Thứ Ba, 22/10/2024 11:20 SA
Giáo viên Ngữ văn trước thách thức của chương trình giáo dục phổ thông mới
Thứ Tư, 31/01/2018 10:34 SA

Một tiết học Ngữ văn của học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi - Ảnh: THÚY HẰNG

Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới cho tất cả các môn học, trong đó có môn Ngữ văn. Đây là một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm sâu rộng của xã hội, đặc biệt là các thầy cô giáo. Từ những trải nghiệm thực tế trong quá trình giảng dạy môn Ngữ văn ở trường THPT, qua theo dõi dự thảo chương trình Ngữ văn mới của bộ, tôi xin trình bày một vài suy nghĩ của mình xung quanh vấn đề này.

 

Những đổi mới tích cực

 

Thực hiện một phép so sánh với chương trình Ngữ văn hiện hành, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra rằng dù không tránh khỏi những bất cập đòi hỏi phải tiếp tục bổ sung, hoàn thiện nhưng dự thảo chương trình Ngữ văn mới của Bộ GD-ĐT đã thể hiện được những đổi mới theo chiều hướng tích cực.

 

Thứ nhất, chương trình được xây dựng theo hướng mở, chỉ yêu cầu bắt buộc một số rất ít những văn bản có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong văn học dân tộc, còn lại tạo điều kiện tối đa để giáo viên linh hoạt, chủ động trong việc lựa chọn nội dung dạy học. Những văn bản được đưa ra trong gợi ý lựa chọn đã được tinh giản nhưng vẫn đảm bảo chất lượng với sự đa dạng về thể loại.

 

Thứ hai, chương trình được xây dựng theo hướng xuất phát từ các phẩm chất và năng lực cần có của học sinh để lựa chọn nội dung dạy học. Nếu như chương trình hiện hành chủ yếu chú trọng 2 kỹ năng: Đọc và viết (đọc hiểu văn bản và tạo lập văn bản), kỹ năng nói và nghe tuy có đề cập nhưng chưa được chú trọng đúng mức thì dự thảo chương trình mới đã tập trung vào cả 4 kỹ năng: Nghe, nói, đọc, viết (ở nhiều mức độ khác nhau).

 

Thứ ba, chú trọng việc dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh, hình thành cho học sinh những năng lực cần thiết nhất để bước vào đời; chuyển từ chỗ dạy cho học sinh “biết gì”, “hiểu gì” sang “có thể tự mình làm được điều gì”; chuyển từ dạy “cái” sang dạy “cách” từ đó phát huy khả năng sáng tạo, khả năng tư duy độc lập của học sinh.

 

Thứ tư, phát huy hơn nữa vai trò chủ động, tích cực của người học. Giáo viên chỉ là người tổ chức, khơi gợi, hướng dẫn để học sinh tự mình khám phá kiến thức và hình thành năng lực. Trong một giờ học, thay vì lắng nghe một cách thụ động, học sinh được quyền bày tỏ chính kiến của mình; được tự do trao đổi, tranh luận dưới sự hướng dẫn của giáo viên.

 

Cơ hội và thách thức cho giáo viên

 

Sự cởi mở, linh hoạt của chương trình mới có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo cơ hội cho người thầy phát huy tối đa sự sáng tạo trong hoạt động dạy học. Người thầy sẽ không phải chịu gò bó trong “những quy trình”, “những công thức” dạy học định sẵn đã trở nên sáo mòn mà hoàn toàn có thể chủ động, tự do trong việc lựa chọn nội dung giảng dạy, lựa chọn hình thức tổ chức, từ đó có thể thăng hoa theo cách của riêng mình.

 

Mỗi giờ dạy Ngữ văn sẽ là một dịp để giáo viên khẳng định, thể hiện năng lực bản thân cũng như thể nghiệm những phương pháp mà mình tâm đắc. Hơn nữa, chương trình mới với những yêu cầu đa dạng sẽ là động lực để người thầy tự đổi mới chính mình, không ngừng đầu tư về kiến thức và đổi mới phương pháp trong giảng dạy.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, chương trình Ngữ văn mới còn đặt những thầy, cô giáo phổ thông trước không ít khó khăn, thách thức. Đa số giáo viên phổ thông hiện nay là những người được đào tạo để phục vụ cho chương trình cũ, họ đã quen với việc giảng dạy theo cách cũ, thêm vào đó, tâm lý “ngại thay đổi” sẽ khiến không ít người cảm thấy bỡ ngỡ, khó khăn, thậm chí lo âu không biết làm cách nào để có thể tiếp cận với chương trình mới.

 

Hơn nữa, việc chương trình đưa thêm vào những văn bản mới, lạ và yêu cầu dạy học theo hướng phát triển năng lực cũng như phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh, đòi hỏi người thầy phải là người thật sự có trình độ kiến thức, đồng thời phải thực sự năng động trong phương pháp giảng dạy. Vì vậy, nếu việc bồi dưỡng giáo viên không được thực hiện một cách nghiêm túc, đồng bộ và có hiệu quả sẽ khó tránh khỏi tình trạng “bình mới rượu cũ”.

 

HỒ TẤN NGUYÊN MINH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek