Trong một cuộc hội thảo về công tác xã hội hóa giáo dục được tổ chức mới đây, lãnh đạo một địa phương nọ đặt câu hỏi với một giáo sư cũng là một chuyên gia giáo dục lâu năm: “Chúng ta sẽ xã hội hóa giáo dục đến mức nào?”. Lúc đầu, chuyên gia giáo dục này tỏ ra hơi bối rối và nói rằng “Chúng ta chưa đặt ra cái đích cuối cùng của xã hội hóa giáo dục”. Thế rồi ngay sau đó, vị giáo sư trả lời một cách dứt khoát: “Theo tôi, trước mắt chúng ta xã hội hóa giáo dục đến khi nào không còn khái niệm phân biệt giữa công lập và dân lập!”.
![]() |
Học sinh Trường THPT dân lập Duy Tân trong giờ thực hành môn Sinh học - Anh: Mai Thúy |
Câu trả lời của vị giáo sư trên cũng là một vấn đề đang “nóng” hiện nay của xã hội nói chung, ngành giáo dục nói riêng. Hàng triệu thí sinh đã và đang phân vân trong việc lựa chọn giữa trường đại học công lập hay dân lập để chuẩn bị cho tương lai. Với nhiều thí sinh, nếu thi vào trường công lập thì khả năng đậu không cao, nếu rớt thì lại phân vân không biết có nên vào học trường dân lập hay tiếp tục ôn luyện để năm sau thi tiếp vào các trường công lập.
Ngay trong tuần này, hàng ngàn học sinh ở Phú Yên sẽ biết mình được vào học lớp 10 các trường THPT công lập hay không. Tất nhiên, những học sinh không đạt yêu cầu trong kỳ thi tuyển vào lớp 10 vừa qua sẽ vào học các trường dân lập hoặc bán công.
Phân vân trên xuất phát từ quan niệm về công lập và dân lập đã tồn tại lâu nay, trong đó có vấn đề chất lượng đào tạo và cả mức học phí. Trước đây, người ta đánh giá không cao hệ đào tạo dân lập, nhiều học sinh, phụ huynh cũng không mặn mà với hệ đào tạo này. Nhiều sinh viên tốt nghiệp các trường đại học dân lập cũng gặp khó khăn khi đi tìm việc làm bởi các nhà tuyển dụng thường tỏ ra nghi ngờ chất lượng đào tạo của hệ này. Nguyên nhân chính là do có sự phân biệt ngay từ đầu vào, tức ở khâu tuyển sinh, thông thường thí sinh rớt các trường công lập mới vào dân lập.
Thực tế hiện nay đã khác. Các trường dân lập đang ngày càng khẳng định uy tín qua chất lượng đào tạo và cả siết chặt khâu tuyển sinh. Vừa qua, lần đầu tiên ở Phú Yên, một trường THPT dân lập đã tổ chức thi tuyển vào lớp 10 với những yêu cầu đối với thí sinh còn cao hơn cả công lập. Đó là Trường THPT dân lập Duy Tân (TP Tuy Hòa) tổ chức thi tuyển vào khóa học Ngôi Sao. Mặc dù trường này đặt ra chỉ tiêu chỉ tuyển gần 150 học sinh cho khóa đầu tiên của khóa học Ngôi Sao nhưng đã có hơn 500 thí sinh dự thi. Nhiều người cho rằng Trường THPT dân lập Duy Tân đã thành công lớn ngay kỳ tuyển sinh đầu tiên của khóa học Ngôi Sao với việc thu hút nhiều thí sinh ứng thí là do chính uy tín, chất lượng đào tạo mà trường đã tạo dựng được trong những năm qua. Trường THPT dân lập Duy Tân cũng là một trong hai trường ở Phú Yên- cùng với Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh- có học sinh dự thi và đạt giải cao trong các kỳ thi Olympic trong những năm qua. Tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT và đỗ vào các trường đại học của Trường THPT dân lập Duy Tân cũng không thua kém các trường công lập. Nhiều vị đại biểu HĐND tỉnh Phú Yên cũng đã có nhiều lời biểu dương, khen ngợi đối với Trường THPT dân lập Duy Tân tại kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Phú Yên mới đây khi bàn về vấn đề xã hội hóa giáo dục.
Giáo dục mầm non là bậc học được xã hội hóa mạnh nhất trong thời gian qua ở Phú Yên. Hiệu quả dễ thấy nhất là trong mùa hè này, trong khi nhiều trường mầm non công lập ở TP Tuy Hòa thưa vắng học sinh thì không ít trường mầm non dân lập lại thu hút đông đảo học sinh, trở thành nơi mà rất nhiều phụ huynh tin tưởng gởi gắm con cái. Đây là thực tế mà các trường mầm non công lập cần phải tự nhìn nhận lại mình.
Trên bình diện cả nước, hiện nay nhiều trường đại học dân lập đã và đang đầu tư mạnh về cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo, khẳng định uy tín trong hệ thống giáo dục đại học. Tiến sĩ Huỳnh Bá Lân, quê Phú Yên, hiện là giảng viên Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THPT dân lập Duy Tân, cho biết Nhà nước đã cho phép bỏ từ “dân lập” trong tên của các trường đại học dân lập để tạo sự bình đẳng trong hệ thống giáo dục đại học. Tiến sĩ Huỳnh Bá Lân nói rằng xu thế giáo dục ngày nay trên thế giới chỉ dựa vào chất lượng đào tạo để phân loại trường chứ không còn khái niệm công lập hay dân lập. “Nhiều trường đại học uy tín, nổi tiếng hàng đầu thế giới cũng là những trường dân lập” - tiến sĩ Lân viện dẫn.
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng đã đến lúc phải xóa dần khái niệm phân biệt giữa công lập và dân lập trong hệ thống giáo dục. Tất nhiên, để thay đổi tư duy này không thể một sớm một chiều, càng không thể tuyên truyền suông hay chung chung mà phải cần có những mô hình thực tế về sự đổi mới, chất lượng của giáo dục dân lập.
TẤN LỘC