Đó là khẳng định của các chuyên gia tại Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2021 trước những băn khoăn của học sinh “học ngành này hay ngành kia để ra trường có việc làm”.
Chọn ngành nghề theo xu hướng việc làm
Bên cạnh nỗi lo làm thế nào để có thể chọn được ngành học phù hợp và tăng khả năng trúng tuyển, một vấn đề được nhiều học sinh, phụ huynh học sinh quan tâm trước thềm tuyển sinh là học ngành nào để không thất nghiệp sau khi tốt nghiệp.
Em Bùi Phương Nguyên, học sinh Trường THPT Ngô Gia Tự (TP Tuy Hòa) hỏi: “Logistics và quản lý chuỗi cung ứng hiện đang là ngành “hot”. Vậy cho em hỏi, liệu 4-5 năm nữa ngành này có còn dễ tìm việc làm như hiện nay”.
Trả lời cho câu hỏi này, PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng Phòng Đào tạo Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, cho hay: Hiện nay, nhiều trường đại học, học viện trên cả nước đào tạo ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, xem đây là một hướng đào tạo đáp ứng xu thế chung phục vụ thị trường thương mại quốc tế. Nhân lực logistics và quản lý chuỗi cung ứng được đào tạo nhằm cung cấp nguồn nhân lực cho thị trường lao động ở lĩnh vực xuất - nhập khẩu, vận tải hàng hóa, thu mua, cung ứng nguyên vật liệu, hải quan…
Đây là lĩnh vực đòi hỏi sự kết hợp khéo léo và có hệ thống kiến thức từ rất nhiều mảng, nhất là các kỹ năng toán học và giải quyết vấn đề, để từ đó người học có thể tích lũy được các kiến thức tổng hợp trong lĩnh vực kinh doanh. Dù hiện nay hay trong tương lai thì ngành học này vẫn luôn cần nhiều nhân lực.
Tương tự, trong tình hình hội nhập toàn cầu như hiện nay, ngành Ngôn ngữ Anh đang thu hút nhiều sự quan tâm của học sinh. Để giúp học sinh vững tin hơn khi chọn ngành học này, TS Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: Ngôn ngữ Anh luôn xuất hiện trong nhiều lĩnh vực như kinh tế đối ngoại, sư phạm ngoại ngữ, marketing, công nghệ thông tin, truyền thông, tài chính ngân hàng...
“Nói chung là ngôn ngữ Anh hiện nay đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống xã hội, nhất là trong tình hình toàn cầu hóa, quốc tế hóa như hiện nay. Vì vậy, đây là một ngành học thực sự rất hấp dẫn”, thầy Hạ nhấn mạnh.
Một ngành học khác cũng được nhiều học sinh quan tâm, đó là Công nghệ ô tô. PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, thông tin: Hiện nay, tại thị trường Việt Nam đã có mặt hầu hết các hãng sản xuất ô tô lớn trên thế giới, điều này kéo theo nhu cầu tuyển dụng lao động trong nước với ngành nghề này gia tăng. Hiện tỉ lệ sinh viên ngành này có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt tới trên 95%.
Cơ hội rộng mở
Theo các chuyên gia tư vấn, hiện các trường đại học đào tạo khoảng 400 ngành trình độ đại học, trong khi số lượng công việc thực tế trong cuộc sống thì gấp nhiều lần. Ngành học nào đang được đào tạo trong các trường đều có nhu cầu trong xã hội.
TS Phạm Tấn Hạ cho rằng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường được xây dựng dựa trên nhu cầu nhân lực, lao động của ngành đó trong khoảng thời gian từ 3-4 năm tới. Vì vậy, các em không nên quá lo lắng về câu chuyện thất nghiệp khi mới chỉ bắt đầu chọn ngành học, trường học. Điều quan trọng hơn cả là các em phải dành thời gian tìm hiểu thật kỹ về ngành học, đừng chọn ngành theo cảm tính… Khi đã chọn được ngành học, trường học thì các em tập trung học tập thật tốt, trau dồi kỹ năng mềm thì không lo thất nghiệp.
Trước quan điểm chọn ngành nghề theo xu hướng việc làm của một số học sinh lớp 12, PGS.TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng Phòng Đào tạo Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cũng nhấn mạnh, các em đừng băn khoăn quá về việc học ngành nào, ở trường nào để tìm được việc làm, cũng như đừng nên quá lo lắng rằng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, học ngành nào sẽ bị thất nghiệp, học ngành nào dễ có việc làm.
Bởi thực tế cho thấy, cơ hội việc làm ở tất cả các ngành nghề đều rộng mở như nhau, quan trọng là năng lực học tập của các em có đáp ứng tốt với sự đòi hỏi của ngành nghề đó hay không. Một khi sinh viên có năng lực chuyên môn tốt, có kỹ năng nghề nghiệp giỏi, có kỹ năng mềm thì chắc chắn sẽ có công việc như ý.
Thực tế cho thấy, cơ hội việc làm ở tất cả các ngành nghề đều rộng mở như nhau, quan trọng là năng lực học tập của các em có đáp ứng tốt với sự đòi hỏi của ngành nghề đó hay không. Một khi sinh viên có năng lực chuyên môn tốt, có kỹ năng nghề nghiệp giỏi, có kỹ năng mềm thì chắc chắn sẽ có công việc như ý. PGS.TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng Phòng Đào tạo Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) |
THÚY HẰNG