Sở GD-ĐT Phú Yên vừa triển khai công tác tự đánh giá các trường mầm non. Đây là quá trình nhà trường tự xem xét, kiểm tra, đánh giá trên cơ sở các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường mầm non.
![]() |
Giờ học của học sinh Trường mầm non Sơn Ca (TP Tuy Hòa) - Ảnh: T.HẰNG
|
Kiểm định chất lượng giáo dục trường mầm non được thực hiện theo quy trình: Tự đánh giá của trường mầm non; đăng ký đánh giá ngoài và đăng ký công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục; đánh giá ngoài trường mầm non; công nhận trường mầm non đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục và cấp giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục.
Theo bà Trần Thị Kim Tuyết, Trưởng phòng Giáo dục mầm non Sở GD-ĐT Phú Yên, tự đánh giá là khâu đầu tiên có vai trò quan trọng trong quy trình kiểm định chất lượng giáo dục trường mầm non. Đây là quá trình nhà trường tự xem xét, kiểm tra, đánh giá trên cơ sở các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường mầm non được quy định tại Thông tư số 07/2011/TT-BGDĐT ngày 17/2/2011 của Bộ GD-ĐT để báo cáo về tình trạng chất lượng, hiệu quả giáo dục, nhân lực, cơ sở vật chất cũng như các vấn đề liên quan khác, từ đó điều chỉnh các nguồn lực và quá trình thực hiện nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Tự đánh giá thể hiện tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của nhà trường trong toàn bộ hoạt động giáo dục theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Đây là một quá trình liên tục được thực hiện theo kế hoạch, cần dành nhiều công sức, thời gian, có sự tham gia của các đơn vị và cá nhân trong nhà trường. Do đó, tự đánh giá đòi hỏi tính khách quan, trung thực và công khai. Các giải thích, nhận định, kết luận đưa ra phải dựa trên các thông tin, minh chứng cụ thể, rõ ràng, tin cậy. Báo cáo tự đánh giá phải bao quát đầy đủ nội dung các chỉ số của tiêu chí trong tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường mầm non.
Để giúp các trường mầm non triển khai công tác tự đánh giá thuận lợi và hiệu quả, Sở GD-ĐT Phú Yên vừa tổ chức tập huấn về công tác tự đánh giá cho 134 hiệu trưởng trường mầm non trên địa bàn tỉnh. Hiệu trưởng Trường mầm non Anh Đào (TP Tuy Hòa) Võ Thị Thu Đức cho biết: “Căn cứ vào 5 tiêu chuẩn: tổ chức và quản lý nhà trường; cán bộquản lý, giáo viên vànhân viên; cơ sở vật chất và trang thiết bị; quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội; kết quả chăm sóc, giáo dục trẻ mà Bộ GD-ĐT ban hành, nhà trường sẽ đánh giá cụ thể những việc làm được, chưa làm được để đưa ra những minh chứng thuyết phục. Đây là công cụ để trường mầm non tự đánh giá nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục; để công khai với xã hội về thực trạng chất lượng giáo dục của nhà trường; để cơ quan có thẩm quyền đánh giá, công nhận nhà trường đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục”.
Theo các trường, trong 5 tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường mầm non thì tiêu chuẩn về cơ sở vật chất và trang thiết bị là khó đạt nhất. Để hội đủ tiêu chuẩn này, các trường phải có phòng sinh hoạt chung (có thể dùng làm nơi ăn, ngủ cho trẻ) đảm bảo diện tích trung bình 1,5-1,8m2 cho một trẻ, đủ ánh sáng tự nhiên và thoáng, nền láng xi măng, lát gạch hoặc gỗ màu sáng, không trơn trượt. Phòng ngủ cho trẻ đảm bảo diện tích trung bình 1,2-1,5m2 cho một trẻ, yên tĩnh, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, có đủ các đồ dùng phục vụ trẻ ngủ; có phòng giáo dục thể chất, phòng giáo dục nghệ thuật, nhà vệ sinh, bếp ăn theo quy định của Điều lệ Trường mầm non; có các thiết bị, đồ dùng, đồ chơi theo quy định về Tiêu chuẩn kỹ thuật đồ dùng – đồ chơi – thiết bị dạy học tối thiểu dùng cho giáo dục mầm non do Bộ GD-ĐT ban hành. Những yêu cầu này, rất ít trường mầm non ở Phú Yên đạt được.
Ngoài cơ sở vật chất, kết quả chăm sóc, giáo dục trẻ cũng là một trong những tiêu chí quan trọng mà các trường cần phải phấn đấu. Bà Trần Thị Kim Tuyết nói: “Đặc thù của bậc mầm non là cơ sở vật chất, trình độ giáo viên giữa các trường không đồng đều. Trong khi tiêu chí này yêu cầu, trẻ có sự phát triển về thể chất và nhận thức, ngôn ngữ theo mục tiêu của Chương trình Giáo dục mầm non; chủ động, tích cực tham gia vào các hoạt động văn nghệ, có một số kỹ năng cơ bản và có khả năng cảm nhận, thể hiện cảm xúc về âm nhạc và tạo hình; tự tin, biết bày tỏ cảm xúc và ý kiến cá nhân, đoàn kết với bạn bè, mạnh dạn trong giao tiếp, lễ phép với người lớn; có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường; giữ gìn vệ sinh cá nhân; quan tâm chăm sóc, bảo vệ cây xanh, vật nuôi; có ý thức chấp hành quy định về an toàn giao thông. Trẻ suy dinh dưỡng, béo phì và trẻ khuyết tật được chú trọng chăm sóc và có kết quả tiến bộ rõ rệt. Đối với các trường thuộc vùng thuận lợi, tìm minh chứng cho các tiêu chí nêu trên không khó, nhưng đối với các trường thuộc miền núi, vùng sâu, vùng xa thì rất khó”.
Theo Sở GD-ĐT Phú Yên, năm học 2012-2013, tất cả các trường mầm non trên địa bàn tỉnh sẽ tiến hành tự đánh giá chất lượng giáo dục. Tự đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong quy trình kiểm định chất lượng giáo dục, do đó, Sở GD-ĐT yêu cầu các trường mầm non xác định rõ vai trò của công tác này và nghiêm túc triển khai thực hiện nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục mầm non. Sau khi hoàn thành báo cáo tự đánh giá và nếu có đủ điều kiện theo quy định tại Thông tư số 45/2011/TT-BGDĐT thì nhà trường đăng ký đánh giá ngoài và đăng ký công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.
MẠNH THÚY