Để hạn chế sinh viên ra trường làm việc trái ngành, nghề

Để hạn chế sinh viên ra trường làm việc trái ngành, nghề

Vấn đề tìm được việc làm đúng ngành nghề, chuyên môn của người học luôn là một vấn đề được xã hội quan tâm. Nếu mỗi cơ sở đào tạo biết nắm bắt, quan tâm, đầu tư đúng hướng để giải quyết vấn đề này sẽ đóng góp một phần rất lớn vào sự thành công của mỗi trường trong công tác đào tạo.

Vấn đề tìm được việc làm đúng ngành nghề, chuyên môn của người học luôn là một vấn đđược xã hội quan tâm. Nếu mỗi cơ sở đào tạo biết nắm bắt, quan tâm, đầu tư đúng hướng để giải quyết vấn đề này sẽ đóng góp một phần rất lớn vào sự thành công của mỗi trường trong công tác đào tạo. Đồng thời giúp xã hội và người học tránh được những lãng phí không đáng có.

Sinh viên Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa thực hành Vật lý - Ảnh: M.THÚY

ĐÀO TẠO CHƯA ĐÁP ỨNG YÊU CẦU THỰC TẾ

Tìm việc làm đúng chuyên ngành và được hưởng lương cao luôn là mục đích của tất cả học sinh, sinh viên ngay từ khi còn trên giảng đường. Tuy nhiên, thực tế lao động Việt Nam hiện nay cho thấy, số người lao động làm việc không đúng chuyên ngành đã học đang chiếm tỉ lệ khá nhiều và ngày càng có xu hướng tăng cao trước các yêu cầu ngày càng khắt khe của nhà tuyển dụng. Thực trạng này nếu cứ tiếp diễn sẽ gây lãng phí rất lớn đối với xã hội, người học và còn ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống cũng như chất lượng cuộc sống của người lao động; đồng thời ảnh hưởng không tốt đến uy tín đào tạo của các trường.

Công bố của Tổng cục Thống kê mới đây cho thấy, hiện nay, cả nước có 750.000 lao động có trình độ đại học trở lên đang làm các nghề có yêu cầu chuyên môn kỹ thuật thấp hơn và tình trạng này đang có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân xảy ra hiện tượng nói trên là rất nhiều, kể cả tầm vĩ mô trong công tác quản lý dự báo thị trường lao động, công tác hướng nghiệp của các bộ, sở, ban, ngành chưa được quan tâm đúng mức hoặc nếu có triển khai cũng chưa thực sự có chiều sâu với những biện pháp thực tế có hiệu quả... Đồng thời, bên cạnh đó cũng còn nhiều nguyên nhân ở tầm vi mô tác động tới vấn đề mà người học sau khi tốt nghiệp ra trường phải làm việc trái ngành nghề như: yêu cầu chất lượng nguồn lao động ngày càng nâng cao; công tác dự báo đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường lao động chưa được quan tâm; chương trình đào tạo chưa linh hoạt, chưa thích ứng với đòi hỏi yêu cầu thực tế của thị trường lao động; hạn chế của học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường. Nếu những nguyên nhân này được mạnh dạn nhìn nhận, đánh giá một cách đúng mực, nó sẽ không chỉ giúp người lao động có được việc làm đúng chuyên môn tay nghề mà còn có tác dụng rất lớn khẳng định vị thế, giá trị đào tạo của các cơ sở đào tạo trước sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong công tác tuyển sinh như hiện nay.

CÁC GIẢI PHÁP

Hiện tượng làm việc trái ngành nghề nếu chỉ là một số ít sẽ không có vấn đề, song với những con số biết nói ở trên thì buộc các nhà quản lý, người lao động và đặc biệt là các trường đào tạo nghề nghiệp, chuyên môn và người học phải chú ý xem xét để tìm ra những hướng đi phù hợp.

Theo tôi, để hạn chế học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp làm việc trái ngành nghề, trước hết chương trình đào tạo và quá trình đào tạo cần chú trọng hơn nữa công tác kiểm soát chất lượng đào tạo. Đặc biệt, cần quan tâm chất lượng đào tạo ngay từ khâu xây dựng chương trình đào tạo, mạnh dạn rút bớt những nội dung không cần thiết, mang nặng tính lý thuyết, hàn lâm để thay thế bằng các chương trình, nội dung mang tính thực hành cao, gắn liền với thực tiễn, tạo điều kiện cho người học dễ dàng tiếp cận với môi trường làm việc thực tế, để khi ra trường họ có thể làm việc được ngay. Thứ hai, cần quan tâm sâu sắc hơn nữa vấn đề đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Để thực hiện tốt vấn đề này thì mỗi cơ sở đào tạo không thể xem nhẹ công tác dự báo nhu cầu của thị trường lao động để đưa ra các chương trình, ngành nghề đào tạo phù hợp; phải có những định hướng, hoạch định chiến lược cụ thể trong từng giai đoạn, xem xét khi nào thì cần đẩy mạnh tuyển sinh những ngành nghề mà thị trường lao động đang cần và cần giảm bớt tuyển sinh những ngành nghề mà nhu cầu xã hội đang giảm hoặc không cần. Thứ ba, làm tốt công tác hướng nghiệp, tư vấn cho học sinh, sinh viên; giúp người học nhận thức được nhu cầu lao động thực tế của xã hội cần những điều gì. Thứ tư, làm tốt công tác giáo dục tư tưởng, tác phong người lao động và các kỹ năng mềm. Để thực hiện hiệu quả nội dung này, các bộ phận chức năng trong cơ sở đào tạo phải xây dựng những nội dung, chương trình hành động cụ thể nhằm thu hút người học, giúp họ nhận thức, ý thức được tầm quan trọng, vai trò của việc tuân thủ các yêu cầu, quy định khi muốn trở thành một người lao động tốt trong xã hội.

Tiến sĩ NGUYỄN TRUNG HÒA

Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa 

Từ khóa:

Ý kiến của bạn