Thứ Tư, 16/10/2024 01:26 SA
Giáo dục truyền thống cho học sinh
Thứ Ba, 12/04/2011 10:00 SA

Giáo dục truyền thống là một phần không thể thiếu để hình thành và phát triển nhân cách, đạo đức của học sinh. Trong bối cảnh đất nước đang hội nhập ngày càng sâu rộng, việc giáo dục truyền thống dân tộc trong nhà trường càng có ý nghĩa quan trọng.

 

hung-vuong110411.jpg

Học sinh Trường THCS Hùng Vương dâng lễ vật trong lễ Giỗ Tổ Hùng Vương - Ảnh: C.TRƯỜNG

 

GIÁO DỤC  Ý NGHĨA TÊN TRƯỜNG…

 

Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hùng Vương (TP Tuy Hòa) Ngô Đình Thọ cho biết, một loại hình giáo dục mang tính phổ biến của trường là nói chuyện truyền thống dưới cờ cho học sinh toàn trường. Nội dung truyền đạt thường dựa vào chủ điểm sinh hoạt hàng tháng theo các ngày lễ kỷ niệm. Báo cáo viên thường là thầy cô đang trực tiếp giảng dạy những bộ môn có liên quan đến phần nội dung giáo dục truyền thống hoặc có khi nhà trường mời những nhân chứng sống gắn liền với sự kiện lịch sử cụ thể nào đó… Ngay từ đầu năm học, học sinh đầu cấp được nhà trường tổ chức lễ bái và tìm hiểu về vua Hùng ngay tại phòng truyền thống của trường. Năm nào đến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, nhà trường đều tổ chức các hoạt động văn hóa tưởng nhớ công lao các vua Hùng. Ngoài việc giáo dục truyền thống, Trường THCS Hùng Vương còn nhắc nhở học sinh thường xuyên rèn luyện đạo đức tốt, xứng đáng là học sinh của ngôi trường mang tên các vị vua Hùng.

 

Với Trường THCS Lương Văn Chánh (huyện Phú Hòa), các giờ học ngoại khóa rất phong phú vì vị trí trường đóng rất gần di tích lịch sử, tượng đài chiến công, bia ghi danh liệt sĩ núi Sầm, mộ và đền thờ Lương Văn Chánh. Thầy Phạm Chính, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lương Văn Chánh cho biết: “Những giá trị và chuẩn mực đạo đức truyền thống đã được lưu giữ, truyền lại cho các thế hệ học sinh và không ngừng được phát triển qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Do vậy, việc giáo dục truyền thống đạo đức cho học sinh được trường đặc biệt quan tâm, xây dựng thực hiện theo chủ điểm, chủ đề. Qua đó, hướng học sinh ghi nhớ và hiểu sâu về lịch sử địa phương, những truyền thống đấu tranh anh dũng của cha ông; giúp học sinh nhận thấy trách nhiệm của mình với Tổ quốc, với gia đình và xã hội mà trước tiên là trách nhiệm với bản thân trong học tập, lao động”. Nguyễn Thị Hồng Nhung, học sinh Trường THCS Lương Văn Chánh, thổ lộ: “Vào năm học mới, nhà trường hướng dẫn cho tất cả học sinh biết về tiểu sử danh nhân Lương Văn Chánh. Sau đó, trong những giờ học ngoại khóa, giáo viên tổ chức cho chúng em tham quan mộ và đền thờ của vị thành hoàng này. Nhờ thế, chúng em được hiểu tường tận về công lao của vị danh nhân mà trường mang tên”.

 

ÐA DẠNG HÓA HÌNH THỨC TUYÊN TRUYỀN

 

Tăng cường giáo dục truyền thống dân tộc đối với học sinh là góp phần hình thành bản lĩnh, cốt cách con người Việt Nam. Tuy nhiên, lâu nay không ít trường học chưa quan tâm đúng mức và thiếu những hình thức sinh động nên có một bộ phận không nhỏ học sinh nhận thức hết sức nông cạn, hời hợt về truyền thống lịch sử của dân tộc. Để khắc phục tình trạng trên, hai năm gần đây, trong nội dung thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, ngành GD-ĐT yêu cầu các trường tổ chức cho học sinh tham gia tìm hiểu, chăm sóc và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa cách mạng ở địa phương. Bước đầu phong trào này đã mang lại hiệu quả.

 

Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên Nguyễn Văn Tá cho biết sau hai năm thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, học sinh các trường đã tích cực tham gia tìm hiểu, chăm sóc và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng của quốc gia và địa phương. Nhiều trường còn tổ chức để học sinh sưu tầm tư liệu di tích lịch sử. Ngành GD-ĐT đã phân công các phòng GD-ĐT và các đơn vị trực thuộc nhận chăm sóc, bảo vệ 9 di tích, thắng cảnh, 127 di tích cách mạng của địa phương, đài tưởng niệm - nghĩa trang liệt sĩ. Ngoài ra, các trường còn tổ chức thường xuyên thăm hỏi, tặng quà các gia đình liệt sĩ, nhận nuôi dưỡng suốt đời 39 Mẹ Việt Nam anh hùng. Trên cơ sở chăm sóc, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng đã giáo dục học sinh truyền thống cách mạng của quê hương, đất nước và đạo lý uống nước nhớ nguồn. Học sinh đã có ý thức bảo vệ, chăm sóc, giữ gìn các di tích.

 

Để việc giáo dục truyền thống cho học sinh đi vào chiều sâu, Sở GD-ĐT yêu cầu các trường cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền như: sân khấu hóa, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu nhân các ngày lễ lớn. Cần căn cứ vào cấp học, lứa tuổi học sinh mà đưa ra những hình thức tuyên truyền, giáo dục phù hợp. Bên cạnh đó, việc đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng dạy và học môn Lịch sử sẽ góp phần không nhỏ trong việc giáo dục truyền thống, bồi đắp lòng yêu nước cho học sinh.

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Xã hội hóa tin học ở Tây Hòa
Chủ Nhật, 10/04/2011 14:00 CH
Bảy kinh nghiệm khi làm bài thi trắc nghiệm
Chủ Nhật, 10/04/2011 10:30 SA
Trao tổng cộng 4 giải nhất
Chủ Nhật, 10/04/2011 10:01 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek