Theo phương án thi THPT quốc gia 2017 của Bộ GD-ĐT, bài thi Khoa học xã hội sẽ gồm tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân (GDCD). Việc đưa môn GDCD vào bài thi tổ hợp một kỳ thi quốc gia thật sự đã làm cả giáo viên lẫn học sinh bất ngờ.
Theo các trường, môn GDCD ở lớp 12 chỉ có 1 tiết/tuần. Trước đây thì không có vấn đề gì vì môn học này không thi. Nay cơ cấu môn thi đã khác nên ngoài kế hoạch ôn tập môn Lịch sử, Địa lý như những năm trước thì các trường chú trọng hơn đến môn GDCD. Tuy nhiên, do là lần đầu thi mà lại thi trắc nghiệm nên các giáo viên giảng dạy môn học này rất băn khoăn. Theo nhiều giáo viên, những kiến thức của môn GDCD giúp học sinh hình thành những kỹ năng sống cơ bản như: ý thức tổ chức kỷ luật, có thái độ đúng đắn trong nhận thức, biết tôn trọng bản thân và tôn trọng người khác, biết sống trung thực, yêu thương, vị tha và chấp hành pháp luật… Mặc dù có tầm quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách của học sinh trong hệ thống các môn học ở trường phổ thông như vậy, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, chất lượng dạy và học môn học này trong thời gian qua còn nhiều bất cập.
Cũng bởi vì là môn học không thi nên suốt thời gian qua, GDCD được coi là môn phụ trong nhà trường. Học sinh chỉ học qua loa để có điểm, giáo viên cũng dạy cầm chừng, thiếu đào sâu. Phần lớn giáo viên đang giảng dạy môn GDCD chưa được đào tạo bài bản, dạy chéo môn hoặc do giáo viên chủ nhiệm kiêm nhiệm. Vậy nên, việc đưa môn GDCD thành môn thi chính thức của Kỳ thi THPT quốc gia, trước hết sẽ tác động đến cách dạy, cách học môn này. Đối với người học, các em sẽ thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá vai trò của môn học này trong việc trau dồi nhân cách, hoàn thiện bản thân, từ đó xác định đúng đắn động cơ, thái độ học tập. Đối với giáo viên, sẽ phải có những nỗ lực trong việc cải tiến, đổi mới phương pháp giảng dạy để tạo sự hào hứng và cuốn hút học sinh vào bài học. Các nhà quản lý giáo dục cũng có cái nhìn khác, quan tâm hơn cho môn học này.
Quả thật, trước tình trạng học sinh vi phạm đạo đức, thậm chí vi phạm pháp luật đang có chiều hướng gia tăng như hiện nay, việc đưa GDCD làm môn thi như là một tín hiệu góp phần thay đổi cả phương pháp dạy và học môn học này. Những bài học rút ra từ môn học GDCD là hành trang vô cùng cần thiết để học sinh “học làm người”, học để trở thành những người hữu ích cho gia đình và xã hội, trở thành công dân tốt trong tương lai.
Để học sinh học tập tốt môn học này, rõ ràng khâu giảng dạy đóng vai trò rất quan trọng. Vì vậy, Sở GD-ĐT Phú Yên đã kịp thời có hướng dẫn giảng dạy đối với môn GDCD. Theo đó, sở này yêu cầu giáo viên cần thay đổi phương pháp giảng dạy, tránh việc dạy học theo lối đọc - chép, nhìn - chép thuần túy dưới mọi hình thức. Giáo viên phải xác định mục tiêu cuối cùng của bài dạy là học sinh hiểu bài như thế nào qua bài học, chứ không phải là bài dạy phải đầy đủ trình tự các bước, để không “ướt”, “cháy”… giáo án là được. Tùy theo yêu cầu, nội dung của bài học, giáo viên tổ chức hoạt động nhóm cho học sinh. Trong giờ học, giáo viên nên tạo mối quan hệ thân thiện, gần gũi giữa thầy và trò nhiều hơn nữa để góp phần khắc phục tình trạng nhàm chán bộ môn của học sinh. Giáo viên cũng cần quan tâm hơn đối tượng học sinh yếu kém; đồng thời tăng cường hơn nữa việc kiểm tra vở bài tập, bài soạn của học sinh.
MẠNH THÚY