Đi đôi với việc đổi mới sách giáo khoa, đổi mới chương trình là đổi mới phương pháp dạy học, nhưng đổi mới phương pháp dạy học lại chưa được tiến hành với phần đông giáo viên đang giảng dạy hiện nay. Để nâng cao chất lượng giảng dạy, đặc biệt là trong việc ôn tập cho học sinh lớp 12, mới đây Sở GD-ĐT Phú Yên đã yêu cầu các trường cần phân hóa khả năng của học sinh để ôn tập.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi ôn tập thi tốt nghiệp THPT - Ảnh: T.HẰNG
PHÂN HÓA ĐỐI TƯỢNG HỌC SINH ĐỂ GIẢNG DẠY
Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên Nguyễn Văn Tá đánh giá, những năm gần đây, giáo viên đã áp dụng phương pháp giảng dạy mới nhưng chưa thật sự hiệu quả, chưa tích cực hóa và khơi dậy được năng lực học tập của tất cả các đối tượng học sinh. Hầu hết, các giáo viên mới chỉ quan tâm đến đối tượng học sinh có lực học trung bình, nắm được kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa còn đối tượng học sinh khá, giỏi có năng lực tư duy sáng tạo và học sinh có lực học yếu kém thì chưa được quan tâm, bồi dưỡng trong giờ học, chưa khuyến khích phát triển tối đa và tối ưu những khả năng của từng học sinh. Ngược lại, một số giáo viên lại chỉ chú ý đến đối tượng học sinh khá, giỏi, chưa thực sự quan tâm đến sự tiếp thu kiến thức của đối tượng trung bình và yếu trong lớp làm cho các em này không hiểu bài và có tư tưởng sợ học. Bên cạnh đó, một số phương pháp dạy học truyền thống như thuyết trình, đàm thoại, giảng giải, vấn đáp… còn nhiều mặt hạn chế, chưa khắc phục được nhược điểm này. Câu hỏi đặt ra là cần phải dạy học như thế nào để trong một giờ dạy đảm bảo: bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho đối tượng học sinh khá giỏi, trang bị kiến thức cơ bản cho học sinh trung bình và bồi dưỡng lấp chỗ hổng cho học sinh yếu kém?
Để khắc phục tình trạng này, mới đây trong hướng dẫn về việc tổ chức ôn tập thi tốt nghiệp THPT năm 2012 gửi các trường, Sở GD-ĐT yêu cầu giáo viên chủ động phân nhóm học sinh trong lớp theo khả năng học tập của mỗi học sinh; ôn tập nhiều hơn cho những học sinh học lực yếu; đối với học sinh có học lực khá, giỏi cần có thời gian ôn tập linh hoạt, tăng cường sự tự học của các đối tượng này.
Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên Nguyễn Văn Tá nhấn mạnh: Giáo viên cần lấy trình độ phát triển chung của học sinh trong lớp làm nền tảng, bổ sung một số nội dung và biện pháp phân hóa để giúp học sinh khá, giỏi đạt được những yêu cầu nâng cao trên cơ sở đã đạt được yêu cầu cơ bản. Sử dụng những biện pháp phân hóa đưa diện học sinh yếu, kém lên trình độ chung. Áp dụng linh hoạt các phương pháp dạy học tiên tiến như phát hiện và giải quyết vấn đề, đặc biệt là phương pháp dạy học phân hóa ngay trong giờ học sẽ giúp các đối tượng học sinh phát huy được hết khả năng của mình, tiếp thu kiến thức một cách chủ động, sáng tạo tùy theo mức độ nhận thức của từng đối tượng học sinh. Đạt được như vậy mới thực sự là đổi mới phương pháp dạy học, góp phần xây dựng đào tạo con người mới: chủ động, sáng tạo phù hợp với sự phát triển khoa học kỹ thuật như hiện nay.
TRAO QUYỀN CHỦ ĐỘNG HỌC TẬP CHO HỌC SINH
Đến Trường THPT Nguyễn Trãi những ngày này, không khí học tập khá khẩn trương. Giáo viên ôn bài cho học sinh bằng hình thức kiểm tra trực tiếp, hoặc cho học sinh xung phong lên bảng ghi lại nội dung bài học. Cô Đoàn Thị Mỹ Linh, giáo viên môn Địa lý cho biết: “Để thuận tiện cho các em khi ôn bài, ngoài việc kiểm tra bài, giáo viên tăng cường ôn tập cho học sinh các kỹ năng vẽ biểu đồ, cách sử dụng atlat. Để ôn tập hiệu quả, trong các giờ học giáo viên chia học sinh thành nhóm nhỏ, mỗi nhóm khoảng 10 em tự ôn tập với nhau, cùng động viên nhau ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi sắp đến”.
Năm học 2011-2012, Trường THPT Nguyễn Trãi có 483 học sinh lớp 12, công việc chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT được nhà trường thực hiện ngay từ đầu năm học. Nhà trường đã tuyển chọn những giáo viên có kinh nghiệm truyền đạt, ôn tập cho học sinh; trình độ thực sự của học sinh được phân chia theo nhóm dựa trên nguyện vọng để các em có hướng ôn tập thích hợp. Đối với những học sinh khá, giỏi, trường thực hiện ôn tập nâng cao và hướng vào các nội dung thi đại học; các học sinh học lực trung bình, yếu nhà trường có chương trình ôn tập riêng để giúp học sinh nắm được kiến thức cơ bản.
Đối với các trường THPT khác, cùng với việc phân chia năng lực học sinh, các trường còn tổ chức cho học sinh thi thử tốt nghiệp, kết quả thi thử sẽ là cơ sở để kiểm tra kiến thức và điều chỉnh kịp thời về phương pháp giảng dạy. Theo nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Hiền, Trường THPT Nguyễn Huệ, học sinh cần có hai cơ sở để ôn thi tốt nghiệp. Một là nội dung ôn tập và hai là phương pháp ôn tập. Về phương pháp ôn tập: đối với giáo viên là nên tập trung phần kiến thức cơ bản. Cần trình bày mạch lạc, rõ ràng, gọn nhất theo kiến thức cơ bản, không nên trang bị quá nhiều sẽ khiến học sinh không thể tiếp thu được. Về phía học sinh thì cách tự học hiệu quả nhất là nên tổ chức nhóm 2-3 người để tự truy bài cho nhau. Tổ chức thu gọn kiến thức một cách hệ thống theo bài, theo chương. Trong khi ôn tập, học sinh nên lập sơ đồ tư duy theo từng nội dung. Từ một vấn đề lớn, được phát triển thành các nhánh đơn vị kiến thức nhỏ. Thông qua đó dễ nhìn và hệ thống kiến thức một cách mạch lạc hơn.
MẠNH THÚY