Để nâng cao công tác bồi dưỡng học sinh giỏi cho các đội tuyển, cần nhiều yếu tố. Trong đó, người thầy giỏi là nhân tố đầu tiên và quan trọng nhất.
Những năm gần đây, công tác bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia gặp không ít khó khăn. Học sinh tỏ ra ít mặn mà với việc thi vào các đội tuyển vì thời gian đầu tư nhiều, áp lực cao. Trong khi đó, hiện nay, đội ngũ giáo viên có bề dày kinh nghiệm, năng lực và tâm huyết với công tác bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi hầu hết đã luống tuổi. Xu hướng những học sinh giỏi ở các trường phổ thông thi vào các trường sư phạm ngày càng ít đi, điều đó càng làm khó cho việc tuyển chọn đội ngũ giáo viên trẻ làm công tác bồi dưỡng học sinh giỏi.
Phụ trách công tác bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi tỉnh dự thi quốc gia hơn 25 năm qua, tôi nhận thấy đây là một quá trình nối tiếp, bàn giao giữa các thế hệ. Để “nâng chất” học sinh giỏi, theo tôi, điều quan trọng nhất là phải có những nòng cốt trong đội ngũ giáo viên trường chuyên các tỉnh, phải xây dựng được những thầy cô giáo thực sự giỏi về chuyên môn, là tấm gương về sự say mê nhiệt tình và sự cống hiến, tạo ra được sự hấp dẫn lôi cuốn đồng nghiệp và học sinh.
Trước hết, người thầy cần phải tạo được niềm tin cho học sinh. Điều này rất quan trọng, vì nếu học sinh có niềm tin ở người thầy của mình thì mới tự nguyện, cố gắng đem hết sức mình để học tập, phấn đấu. Muốn vậy, người thầy cần phải chứng tỏ năng lực thực sự của mình trong mọi mặt, nhất là về chuyên môn bằng một quá trình học hỏi, tìm tòi, sáng tạo. Việc tạo niềm tin cho học sinh còn ở chỗ mình phải thể hiện được là người thầy thực sự của các em. Thông qua các bài toán, dạng đề, chỉ ra cho các em những chỗ nhầm lẫn và cùng các em giải quyết những vướng mắc.
Thứ hai, người thầy phải có lòng nhiệt tình, sự say mê sáng tạo và đức hy sinh. Phải nói rằng nếu làm công tác học sinh giỏi mà không say mê thì hiệu quả sẽ không cao. Không những thế mà người thầy cần truyền sự say mê đó cho nhiều học sinh. Người thầy phải làm sao cho học sinh thấy được cái hay, cái đẹp, cái thú vị của những bài toán, bài văn…
Để những vấn đề mới thầy dạy năm nay không trở thành cái cũ của năm sau, hay có khi lại có ở một tài liệu nào đó rồi, người thầy phải luôn luôn tìm tòi, khám phá để hấp dẫn các em. Điều này rất cần thiết với trường chuyên vì nơi đây có nhiều học sinh có năng khiếu đặc biệt, rất nhanh nhạy và tiếp thu kiến thức tốt. Vì vậy, giáo viên cần xây dựng thói quen cập nhật kiến thức và tham gia nghiên cứu khoa học, tiếp thêm sự đam mê tìm hiểu cái mới cho các em.
Thứ ba, thầy giáo cần phải gần gũi với học sinh, biết cách động viên kích thích lòng say mê, sáng tạo của học sinh. Người thầy nên đặt mình ở một vị thế như người anh, người bạn trong học tập của học sinh, cùng các em giải đề và kịp thời khen ngợi khuyến khích học sinh. Bên cạnh đó, người thầy cần phải hướng dẫn học sinh cách tự học, cách đọc sách bổ sung, mở rộng vấn đề, cách ôn tập và làm bài thi…Người thầy phải luôn thắp sáng ngọn lửa mê say vốn có của học sinh giỏi, dạy các em cách chấp nhận, và mừng vui cho từng giai đoạn trưởng thành của mình.
HUỲNH TẤN CHÂU
Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh