Trong những năm gần đây, ngành GD-ĐT tiến hành đổi mới nội dung, chương trình; đổi mới phương pháp giảng dạy; đổi mới quản lý giáo dục; đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục… Những công việc đổi mới nêu trên rất tốn kém nhưng chất lượng giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, do chưa chú trọng đến việc thực hiện nghiêm túc nguyên lý giáo dục trong quá trình đổi mới.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Trãi (TP Tuy Hòa) ôn tập môn Ngữ văn chuẩn bị thi tốt nghiệp - Ảnh: T.HẰNG
HỌC CẦN ĐI ĐÔI VỚI HÀNH
Nguyên lý giáo dục là học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Phương pháp giáo dục phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, tư duy sáng tạo của người học; bồi dưỡng cho người học năng lực tự học, khả năng thực hành, lòng say mê học tập và ý chí vươn lên. Học và hành là hai mặt của một quá trình thống nhất, nó không thể tách rời nhau mà phải luôn gắn chặt với nhau làm một. Thực tế cho thấy những năm qua ngành Giáo dục đã liên tục cải cách và đổi mới phương pháp dạy – học, có quan tâm đến việc học kết hợp với hành nhưng vẫn chưa đảm bảo yêu cầu. Trường học từng bước được đầu tư những thiết bị dạy học đồng bộ, hiện đại. Nhiều trường học sử dụng có hiệu quả nhưng vẫn có những trường học chưa chú trọng việc hướng dẫn học sinh thực hành và cũng không ít học sinh không quan tâm đến các giờ thực hành Vật lý, Hóa học, Sinh học, Kỹ thuật nông nghiệp hay các hoạt động ngoại khóa ở các nhà trường. Nhiều học sinh chưa nhận thức được tầm quan trọng và lợi ích thiết thực mà giờ thực hành đem lại.
Dạy học thiếu thực hành là một trong những nguyên nhân dẫn tới thực trạng bức xúc hiện nay, đó là nhiều sinh viên ra trường không thể tìm được việc làm. Bởi lẽ, những kiến thức đa phần là “lý thuyết suông” mà các em được trang bị trong trường học không thể đáp ứng yêu cầu khắc khe của các nhà tuyển dụng. Giữa lý thuyết mà học sinh được học trong nhà trường và thực tế công việc đòi hỏi còn quá cách xa nhau.
GIÁO DỤC NHÀ TRƯỜNG KẾT HỢP VỚI GIA ĐÌNH, XÃ HỘI
Giáo dục trong nhà trường chỉ là một phần, cần phải có sự giáo dục của gia đình và xã hội. Mỗi môi trường giáo dục đều có thế mạnh riêng. Việc kết hợp giáo dục trong nhà trường với giáo dục của gia đình và giáo dục ngoài xã hội sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp để tác động đến học sinh, sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Điều đó ai cũng biết nhưng triển khai thực hiện đến nơi đến chốn quả thật khó khăn. Thực tế hiện nay, chỉ có giáo viên chủ nhiệm mới thường xuyên liên hệ với cha mẹ học sinh, nhưng cũng có một số giáo viên chủ nhiệm còn xem nhẹ việc này. Có nhiều giáo viên chủ nhiệm lớp chưa biết hết cha mẹ học sinh của lớp mình. Giáo viên bộ môn, không chủ nhiệm lại càng tệ hơn. Và ngược lại, một bộ phận không nhỏ cha mẹ học sinh chỉ “khoán trắng” giáo học con em cho nhà trường, cho thầy, cô giáo không hề biết thầy, cô nào đang dạy dỗ con mình; con mình ở trường học tập, sinh hoạt ra sao chẳng quan tâm, đến khi con học yếu hay bị kỷ luật thì trách móc nhà trường.
Thực hành môn Hóa học của học sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh - Ảnh: T.HẰNG
Cha mẹ học sinh ít ra cũng là một hội viên của một hội nào đó trong xã hội, có thể là Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh... Vì vậy, các đoàn thể cần giáo dục hội viên của mình quan tâm đến việc giáo dục con em, đưa kết quả của việc giáo dục con em thành một tiêu chí đánh giá thi đua. Hơn nữa, lãnh đạo các đoàn thể cũng cần liên hệ với nhà trường để nắm bắt tình hình, trao đổi các biện pháp phối hợp giáo dục các cháu. Trong thực tế, phần nhiều là nhà trường liên hệ với các tổ chức chính trị, xã hội để bàn việc kết hợp giáo dục học sinh nhưng có trường vẫn chưa thực hiện thường xuyên nên hiệu quả chưa cao.
Nếu chỉ góp ý cho giáo viên, nhà trường, gia đình và các đoàn thể xã hội thì chưa đủ mà ngay cả Bộ GD-ĐT khi xây dựng chương trình, nội dung dạy học chưa thể hiện rõ nguyên lý giáo dục và xây dựng kế hoạch năm học cũng chưa dành một thời gian thích đáng cho việc triển khai thực hiện nguyên lý giáo dục; quy định chế độ làm việc của giáo viên chưa có thời gian liên hệ với cha mẹ học sinh, không có thời gian đi thực tế. Giáo viên chủ nhiệm chỉ tính 4 tiết/tuần chưa đủ làm công việc sự vụ của một giáo viên chủ nhiệm thì còn thời gian đâu mà liên hệ với phụ huynh; giáo viên bộ môn thì chẳng bố trí tiết nào. Chương trình, nội dung dạy học hiện nay quá ôm đồm, coi trọng lý thuyết, xem nhẹ thực hành; lao động sản xuất hầu như lãng quên.
Khi bàn về vấn đề thực hiện nguyên lý giáo dục chắc sẽ có người cho rằng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, phải tập trung bàn về triết lý giáo dục, bàn về đổi mới giáo dục, bàn về dự án này, dự án kia để đầu tư cho giáo dục. Tất nhiên, việc bàn về triết lý giáo dục, bàn về đổi mới giáo dục, bàn về dự án này, dự án kia là cần thiết song những vấn đề tưởng chừng như cũ rích lại là nguyên lý, là những vấn đề mà thực tiễn đã chứng minh là rất đúng đắn, vấn đề đã được đưa vào Luật Giáo dục nhưng ta lại xem nhẹ hay lãng quên để rồi cứ kêu ca chất lượng giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội.
Tôi nghĩ rằng bên cạnh việc nghiên cứu đổi mới giáo dục, chúng ta cần phải tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc nguyên lý giáo dục: học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Th.S NGUYỄN VĂN TÁ
Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên