Hè 2006 này, giáo viên (GV) trung học phổ thông ở Phú Yên chuẩn bị học chuyên đề 2 của chương trình bồi dưỡng thường xuyên (BDTX) chu kỳ III. Chương trình diễn ra hằng năm vào tháng 8.
Cái gọi là BDTX, xin được nhận xét sơ bộ thế này: Bán tài liệu cho GV đọc trước, về hình thức giống như giáo trình soạn cho sinh viên rồi thầy từ Huế vào, dạy học cấp tập vài ngày, thi lấy giấy chứng nhận. Xin bỏ qua các đợt BDTX từ trước, tôi muốn nhận xét vài điểm về tài liệu BDTX môn Toán, của các giảng viên ĐH Huế soạn lần này với tiêu đề: “Thiết kế bài dạy học và trắc nghiệm khách quan môn Toán trung học phổ thông”.
Sở dĩ có ý kiến là bởi trong tài liệu nêu rõ: “Thời gian tổ chức biên soạn giáo trình có hạn, song để kịp thời phục vụ cho đợt bồi dưỡng, nên chắc chắn giáo trình còn nhiều thiếu sót. Rất mong được các thầy, cô giáo dạy toán ở các trường phổ thông, các nhà giáo dục toán đóng góp ý kiến để nếu được tái bản lần sau, cuốn sách giáo trình sẽ được hoàn thiện hơn”. Điều đầu tiên là gần 100 trang sách chỉ bàn mỗi phương pháp tổ chức dạy học theo nhóm, nghĩa là nội dung không “kêu” như cái tiêu đề của sách. Tôi nghĩ lạ một điều nữa, chương trình thống nhất từ
Tiếp nữa, giáo trình có hai phần, phần một: “Thiết kế bài dạy học môn Toán trung học phổ thông”; phần hai: “Thiết kế và sử dụng trắc nghiệm khách quan môn Toán trung học phổ thông”. Trong phần một, nhóm tác giả có nêu đề mục: “Những định hướng đổi mới”, tôi đọc từ trang 5 đến trang 12, không tìm ra chỗ nào đổi mới cả, mà chỉ nhắc lại những yêu cầu một bài soạn. Từ trang 21 đến trang 33 bàn về “đổi mới hình thức tổ chức dạy học môn toán”, lại cũng không thấy gì mới và xin trích ngẫu nhiên những đoạn văn sau: “Dạy trực tiếp đặc biệt phù hợp khi dạy một lượng lớn thông tin hay các kỹ năng được xác định rõ ràng mà tất cả học sinh cần phải thành thạo. Nó tỏ ra ít phù hợp khi việc thay đổi và hình thành khái niệm mới là một mục tiêu của tiết học, hay khi khám phá, phát hiện, sáng tạo và phê phán là đối tượng của việc dạy” (trang 22). Câu văn ôm đồm, rối rắm. Việc rèn luyện kỹ năng cho học sinh (HS), không phải dạy trực tiếp như kiểu định nghĩa đã đưa ra. Đoạn văn trên có thể viết gọn là: “Dạy trực tiếp phù hợp khi chuyển tải một lượng lớn thông tin. Nó ít phù hợp khi cần hình thành khái niệm mới” (hết). Trang 27, khi bàn về cách tổ chức học nhóm, có đoạn: “Chia các nhóm 4 học sinh có khả năng hỗn hợp (có nhóm 5 HS khi số HS không chia hết cho 4). Dựa vào điểm kiểm tra đã có trước đây, để xếp hạng HS trong lớp thành bốn phần tương đối bằng nhau về số lượng, những HS dôi ra thì được xếp vào hai phần giữa. Mỗi nhóm gồm 4 HS từ những phần khác nhau”. Tôi nghĩ, chỉ cần viết đơn giản là: “Chia mỗi nhóm gồm 4 HS, có học lực rải đều: giỏi, khá, trung bình và yếu” là đủ ý.
Rất nhiều, rất nhiều những đoạn văn thừa từ, thiếu ý (trang 36, 38, 39, 86,…). Đặc biệt còn nảy ra những cụm từ quái lạ: Kỹ năng xã hội (trang 23), trọng số (trang 61),… chúng đường đột xuất hiện, không hiểu ý tác giả muốn nói gì. Rồi còn trắc nghiệm khách quan, chẳng lẽ còn có thứ trắc nghiệm chủ quan nào nữa?
Trong phần hai, tác giả có bàn đổi mới cách đánh giá và mục tiêu giáo dục toán, từ trang 36 đến trang 50, cũng không thấy mới đâu cả. Thay vào đó, có quá nhiều những câu ngơ ngác như: “Một chú ý quan trọng là kiến thức chỉ khả năng lập lại chứ không phải để sử dụng” (trang 44). Không để sử dụng thì để làm gì?; “Thực hiện đối tượng được đánh giá bởi cá nhân, tập thể thầy giáo và bạn bè” (trang 39).
Tôi tin rằng, sẽ có rất nhiều GV đọc xong tài liệu này và cả bài viết này, đều thốt lên: Biết rồi khổ lắm nói mãi!.
PHÙNG HI