Một mình cháu, riêng tiền ăn sáng một tháng tiết kiệm lắm cũng 90.000 đồng, mỗi môn học thêm, rẻ thì 30.000 đồng, đắt thì 50.000 đồng. Mỗi tháng, tôi tốn ít nhất 300.000 - 350.000 đồng cho cháu” - chị Trần Thị Minh Khánh vừa ngắm đứa con gái 5 tuổi đang hồn nhiên học vẽ tại Nhà thiếu nhi Phú Yên vừa cho biết. Nhà chị Khánh có 4 người, hai vợ chồng làm công nhân nên tổng thu nhập một tháng chỉ trên dưới một triệu đồng, riêng tiền chi cho đứa con gái nhỏ đã chiếm 1/3 thu nhập… Nếu gặp chuyện hiếu, hỉ là mấy tháng liền sau đó, gia đình chị phải lo “chạy ăn” từng bữa. Không chỉ lớp lớn mới tốn tiền học thêm, trẻ em 4 – 5 tuổi bây giờ đã khiến cha mẹ phải “đầu tư” không ít, đặc biệt là ở khu vực thành thị.
Trẻ có năng khiếu hội họa đang được hướng dẫn tập vẽ - Ảnh: M.Thúy
Hiện nay, các ông bố bà mẹ thường băn khoăn không biết tìm cách nào cho con có một mùa hè an toàn, bổ ích. Để cho con tiếp tục với môi trường học tập, thì tìm cô giáo kèm cặp là lý tưởng nhất. Một cô giáo ở Trường TH Lạc Long Quân tâm sự: “Năm nào cũng vậy, cứ đến hè là rất nhiều phụ huynh đề nghị tôi dạy bán trú tại nhà. Có phụ huynh còn gặp riêng và nói: Học phí bao nhiêu cũng được, miễn là con mình được cô giáo dạy dỗ, trông nom”.
Có cầu ắt có cung, bản thân các giáo viên cũng không mặn mà lắm với 3 tháng nghỉ hè nếu các lớp bán trú tại nhà đem lại cho họ khoản thu nhập không nhỏ. Theo nhu cầu của gia đình học sinh, nhiều giáo viên TH mở các lớp học hè bán trú tại gia với mức học phí từ 150.000 – 200.000 đồng/ tháng, tuỳ từng điều kiện ăn, ở. Riêng Nhà thiếu nhi Phú Yên, đây là mùa hè đầu tiên mở lớp học theo hình thức bán trú. Tuy nhiên, không giống như các lớp bán trú tại gia của giáo viên, lớp học của Nhà Thiếu nhi có đặc thù là lớp bán trú năng khiếu. Nghĩa là, trong quá trình dạy và học, giáo viên sẽ phát hiện và tạo điều kiện cho các em phát huy những năng khiếu bẩm sinh. Chính vì thế, ngoài giáo viên dạy chính, lớp học còn có đến 6 giáo viên khác phụ trách các bộ môn năng khiếu như cờ vua, võ, múa, thể dục nhịp điệu, vẽ, luyện chữ đẹp…
Ông Trần Thanh Khải, Phó Giám đốc Nhà Thiếu nhi Phú Yên cho biết: “Đầu tháng 6, lớp bán trú năng khiếu khai giảng chỉ có 15 em. Nay con số đăng ký theo học đã tăng vọt, nhưng do cơ sở vật chất hạn chế nên chúng tôi mới mở được một lớp 40 cháu. Tháng 9 này, chúng tôi sẽ mở thêm 2 lớp nữa”.
Quả thật, cứ mỗi dịp hè là Nhà Thiếu nhi này phải quay vòng tối đa cơ sở vật chất để mở các lớp học, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu quá lớn của thiếu nhi và phụ huynh trong tỉnh. Nhà thiếu nhi đã trở nên quá tải vào mỗi dịp hè, phụ huynh học sinh biết vậy nhưng vẫn cứ muốn nộp đơn đăng ký học cho con. Điều đáng nói ở đây chính là cách lựa chọn môn học cho trẻ. Nhiều khi người lớn cứ nghĩ đơn giản là cho con học như một hình thức… giải trí, họ không kỳ vọng quá nhiều rằng con mình sẽ theo đuổi và học chuyên sâu vào lĩnh vực ấy. Đối với họ, hết 3 tháng hè là xong, học được chút gì hay chút đó, không được thì coi như cho con mở mang và có được chỗ giữ trẻ an toàn. Với các em, mọi điều lại không giản đơn như vậy. Chúng chỉ thực sự tiếp thu được và yêu thích những giờ đến lớp khi giờ học đó phù hợp với khả năng và mong muốn của mình. Tại lớp năng khiếu bán trú của Nhà thiếu nhi, cô giáo vừa lên tiếng: “Các em thích góc học tập nào thì về góc học tập đó” ngay lập tức bọn trẻ tản thành 5 nhóm. Đứa này thích góc phân vai, góc xây dựng, đứa khác thích góc âm nhạc, góc học tập, góc thiên nhiên. Quan sát sự yêu thích của các em, giáo viên sẽ chia thành nhóm để bồi dưỡng năng khiếu cho từng em. Được chơi, được học theo những gì mình thích nên các cô bé cậu bé tuổi 4, 5 này rất thích thú.
Cách dạy này đem lại hiệu quả rất rõ nhưng để nhân rộng mô hình là điều không dễ dàng. Ông Khải nói: “Muốn phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu ở trẻ thì phải có giáo viên năng khiếu, có tâm huyết, có phương pháp sư phạm để hướng dẫn và nhen lên những ước mơ của các cháu. Cộng tác viên ở Nhà thiếu nhi không phải ai cũng làm được điều này. Do đó, chúng tôi phải hợp đồng giáo viên thỉnh giảng. Lấy thu bù chi nên học phí lớp bán trú năng khiếu tương đối cao”. Học phí 150.000 đồng/tháng và tiền ăn 4000 đồng/ngày, vị chi mỗi tháng gần 300.000 đồng/ học sinh, một số tiền không hề nhỏ. Tuy nhiên, chương trình dạy dỗ như thế thì cũng “đáng đồng tiền bát gạo”.
THUÝ HẰNG