức hệ Nho giáo bảo thủ lung lạc, bị chế độ thi cử chi phối không còn một chút hoạt lực nào, không có được một tính cách cấp tiến nào nữa!” thì sự ra đời của chữ Quốc ngữ đã góp phần quan trọng vào văn hiến, văn minh của lịch sử Việt Nam.

MẠNH THÚY (thực hiện)

Từ khóa:

Ý kiến của bạn