Thứ Ba, 08/10/2024 21:48 CH
Tri ân các thầy giáo tiền bối của nền giáo dục cách mạng Phú Yên
Thứ Bảy, 20/11/2010 14:00 CH

LTS: Nhân dịp chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), chuyên mục “Phú Yên 400 năm hình thành và phát triển” tạm dừng vài số các bài viết đề cập đến lịch sử Phú Yên thế kỷ XVIII, XIX để giới thiệu bài viết của Nhà giáo ưu tú - tiến sĩ Nguyễn Xuân Đàm “Tri ân các Thầy giáo tiền bối của nền giáo dục cách mạng Phú Yên”. Báo Phú Yên trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

 

thay101120.jpg

Một giờ học của thầy - trò Trường THPT Nguyễn Trãi - Ảnh: T.HẰNG

 

Trong hứng khởi của không khí mùa thu cách mạng, và niềm vui nghề nghiệp, bất giác nhớ câu thơ của Tố Hữu:

 

“Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay

Ra sông nhớ suối, có ngày nhớ đêm...”

 

tôi miên man tâm tưởng về các  bậc tiền bối của nền giáo dục cách mạng Phú Yên.

 

(I)

 

Cụ Hoàng Hữu Sinh, nhà nghiên cứu lịch sử đưa tôi len lỏi trong đám ồn ào, chen chúc của chợ Đầm - Nha Trang rồi bước vào căn hộ số 1.21 chung cư B-nhà bà Phan Ny, con gái của nhà cách mạng quá cố - Thầy giáo Phan Thanh.

 

Vốn chỗ thân tình, cụ Sinh giới thiệu  tôi và nêu yêu cầu của tôi với bà Ny. Khó khăn trong đôi nạng, bà Ny xin lỗi phải đứng nạng để tiếp khách vì mới qua cuộc phẫu thuật do một căn bệnh hiểm nghèo. Khách và chủ đều trong niềm ái ngại và cảm thông.

 

Bằng giọng ấm và trầm, bà Ny từ tốn kể, hồi ba tôi hy sinh, tôi mới một tháng tuổi mà nay tôi đã 80, còn gì! Những điều tôi biết được về ba tôi là qua lời kể của mẹ tôi, nội tôi, các chiến hữu của ba tôi và có cả sự hóa thân của ông trong tôi!

 

Thời niên thiếu ba tôi học rất giỏi. Ông giỏi cả chữ Hán, chữ Pháp. Nhưng hai năm liền ông thi không đỗ bằng Pri-me (Primaire – tương đương bằng tiểu học hiện nay) vì những tư tưởng chống đối chế độ thực dân và Nam Triều trong các bài văn. Hai năm sau đó – năm 1925, ông đỗ đầu khóa Cao đẳng tiểu học tại tỉnh lỵ Sông Cầu.

 

Lúc bấy giờ, ba tôi có mối quan hệ thân thiết với cụ Lê Dư (*), người huyện Điện Bàn, Quảng Nam. Cụ sinh năm 1884 mất 1967. Cụ đậu tú tài, rất giỏi văn thơ, biệt hiệu Sở Cuồng. Ông vào Phú Yên vận động yêu nước, chống Pháp. Xuất dương năm 1908 theo phong trào Đông Du của Phan Bội Châu và về nước năm 1922, ông thường gửi cho ba tôi các sách báo như Nam quốc nữ lưu (1929), Nữ lưu văn học (1930), Phổ chiếu thần sư thiên văn tập (1932), cùng với các nguồn báo chí khác từ Trung Quốc, Pháp…

 

Lòng yêu nước, yêu dân tộc như mạch nước ngầm trong lòng đất khi gặp ngọn suối Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội (VNTNCMĐCH) do cụ Nguyễn Ái Quốc thành lập ở Quảng Châu (Trung Quốc) bỗng chốc vọt trào lên thành dòng thác lớn. Tiếng bom vang dội của người thanh niên yêu nước Phạm Hồng Thái mưu sát tên toàn quyền Béc-lanh ở Sa Diện – Quảng Châu năm 1924, phong trào đấu tranh đòi thả cụ Phan Bội Châu năm 1925, cuộc để tang cụ Phan Chu Trinh năm 1926 đã gặp gỡ được các hoạt động của VNTNCMĐCH và nhanh chóng trở thành một phong trào yêu nước Cách mạng của quần chúng lan rộng cả nước và đến cả Phú Yên. Cùng lúc đó, một số học sinh Phú Yên tham gia bãi khóa ở Hà Nội, Huế, Quy Nhơn, Sông Cầu bị đuổi học. Nhóm thanh niên trai trẻ ấy về quê họp nhau dưới ánh sáng của VNTNCMĐCH. Họ vận động gia đình, bà con lập chi nhánh “Hưng nghiệp hội xã”, chủ trương sản xuất hàng nội, bài trừ hàng ngoại, chấn hưng kinh tế nước nhà. Thực chất, hội là tổ chức thương mại công khai nhưng lại để bí mật gây quỹ cho VNTNCMĐCH. Hội nhanh chóng phát triển mạnh ở Tuy Hòa, Phú Thứ, Bàn Thạch, La Hai, Sông Cầu… Hoạt động của hội có tác dụng tập họp quần chúng khơi dậy lòng yêu nước, ý thức dân tộc, tự lực, tự cường cho các tầng lớp công thương, nông dân, nhất là giới trí thức, giáo chức học sinh trong các nhà trường.

 

Ba tôi vừa hăng hái hoạt động cho Hưng nghiệp hội xã vừa mở trường dạy học ở Năng Tịnh. Có tiếng là người học giỏi, đức độ nên học trò theo học ba tôi rất đông.

 

Năm 1927, thầy Phạm Ngọc Quế, quê ở Nghệ Tĩnh được bổ nhiệm về dạy trường tiểu học La Hai. Thầy Quế là người nắm được điều lệ của VNTNCMĐCH và đã có những liên lạc đầu tiên với ba tôi.

 

(Còn nữa)

------------------------------

(*) Lê Dư - hiệu Sở Cuồng (1884-1967) trên con đường Đông du, ông dừng lại ở Phú Yên một thời gian khá lâu, giao du với nhiều nhân sĩ ở Đồng Xuân. Vợ của ông là Phạm Thị Diệm, người bà con với Phan Thanh, là ông ngoại của Cố giáo sư - Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng.

 

Nhà giáo Ưu tú – TS. NGUYỄN XUÂN ĐÀM

Chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2010

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek