Thư viện của mẹ

Thư viện của mẹ

7 năm sau ngày mẹ Việt Nam anh hùng Dương Thị Rau về cõi vĩnh hằng, một thư viện tư nhân mang tên mẹ đã ra đời ở khu phố 5 (64 Ngô Gia Tự, phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa). Thư viện do chính người con trai Phạm Ngọc Hùng lập ra với mục đích chu toàn tâm nguyện của mẹ lúc sinh thời: tiếp thêm ánh sáng văn hóa cho người dân nghèo quê hương...

7 năm sau ngày  mẹ Việt Nam anh hùng  Dương Thị Rau về cõi vĩnh hằng, một thư viện tư nhân mang tên mẹ  đã  ra đời ở khu phố 5 (64 Ngô Gia Tự, phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa). Thư viện do chính người con trai  Phạm Ngọc Hùng  lập ra với mục đích chu toàn tâm nguyện của mẹ lúc sinh thời: tiếp thêm ánh sáng văn hóa cho người dân nghèo quê hương...

thu-vien.gif

Nhiều bạn đọc đến với thư viện của mẹ Việt Nam anh hùng                                                                         

Mới hơn 6h, khi cái lạnh cuối đông chưa kịp nhường cho những tia nắng bình minh ấm áp, trước cửa thư viện tư nhân mang tên  mẹ Việt Nam anh hùng  Dương Thị Rau đã có đông người đứng đợi. Đó là những cụ già hưu trí tập thể dục sáng tiện thể tạt ngang mượn sách về đọc, những em học sinh tranh thủ trước giờ vào lớp ghé giúp dọn dẹp bàn ghế, sắp xếp sách trên kệ cho ngay ngắn.

Từ khi đi vào hoạt động, thư viện đã trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều người dân trong phường. Chính việc gặp nhau hằng ngày, chia sẻ sở thích, đọc sách giữa mọi người đã góp phần khiến cho tình làng nghĩa phố  càng thêm bền chặt. Đặc biệt  vào những dịp cuối tuần, thư viện lại nhộn nhịp hẳn lên bởi nhiều  trẻ em trong các khu phố đều tập trung về đây. Đa số các em đến đọc  đều tự  giác giữ yên lặng, tự tìm cho mình quyển sách ưa thích và chỗ ngồi phù hợp nhằm tránh làm phiền người khác.

Ông Nguyễn Trung, nguyên đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam – “nhà tài trợ” báo An ninh thế giới cho thư viện, cho biết: Khi hay tin ông Hùng có ý định thành lập thư viện tư nhân phục vụ nhân dân, bà con trong phường ai nấy cũng mừng. Trước đây, sau khi tan học,  sắp nhỏ trong khu phố  hay đi la cà đây đó.  Từ  khi có thư viện,  đứa nào đứa nấy  đều rủ nhau đọc sách rồi…

Ý tưởng thành lập thư viện đến từ mẹ Dương Thị Rau, mẹ Việt Nam Anh hùng khi nhìn cảnh con cháu trong phường vì lo bươn chải cuộc sống mà xa rời chuyện học hành. “Giá mà có một chỗ đàng hoàng làm nơi học hành cho con cháu trong xóm phố  thì hay biết mấy(!)”. Từ đó, ý tưởng thành lập một thư viện tư nhân nhằm phục vụ việc mở mang tri thức cho bà con đã hình thành trong đầu và ám ảnh mẹ trong cả bữa ăn lẫn  giấc ngủ thường ngày. Nhưng khi ấy gia cảnh  còn quá khó khăn, tiền phụ cấp cho danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng cũng chỉ đủ ngày ba bữa ăn thì lấy đâu ra kinh phí  để đầu tư lập thư viện?

thu-vien.gif

Trong phòng đọc - Ảnh: XUÂN HUY

Mãi 7 năm sau, con trai Phạm Ngọc Hùng mới có điều kiện chu toàn tâm nguyện dang dở của người mẹ anh kính yêu đã quá cố. Bản thân ông Hùng từng là du học sinh ở Liên Xô (cũ) chuyên ngành cơ khí, với niềm đam mê đọc sách ăn sâu trong máu, nên lúc còn học tập  bên đất bạn, ông đã sưu tầm được một số sách. Sau khi nghỉ hưu, để hoàn thành tâm nguyện cuối cùng của mẹ, ông quyết định xin giấy phép thành lập thư viện tư nhân. Giấy phép cầm trong tay rồi, ông lại đứng trước vấn đề nan giải: lấy đâu ra nhiều sách để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người đọc? Bên cạnh dồn toàn bộ số tiền tích góp cả đời mua được vài trăm cuốn, ông đi  vận động các ban ngành hỗ trợ hơn 250 tờ báo, tạp chí các loại, được Thư viện tỉnh cho mượn 500 cuốn sách trị giá 2 triệu đồng, luân phiên cho mượn 200 cuốn sách các loại trong thời gian từ 3 – 6 tháng. Ông Hùng cho biết: Năm nay, tôi sẽ mua thêm 2000 cuốn sách. Nhưng như thế cũng chỉ như muối bỏ biển so với nhu cầu đa dạng của bạn đọc. Hôm khai trương, Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch)  hứa sẽ tặng  một số sách  trị giá 5 triệu đồng và tôi đang chờ sách chuyển về. Từ tháng 12/2007 vừa rồi, mỗi ngày, Đảng ủy và Ban giám hiệu Trường Quân sự Phú Yên tặng cho thư viện 1 đầu báo Quân đội nhân dân.  Tôi  đang tiếp tục vận động những nhà hảo tâm  đóng góp sách báo cho  thư viện.

Ngày khai trương thư viện, nước mắt ông đã rơi trong niềm vui và  nhiệt tình của bà con  khu phố 5 đến giúp người thay nước bình hoa, người treo ảnh Bác Hồ,  người thì giữ  xe, lau kệ, quét dọn. Nhìn lên di ảnh, ông như thấy mắt mẹ lấp lánh nụ cười đôn hậu…

XUÂN HUY

Từ khóa:

Ý kiến của bạn