Dù không diễn ra rầm rộ như các thành phố lớn, nhưng phong trào săn học bổng đang ngày càng mở rộng trong giới học sinh của Phú Yên.
Nguyễn Thảo Vi (chính giữa) tham gia một hoạt động xã hội của trường. |
NUÔI DƯỠNG ƯỚC MƠ
Gần 12 trưa, tôi ghé một trung tâm ngoại ngữ ở TP Tuy Hòa để đăng ký học thêm tiếng Anh, thì gặp một nhóm học sinh đang theo học tiếng Anh để săn học bổng du học vừa rời khỏi lớp. Các em cho biết, sau khi hết giờ học tại trường, thì đến trung tâm để “luyện” thêm tiếng Anh với mục đích nâng cao vốn ngoại ngữ của mình. Võ Ngọc Phương Như (lớp 12 chuyên Anh, Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh) tâm sự: “Em dự định tìm học bổng toàn phần của một trường đại học ở Australia, chuyên ngành thiết kế nội thất, nên đang “tăng tốc” luyện tiếng Anh mong đạt kết quả tốt nhất”. Không chỉ học sinh cấp 3, mà nhiều em học cấp 2 cũng “ấp ủ” giấc mơ du học và từng bước cố gắng để biến giấc mơ thành hiện thực. Đoàn Nguyễn Anh Thư (lớp 8, Trường THCS Hùng Vương) ước mơ đi du học để trở thành một bác sĩ hoạt động cộng đồng, phục vụ xã hội. Anh Thư học tiếng Anh từ lớp 1 và đang bền bỉ rèn luyện ngoại ngữ để có thể “săn” được học bổng tại Mỹ… Khi được hỏi vì sao có ý định săn học bổng du học, các em cho biết muốn tiếp cận điều kiện học tập tốt hơn để có thể phát huy hết khả năng của mình và sau đó sẽ đem kiến thức về phục vụ quê hương.
Song song với việc rèn luyện ngoại ngữ, các em cũng tìm hiểu thông tin về các học bổng mà mình muốn săn như điều kiện, thủ tục đăng ký, chương trình học, những ưu đãi và lợi ích …của học bổng. Ngô Trương Hoài Quy (11 Toán 1, Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh) cho biết, em và các bạn thường đọc báo, vào các trang web của cộng đồng du học sinh nước ngoài, Bộ Giáo dục – Đào tạo, website học bổng; một mặt vừa tìm kiếm học bổng, thông tin về trường học, một mặt cũng trao đổi kinh nghiệm săn học bổng của các anh, chị đi trước.
Theo cô Lê Thị Hải Loan (Trung tâm Ngoại ngữ Cầu Vồng, TP Tuy Hòa), hiện nay học bổng du học rất nhiều và đa dạng, trong đó phổ biến nhất là học bổng trao đổi văn hóa và học bổng toàn phần. Cô Hải Loan cho biết, hiện nay, học bổng trao đổi văn hóa, dành cho học sinh từ lớp 9 đến lớp 11, được xem là dễ săn nhất vì học sinh chỉ cần học lực loại khá và thi chứng chỉ ngoại ngữ SLEP từ 45 điểm trở lên là có cơ hội. Trong khi đó, học bổng toàn phần khó hơn nhiều và nếu muốn săn được thì phải đạt mục tiêu ít nhất là trong 2 năm để phấn đấu. Phổ biến hiện nay là học bổng toàn phần tại Singapore vì thông tin về học bổng Singapore khá nhiều trên internet. Singapore cũng là nước nằm trong cùng khu vực với nước ta, bên cạnh đó, văn hóa cũng không khác biệt nhiều nên du học sinh dễ thích nghi và cha mẹ cũng dễ có điều kiện để thăm con.
Huỳnh Xuân Thạch đang theo học tại Trường Đại học Butler (Mỹ). |
NHỮNG THỢ SĂN LÀNH NGHỀ
Một sinh viên tiêu biểu cho phong trào săn học bổng du học là Phạm Hữu Tín, đang học tại Trường National University of Singapore (NUS) theo chương trình học bổng toàn phần của Singapore dành cho du học sinh nước ngoài. Chị Huỳnh Thị Ninh Kiều (01 Lương Tấn Thịnh, TP Tuy Hòa), mẹ của Tín, cho biết: Từ nhỏ, Tín đã có muốn đi du học nên em đặt mục tiêu cho mình ngay từ cấp 2 và tự thực hiện ước mơ của mình. Tín đã phải sống xa nhà từ năm lớp 10 để vào TP Hồ Chí Minh học sau khi thi đậu vào Trường PTTH Năng khiếu (thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh). Sau 3 năm dùi mài kinh sử, đến lớp 12, Tín nhận được hai học bổng của Đại học Toronto (Canada) và Đại học NUS, nhưng Tín chọn NUS, trường nằm trong top 32 đại học uy tín nhất thế giới. Chị Kiều cho biết, hai năm học vừa qua, kết quả học tập của Tín rất khả quan khi em luôn nằm trong top 5 sinh viên xuất sắc của khoa. Mặt khác, với học bổng này, gia đình không tốn chi phí cho việc học hành của Tín mà thỉnh thoảng chỉ gửi thêm tiền tiêu vặt.
Cũng học tại Singapore, nhưng Nguyễn Thảo Vi (cựu học sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh) săn được học bổng của Trường Ngee Ann Polytechnic, trường công lớn nhất và lâu đời nhất trong hệ thống Polytechnic của Singapore. Vi cho biết, hiện tại em đang học trong điều kiện khá tốt với đầy đủ trang thiết bị vật chất phục vụ cho việc học tập và giải trí sau những giờ học căng thẳng. Học kỳ vừa qua, Vi tiếp tục giành được một học bổng của trường nhờ vào thành tích học tập tốt của mình.
Không thể không nhắc đến Huỳnh Xuân Thạch (hiện gia đình đang sống tại TP Tuy Hòa), được mệnh danh là tay thợ săn học bổng “lành nghề” trong giới học sinh Phú Yên. Em đã đạt nhiều học bổng của Mỹ như University of California – San Diego, Polytechnic Institute of New York University, LA Sierra University, Pudget Sound University… trước khi chọn trường Đại học Butler (tại TP Indianapolis, tiểu bang Indiana), ngành quản lý thông tin (Management Information System). Bên cạnh việc học tập, Thạch còn tham gia vào các hoạt động thiện nguyện và hướng đạo sinh của Mỹ và trợ giảng quản lí thông tin cho trường. Với những hoạt động tích cực của mình, Thạch là một trong số ít du học sinh được cấp thẻ An sinh Xã hội (Social Security Number Card) của Mỹ. Đây cũng là điều kiện để em có cơ hội làm việc trong trường để tích lũy kinh nghiệm và rất có ích cho việc học tập.
Dù số học sinh của Phú Yên giành được học bổng du học còn khá khiêm tốn (theo ước tính chỉ khoảng 1% trong tổng số học sinh), nhưng những tấm gương, cũng như thành tích của các em được xem như là động lực để thế hệ học sinh đàn em phấn đấu, Phú Yên sẽ có nhiều học sinh đi du học và mang kiến thức về phục vụ quê hương như Tín, Thạch, Vi tâm sự: Sẽ trở về để “làm giàu” quê hương, đất nước sau khi tích lũy đầy đủ kiến thức và kinh nghiệm.
TRỌNG HẢO