Giáo dục dinh dưỡng cho trẻ mầm non

Giáo dục dinh dưỡng cho trẻ mầm non

Giáo dục dinh dưỡng là một trong những nội dung giáo dục lồng ghép trong chương trình chăm sóc giáo dục trẻ mầm non.

Giáo dục dinh dưỡng là một trong những nội dung giáo dục lồng ghép trong chương trình chăm sóc giáo dục trẻ mầm non.

mam-non120801.jpg

Giờ học giúp trẻ nhận biết các thức ăn dinh dưỡng qua tranh của giáo viên Trường mầm non Ong Vàng (TP Tuy Hòa) - Ảnh: T.HẰNG

Thực tế mỗi khi dạy các kiến thức về dinh dưỡng cho trẻ 3 tuổi, giáo viên mẫu giáo thường thấy khó và lúng túng trong việc giúp trẻ nhớ kiến thức cơ bản góp phần tác động đến thói quen ăn uống. Qua nhiều năm giảng dạy các khối lớp, nhất là sau khi được phân công dạy lớp mẫu giáo bé, tôi thấy giáo dục dinh dưỡng thường không tổ chức một giờ riêng biệt mà thực hiện lồng ghép, tích hợp các nội dung này vào tiết dạy và các hoạt động khác. Chẳng hạn để việc truyền đạt các kiến thức dinh dưỡng không gây cảm giác nhàm chán, nặng nề đối với trẻ, nhất là trẻ mẫu giáo bé, giáo viên phải sưu tầm thơ, câu đố, trò chơi về dinh dưỡng phù hợp với yêu cầu bài dạy, phù hợp với lứa tuổi. Ví dụ, khi dạy trẻ biết tên một số thực phẩm giàu chất bột đường, cụ thể là để giới thiệu hạt gạo chứa nhiều chất bột đường để thu hút cháu chú ý, giáo viên sưu tầm câu đố: Hạt gì nho nhỏ/ Màu sắc trắng ngần/ Được nấu thành cơm/ Cháu ăn hàng ngày/ Đố là hạt gì?

Có một số tiết giáo dục lồng ghép dinh dưỡng rất dễ nhớ nhưng cũng có tiết gây cảm giác buồn chán, bị gò bó, chưa sát với bài dạy, đưa vào một cách qua loa thì không nên. Do đó, giáo viên không máy móc tiết nào cũng lồng ghép tích hợp mà có sự lựa chọn về đề tài nội dung, thời điểm nào cho thích hợp. Ví dụ khi dạy bài thơ “Rong và cá”. Nếu lồng giáo dục dinh dưỡng bằng cách: Sau khi đọc thơ cô hỏi: Các cháu đã ăn cá chưa? Cá được nấu những món gì? Trong cá giàu chất gì?... Giáo dục lúc này là không phù hợp vì bài thơ nói về tình bạn thân thiết, quấn quýt giữa rong và cá, về vẻ đẹp của thiên nhiên, làm như vậy sẽ mất đi ý tưởng của bài thơ. Để lồng ghép phù hợp, giáo viên nên đưa phần giáo dục dinh dưỡng vào phần giới thiệu bài: cho cháu quan sát bể cá, hỏi có những loại cá gì? Cá sống ở đâu? Trong thịt cá có gì? Từ đó giáo dục cho trẻ biết rằng cá ăn ngon và bổ; cá được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Với lối dẫn dắt vào bài như vậy, trẻ sẽ dễ nhớ hơn.

Trong quá trình trẻ chơi ở góc phân vai, giáo viên nên tập cho trẻ giao tiếp, trao đổi với nhau để chọn món ăn, chọn thực phẩm và biết trong thực phẩm đó giàu chất gì?... Để thực hiện hiệu quả, giáo viên phải thường xuyên bổ sung đồ chơi mới lạ và giới thiệu cho trẻ biết nhằm mở rộng kiến thức dinh dưỡng cho trẻ. Điểm đặc biệt ở lừa tuổi mẫu giáo là trẻ rất dễ nhớ nhưng cũng dễ quên nên hằng ngày sau khi dạy các kiến thức về dinh dưỡng, giáo viên cần trao đổi với phụ huynh về những bài học mình đã dạy để phụ huynh biết cách nhắc nhở góp phần giúp trẻ nhớ lâu, nhớ kỹ hơn.

Giáo dục trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo bé đã khó, lồng ghép nội dung giáo dục dinh dưỡng trong các bài học cho trẻ càng khó hơn. Vì vậy, bản thân mỗi giáo viên cần phải chịu khó nghiên cứu, sáng tạo để tìm ra những biện pháp, hình thức mới lạ, hấp dẫn để tổ chức các hoạt động giáo dục vệ sinh nói riêng và các hoạt động lồng ghép hiệu quả. Để trẻ tiếp thu kiến thức dinh dưỡng nhẹ nhàng, dễ hiểu, không gò bó, giáo viên cần khéo léo lồng nội dung giáo dục dinh dưỡng vào bài với nhiều hình thức phong phú và sinh động; thường xuyên giới thiệu món ăn thực phẩm thông qua các bữa ăn hằng ngày, nhưng không hỏi trẻ nhiều quá và phải đảm bảo yêu cầu vệ sinh khi ăn. Thông qua các góc chơi, trò chơi, giáo viên tham gia cùng trẻ hay thỉnh thoảng cho cháu chơi trò “Bé tập làm nội trợ”…

NHẬT MINH

Từ khóa:

Ý kiến của bạn