Các trường ngoài công lập gặp khó

Các trường ngoài công lập gặp khó

Sau khi các trường công lập tuyển sinh xong, thông thường vào thời điểm này, các trường ngoài công lập đã có trong tay khoảng 50 đến 70% số học sinh theo chỉ tiêu đề ra. Nhưng năm nay, tình thế lại vô cùng khó khăn.

Sau khi các trường công lập tuyển sinh xong, thông thường vào thời điểm này, các trường ngoài công lập đã có trong tay khoảng 50 đến 70% số học sinh theo chỉ tiêu đề ra. Nhưng năm nay, tình thế lại vô cùng khó khăn.

duy-tan130811.jpg

Cũng là trường ngoài công lập nhưng Trường phổ thông tư thục Duy Tân đã khẳng định được “thương hiệu” trong đào tạo, thu hút đông học sinh học tập - Ảnh: M.THÚY

NGUỒN TUYỂN HẠN CHẾ

Phú Yên hiện có 29 trường THCS và THPT, THPT công lập; 2 trường THPT dân lập và 1 trường phổ thông tư thục. Năm học 2013-2014, Sở GD-ĐT chỉ tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT đối với Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh; các trường còn lại chỉ tổ chức xét tuyển.

Kết thúc năm học 2012-2013, toàn tỉnh có 11.689 học sinh tốt nghiệp THCS. Trong số học sinh tốt nghiệp THCS này có 11.380 học sinh đăng ký dự xét tuyển vào lớp 10 và đã có 10.604 học sinh trúng tuyển vào các trường THPT công lập, chiếm tỉ lệ 93%. Nếu học sinh không trúng tuyển vào các trường công lập đã đăng ký thì đến trường đã nộp hồ sơ dự tuyển nhận lại hồ sơ và nộp cho các trường THPT ngoài công lập hoặc các Trung tâm Giáo dục thường xuyên, các trường dạy nghề, các trường cao đẳng, đại học có hệ trung cấp nghề theo nguyện vọng và thời gian quy định của các trường.

Sau khi các trường công lập đã tuyển sinh xong, thông thường vào thời điểm này, các trường ngoài công lập đã có trong tay khoảng 50 đến 70% số học sinh theo chỉ tiêu đề ra. Nhưng năm nay, tình thế lại vô cùng khó khăn. Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Tuy Hòa) Lê Kim Hùng cho biết: “Việc chuyển các trường bán công sang trường công và tăng thêm chỉ tiêu cho các trường này khiến cho các trường ngoài công lập gặp khó. Năm nay tình hình càng khó khăn hơn vì tỉ lệ tuyển sinh vào lớp 10 các trường công lập trên địa bàn thành phố quá cao (chỉ còn hơn 100 học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS không được vào công lập) nên công tác tuyển sinh vào lớp 10 của trường gặp rất nhiều khó khăn. Đến thời điểm này, nhà trường tuyển chưa đến 2 lớp 10”.

Việc các trường công lập cũng khó tuyển sinh cho đủ chỉ tiêu năm nay khiến cho nguồn tuyển của các trường ngoài công lập hạn chế. Khó khăn thứ nhất là về số lượng. Khó khăn thứ hai là chất lượng đầu vào. Thầy Huỳnh Văn Thận, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Thánh Tôn (Đông Hòa) bày tỏ: “Chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 các trường công lập trên địa bàn huyện là 82% so với tổng số học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS. Với chỉ tiêu này, trên địa bàn huyện sẽ còn hơn 200 học sinh không được vào lớp 10 trường công lập. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhà trường mới nhận được 48 hồ sơ học sinh”.

Nguồn tuyển ít, chất lượng đầu vào thấp nên hiệu quả đào tạo của các trường ngoài công lập như THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, THPT Lê Thánh Tôn thấp là điều không thể tránh khỏi. Chỉ còn hơn 1 tuần nữa là học sinh cấp THPT bắt đầu tựu trường năm học 2013-2014, thế nhưng hiện nay, các trường THPT ngoài công lập vẫn chưa tuyển đủ học sinh khối 10. Lãnh đạo các trường cho biết, thực tế này đã diễn ra nhiều năm gần đây, nhưng chưa có biện pháp khắc phục.

CHẤP NHẬN SỰ LỰA CHỌN TỰ NHIÊN

Vừa đảm bảo chất lượng đầu vào cho trường công, vừa đảm bảo cho các trường ngoài công lập thực hiện chức năng xã hội hóa giáo dục của mình - Đây là ý kiến luôn được cán bộ quản lý các trường THPT ngoài công lập đề cập trong các cuộc họp chuyên môn do Sở GD-ĐT tổ chức. Tuy nhiên, thực tế tuyển sinh vào lớp 10 những năm gần đây cho thấy: chỉ tiêu vào trường công lập tăng theo hàng năm, dẫn đến nguồn tuyển của các trường ngoài công lập “teo tóp” dần. Lý giải về điều này, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên Nguyễn Văn Tá cho biết: “Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2015, có 70% thanh niên trong độ tuổi tốt nghiệp THPT. Vì vậy, nếu không tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường công lập, nguy cơ học sinh bỏ học sẽ nhiều (vì các gia đình không có điều kiện cho con học trường ngoài công lập do học phí cao). Tuy nhiên, đây chỉ là những con số cơ học. Vấn đề quan trọng ở đây là hiện nay cơ sở vật chất các trường dân lập chưa được đầu tư đồng bộ vì không có đủ kinh phí kéo theo chất lượng giáo dục chưa cao, không thu hút được học sinh”. Theo ông Tá, muốn phá vỡ được vòng luẩn quẩn này, không ai khác mà chính các trường ngoài công lập phải tự khắc phục những bất cập về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để nâng cao chất lượng giáo dục, từ đó mà thu hút học sinh ngày càng nhiều hơn.

Thực tế cho thấy, muốn tồn tại và phát triển các trường ngoài công lập không cách nào khác là phải chấp nhận sự lựa chọn tự nhiên, lấy việc nâng cao chất lượng giáo dục làm giải pháp chính để thu hút học sinh. Thực tế tuyển sinh những năm qua cho thấy, cũng là trường ngoài công lập nhưng Trường phổ thông tư thục Duy Tân đang là sự lựa chọn của rất nhiều học sinh. Phó hiệu trưởng phụ trách khối THPT Trường phổ thông tư thục Duy Tân Phạm Văn Tín cho biết: “Đến thời điểm này, nhà trường đã tuyển được 6 lớp 10 với 220 học sinh tham gia. Chúng tôi có 3 mục tiêu đào tạo để các bậc phụ huynh lựa chọn. Một là đào tạo chất lượng cao. Hai là đào tạo học sinh có thể thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng trong nước. Ba là đào tạo các em thi đỗ tốt nghiệp lớp 12. Mỗi mục tiêu có một phương pháp giáo dục đặc trưng, và chúng tôi cam kết với phụ huynh là phải đạt được các mục tiêu mà phụ huynh yêu cầu”.

THÚY HẰNG

Từ khóa:

Ý kiến của bạn