Kỳ thi THPT quốc gia 2016 vừa kết thúc. Theo đánh giá của nhiều giáo viên và thí sinh, vì đề thi THPT quốc gia 2016 có sự phân hóa rất mạnh nên nhiều người dự đoán phổ điểm chênh lệch giữa các thí sinh sẽ đảm bảo phân loại để xét tuyển đại học, cao đẳng (ÐH, CÐ).
Là Tổ trưởng môn Lịch sử Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (huyện Tây Hòa), đánh giá về đề thi môn Lịch sử Kỳ thi THPT quốc gia 2016, cô giáo Nguyễn Thị Cẩm Giang, nói: “Với thí sinh xét tuyển ĐH, CĐ khối C thì đề thi này, các em có thể đạt từ điểm trung bình trở lên. Tuy nhiên, từ điểm trung bình đến điểm 8, 9, 10 cũng sẽ có sự phân khúc. Vì để đạt điểm cao, thí sinh không những thuộc lịch sử mà còn phải biết vận dụng khả năng phân tích, nhìn nhận vấn đề để nêu lên chính kiến của mình. Với đề thi như vậy, điểm thi môn Lịch sử sẽ được chia tương đối đồng đều cho từng nhóm đối tượng”. Tương tự ở môn Toán - môn thi làm nhiều thí sinh lo lắng vì đề thi năm nay khó, thầy Huỳnh Tấn Châu, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh - người có nhiều kinh nghiệm trong bồi dưỡng học sinh giỏi môn Toán, nhận định: Các câu hỏi trong đề thi được chia tương đối đồng đều nhau về số lượng để dành cho từng nhóm đối tượng. Nếu năm 2015, phổ điểm thi THPT quốc gia chủ yếu tập trung ở mức trung bình 5-6 điểm, thì năm 2016, thí sinh có học lực như thế nào sẽ được thể hiện rõ qua phổ điểm. Việc phân loại đúng năng lực học tập của từng đối tượng thí sinh sẽ giúp các trường giảm tải việc phải xét đến các tiêu chí phụ khi các thí sinh không còn “sàn sàn” điểm như nhau”.
Đề thi các môn còn lại như Ngữ văn, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Ngoại ngữ trong Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua cũng được giáo viên và thí sinh đánh giá có sự phân hóa trình độ thí sinh rõ rệt. Theo các trường ĐH, CĐ, thang điểm chuẩn của các trường phụ thuộc vào chất lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường. Nếu nhiều thí sinh đạt điểm cao thì điểm chuẩn sẽ tăng, còn nhiều thí sinh điểm thấp thì điểm chuẩn sẽ giảm. ThS Nguyễn Vân Trạm, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Xây dựng Miền Trung, cho biết: “Việc đề phân hóa sẽ giúp thí sinh và các trường xét tuyển dễ dàng hơn. Cụ thể thí sinh giỏi có điểm cao sẽ mạnh dạn đăng ký ở các trường tốp trên, thí sinh có điểm khá đăng ký xét tuyển ở các trường tốp giữa, thí sinh có điểm trung bình đăng ký xét tuyển ở các trường tốp cuối với điểm đầu vào bằng điểm sàn. Một khi phổ điểm có sự phân khúc thì khâu xét tuyển sẽ không bị rối”.
Điểm chuẩn đầu vào của các trường ĐH, CĐ trên địa bàn tỉnh thường chỉ bằng điểm sàn mà Bộ GD-ĐT quy định. Chỉ có hai ngành Giáo dục tiểu học, Giáo dục mầm non của Trường ĐH Phú Yên là có điểm chuẩn trúng tuyển cao hơn điểm sàn từ 3-5 điểm. Tuy nhiên, năm nay, các ngành thuộc lĩnh vực sư phạm của trường này chỉ được phép tuyển thí sinh trong tỉnh nên điểm chuẩn trúng tuyển vào hai ngành học “hot” này của Trường ĐH Phú Yên được dự báo sẽ giảm nhiệt. Mặt khác, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, thí sinh tham dự Kỳ thi THPT quốc gia năm nay giảm tới gần 20% so với năm 2015, từ tổng số thí sinh dự thi tốt nghiệp đến số thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ. Trong khi chỉ tiêu xét tuyển của các trường ĐH, CĐ không đổi nên cơ hội trúng tuyển của thí sinh năm nay sẽ cao hơn.
Thời gian đăng ký xét tuyển bắt đầu từ ngày 1/8 đến hết ngày 20/10 đối với hệ ĐH và đến hết ngày 15/11 đối với hệ CĐ. Các trường ĐH, CĐ lưu ý, nếu như năm 2015, thí sinh được đăng ký vào 4 ngành trong một trường và có quyền thay đổi nguyện vọng trong đợt xét tuyển đầu tiên, còn năm nay, Bộ GD-ĐT quy định thí sinh chỉ được đăng ký tối đa vào 2 trường, mỗi trường không quá 2 ngành và không được thay đổi nguyện vọng vào trường, ngành đã đăng ký trong đợt xét tuyển. Trong các đợt xét tuyển bổ sung, thí sinh được đăng ký tối đa vào 3 trường, mỗi trường không quá 2 ngành, không được thay đổi nguyện vọng vào trường, ngành đã đăng ký trong từng đợt.
THÚY HẰNG