Thứ Ba, 15/10/2024 13:20 CH
Chống học sinh bỏ học giữa chừng, cách nào?
Chủ Nhật, 08/05/2011 14:00 CH

Tình trạng học sinh bỏ học những năm gần đây là một vấn đề bức xúc của xã hội, làm ảnh hưởng đến việc đào tạo nguồn nhân lực và kế hoạch xây dựng, phát triển kinh tế xã hội của các địa phương. Ngăn chặn bỏ học là một “cuộc chiến” hết sức nan giải và phức tạp.

 

son-hoa110508.jpg

Giáo viên quan tâm đến học sinh để có phương pháp giảng dạy phù hợp được xem là một trong các giải pháp ngăn chặn học sinh bỏ học. - Ảnh: M.DUY

 

HỌC SINH BỎ HỌC NGÀY CÀNG CAO

 

Tại hội nghị giao ban lần thứ hai năm học 2010-2011 vùng thi đua số 4 gồm 10 sở GD-ĐT các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum vừa được Bộ GD-ĐT tổ chức tại Phú Yên, một trong những nội dung được nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm đó là chống học sinh bỏ học giữa chừng.

 

Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam, Trưởng vùng thi đua số 4 Nguyễn Tấn Thắng cho biết: Kết thúc học kỳ 1, toàn vùng thi đua số 4 có 1.022 học sinh tiểu học bỏ học, chiếm tỉ lệ 0,01%, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm học trước. Lâm Đồng là tỉnh không có học sinh tiểu học bỏ học. Tỉnh có tỉ lệ học sinh tiểu học bỏ học nhiều nhất là Đắk Lắk với 2,2%. Cấp THCS, toàn vùng có 5.089 học sinh bỏ học, chiếm tỉ lệ 0,63%, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm học trước. Hầu hết các tỉnh đều giảm tỉ lệ học sinh THCS bỏ học, riêng Lâm Đồng tăng 0,01%. Cấp THPT có 6.012 học sinh bỏ học, chiếm tỉ lệ 1,3%, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm học trước. Hầu hết các tỉnh đều giảm tỉ lệ học sinh THPT bỏ học, riêng Đắk Lắk tỉ lệ bỏ học tăng 0,2%. Tuy học sinh bỏ học giảm so với năm trước, nhưng để ngăn chặn được tình trạng học sinh bỏ học hiện rất khó khăn.

 

 Phát biểu tại hội nghị giao ban, lãnh đạo các sở GD-ĐT đều nhận định nguyên nhân học sinh bỏ học chủ yếu là do học yếu, không theo kịp chương trình, mất căn bản, sinh ra chán nản rồi bỏ học, trong khi đó giáo viên chủ nhiệm không phát hiện kịp thời, nhà trường chưa có biện pháp tích cực để phòng chống học sinh bỏ học; một bộ phận giáo viên năng lực sư phạm còn hạn chế, phương pháp giảng dạy thiếu đổi mới, chưa kích thích được học sinh hứng thú, sáng tạo trong học tập; do nhận thức của một bộ phận cha mẹ học sinh và bản thân học sinh chưa đầy đủ, sâu sắc về lợi ích của việc học tập; gia đình cho con em nghỉ học để giải quyết khó khăn trước mắt của gia đình…

 

Theo nhận định của các đại biểu, ngăn chặn bỏ học là một “cuộc chiến” hết sức nan giải và phức tạp. Vì vậy, việc chống học sinh bỏ học đang được ngành GD-ĐT các địa phương dốc sức giải quyết.

 

NGĂN CHẶN CÁCH NÀO?

 

Để giải quyết tình trạng học sinh bỏ học, thời gian qua Bộ GD-ĐT đã tiến hành những giải pháp như: Khảo sát chất lượng học tập của học sinh định kỳ vào đầu năm học, nắm chắc số lượng và nguyên nhân học sinh học lực yếu kém, học sinh bỏ học; xây dựng và tăng cường bồi dưỡng học sinh yếu kém ở từng môn và phân công giáo viên giúp đỡ kịp thời với những hình thức: trong giờ học, sau giờ học, vào ngày nghỉ, tại lớp, tại nhà… để khắc phục tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp. Trên cơ sở chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, các địa phương đã có nhiều cách làm phù hợp và bước đầu mang lại hiệu quả.

 

Giám đốc Sở GD-ĐT Gia Lai Phạm Ngọc Thạch, cho biết: “Ngành GD-ĐT Gia Lai tổ chức cho gia đình viết cam kết với nhà trường chăm lo các điều kiện học tập, động viên con em đến trường không bỏ học. Đoàn, Đội tổ chức các buổi đố vui để học, phát động phong trào thi đua có sơ kết, tổng kết nêu gương kịp thời những cá nhân đi học chuyên cần, xuất sắc trong học tập và các hoạt động khác. Nhiều trường học đã mời già làng, Hội Cựu chiến binh đến trường nói chuyện với học sinh về truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của cha ông, động viên các em học tập…”. Còn đại diện ngành GD-ĐT tỉnh Kon Tum nói: “Thời gian gần đây, tình trạng học sinh bỏ học ở Kon Tum giảm nhiều là nhờ các trường học tăng cường phối hợp với Đảng ủy, chính quyền, các đoàn thể ở địa phương trong việc vận động học sinh ra lớp; tổ chức giáo viên đến vận động học sinh đi học lại ở từng gia đình; tổ chức cho một số giáo viên học tiếng dân tộc ở địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giảng dạy và vận động học sinh ra lớp; tổ chức dạy học theo hình thức bán trú, tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; phân bổ kinh phí cho việc phụ đạo học sinh yếu kém. Ngành GD-ĐT còn tổ chức tăng cường công tác kiểm tra thực tế ở các cơ sở, nhất là những nơi có học sinh bỏ học nhiều và đã kịp thời chỉ đạo các giải pháp khả thi; hình thành tiêu chí thi đua đối với cán bộ quản lý, giáo viên trong việc khắc phục tình trạng học sinh yếu kém bỏ học”. 

 

Tại Phú Yên, hiện tượng học sinh bỏ học cũng có những dấu hiệu tích cực. Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên Nguyễn Văn Tá cho biết: Xác định nhiệm vụ vận động học sinh đến lớp, học sinh đi học lại, duy trì và nâng cao tỉ lệ học sinh chuyên cần là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn đối với nghành GD-ĐT Phú Yên. Ngay từ đầu năm học, các trường triển khai đồng bộ các biện pháp được xem là thiết thực nhất trong việc chống bỏ học, duy trì tỉ lệ chuyên cần của học sinh, đó là phát động phong trào dạy học bằng tâm huyết của người thầy, bằng tình cảm, lòng yêu thương; phối hợp tốt giữa các lực lượng trong nhà trường, gia đình và xã hội.

 

Để khắc phục tình trạng học sinh bỏ học, các đại biểu cũng đã chỉ ra những giải pháp mang tính khả thi, đó là: các cấp, các ngành, các địa phương cần xác định lại quan điểm của Đảng về công tác GD-ĐT, xem việc học sinh bỏ học là trách nhiệm chung của đảng bộ, chính quyền và xã hội. Và không thể phủ nhận công sức của người thầy trong thuyết phục và giúp đỡ học sinh trở lại trường. Đồng lương thấp nhưng trách nhiệm cao, hai vai người thầy mang nhiều trọng trách: từ đổi mới chương trình cho kịp với xu thế thời đại... cho đến chịu trách nhiệm với hành động của học sinh ở ngoài nhà trường. Trong khi nhiều phụ huynh học sinh sẵn sàng khoán trắng giáo dục nhân cách học sinh cho nhà trường.

 

Theo Trưởng vùng thi đua số 4 Nguyễn Tấn Thắng, nhờ áp dụng những cách làm linh hoạt trong ngăn chặn học sinh bỏ học của các địa phương, tình trạng học sinh bỏ học trong toàn vùng đã giảm. Đây là một tín hiệu đáng mừng và cho thấy các giải pháp ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học của ngành GD-ĐT đang đi đúng hướng.

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek