“18g30 ngày 30/10/1961, Ðảng bộ, quân và dân tỉnh Phú Yên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Bác Hồ và Bộ Chính trị giao: Giải thoát thành công Luật sư Nguyễn Hữu Thọ”. Ðể có được dòng tin vô giá đó, Phú Yên trải qua nhiều khó khăn, gian khổ với ba lần tổ chức thực hiện.
![]() |
Gia đình Luật sư Nguyễn Hữu Thọ khi ở Tuy Hòa năm 1960 - Ảnh Tư liệu
|
Dịp kỷ niệm 16 năm ngày mất cố Chủ tịch - Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (24/12/1996-24/12/2012), tôi mới gặp lại người đã có mặt cả 3 lần tham gia giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Tuổi tác và những năm tháng nằm bụi, ngủ bờ, đói cơm, lạt muối, lội suối, trèo đèo… đang quay lại “đòi nợ” người Trưởng ban Quân báo Tỉnh đội Phú Yên năm xưa, ông Trần Thành Tâm.
Đầu năm 1960, Trung ương Đảng và Khu ủy khu V giao một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng cho tỉnh Phú Yên là: Tổ chức giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ ra khỏi nanh vuốt của kẻ thù.
Khi triển khai giải thoát Luật sư lần thứ nhất, tháng 9/1960, ông Trần Thành Tâm xuống thôn Đại Bình, Hòa Quang cùng với Bí thư Huyện ủy Tuy Hòa Nguyễn Công Minh làm việc trực tiếp với cơ sở, ông Nguyễn Sự và bà Thừa Hoàng để phối hợp chặt chẽ trong nhiệm vụ giải thoát Luật sư ra căn cứ. Theo kế hoạch phối hợp, ông và lực lượng vũ trang sẽ đưa Luật sư về căn cứ. Đợi đến giờ G vẫn không thấy đoàn ra. Chắc chắn có sự trục trặc, ông Trần Thành Tâm rút về căn cứ.
Ngày 20/12/1960, Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập ở bắc Tây Ninh. Người có đủ đức độ và tài năng để đứng đầu Mặt trận được Bác Hồ và Bộ Chính trị lựa chọn là Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đang bị địch quản thúc ở Phú Yên. Khu ủy Khu 5 và Tỉnh ủy Phú Yên được giao nhiệm vụ thực hiện “Kế hoạch chị Ba Nghĩa” (mật danh của kế hoạch giải cứu) đưa Luật sư ra căn cứ bằng mọi giá. Trung ương tăng cường về Phú Yên đồng chí Nguyễn Lầu và đồng chí Bùi Định (Tư Khiêm) để chỉ đạo việc giải thoát Luật sư.
![]() |
Nhân dân, học sinh Phú Yên đón Luật sư Nguyễn Hữu Thọ về thăm lại Phú Yên - Ảnh: P.THANH
|
Lúc này kẻ thù không dám để Luật sư và đoàn Hòa bình ở Tuy Hòa mà chúng đưa trở lại Củng Sơn. Tại đây, chúng kiểm soát hết sức nghiêm ngặt. Mọi hoạt động của Luật sư đều nằm trong tầm ngắm của bọn cảnh sát và mật vụ. Sau khi nắm tình hình thực tế ở Sơn Hòa, đồng chí Nguyễn Lầu gấp rút chỉ thị đồng chí Trần Thành Tâm huấn luyện cấp tốc lực lượng trinh sát, đặc công, xin Khu ủy Khu 5 tăng cường trinh sát, đặc công về Phú Yên. Đêm 18/6/1961, trận tập kích quận lỵ Củng Sơn bắt đầu. Đúng 1g5 ngày 19/6/1961, quân ta làm chủ hoàn toàn quận lỵ. Nhưng thật bất ngờ, kế hoạch đưa Luật sư Nguyễn Hữu Thọ ra căn cứ do đồng chí Nguyễn Lầu giao cho ông không thực hiện được vì Luật sư đã về Tuy Hòa gặp người thân.
Sau 2 lần giải thoát Luật sư không thành, kế hoạch lần thứ 3 được đồng chí Nguyễn Lầu bố trí hết sức chu đáo. Từ việc bố trí cơ sở đi gặp Luật sư đến phương án đưa ra căn cứ đều được đồng chí Nguyễn Lầu tính toán đến từng chi tiết. Đúng theo phương án đã được Luật sư chọn, chiều ngày 30/10/1961, khi đồng hồ điểm 17g30, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ trong bộ bà ba trắng đi xe đạp ra điểm hẹn. Tổ trinh sát đứng sẵn trong thành mộ bà Du Ký vội đưa Luật sư vô tận trong mộ; chiếc xe đạp của Luật sư được đem bỏ xuống bầu Bà Bì. Đón được Luật sư, mọi người miệng cười nhưng nước mắt rưng rưng chảy. Đồng chí Nguyễn Lầu ôm chặt Luật sư, nước mắt rưng rưng như người thân đi xa lâu ngày trở về. Khi qua thôn Cẩm Tú, xã Hòa Kiến, trời tảng sáng, có nhiều mây và mưa phùn, đồng chí Nguyễn Lầu cho anh em nghỉ, ăn cơm vắt. Xong xuôi, mọi người lấy áo mưa Mỹ cải trang thành lính ngụy đi càn. Đồng chí Lầu bố trí lực lượng trinh sát đi trước nói với dân làng là quân đội quốc gia đi lùng, chỉ Luật sư là cố vấn Mỹ. Mọi người trong đoàn cố gắng đi rất nhanh qua vùng nguy hiểm này hướng về xã Sơn Định (Sơn Hòa). Tại đây, lúc 4g30 ngày 01/11/1961, Tỉnh ủy Phú Yên làm lễ đón mừng Luật sư và đưa Luật sư lên ngựa của gia đình đồng chí Phạm Thị Lành về cơ quan Tỉnh ủy ở Phước Tân (Sơn Hòa). Sau đó, đường dây Trung ương đưa Luật sư về căn cứ cách mạng Miền Nam.
Cả 3 lần tham gia giải thoát Luật sư, đồng chí Trần Thành Tâm đều có những đóng góp đặc biệt xuất sắc nhưng chẳng bao giờ ông nói điều ấy cả. Khi tôi hỏi ông về nhiệm vụ giải thoát Luật sư, ông nói: “Việc giải thoát thành công Luật sư Nguyễn Hữu Thọ thể hiện sự quyết tâm, kiên trì, thông minh, táo bạo, kế hoạch chu đáo của quân và dân Phú Yên. Qua các lần giải thoát Luật sư còn cho ta thấy tinh thần sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của quân dân Phú Yên, mà tiêu biểu là những tấm gương kiên trung, gan dạ như anh ba Suối, chị Giác, dù chịu mọi tra tấn cực hình của địch vẫn nhất quyết bảo vệ bí mật cách mạng, bảo vệ Luật sư”.
![]() |
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo tỉnh Phú Yên và các ân nhân tham gia giải thoát Luật sư tháng 3/1993 - Ảnh: P.THANH
|
Trong chiến công chung của Đảng bộ quân và dân Phú Yên, không thể không nhắc đến công đầu của đồng chí Nguyễn Lầu, một người chỉ huy thông minh, linh hoạt và quyết đoán nhưng rất nhân hậu, vui vẻ. Trong điều kiện cấp bách của cách mạng miền Nam đang cần có Luật sư, nhiệm vụ đặt ra cho Đảng bộ, quân dân Phú Yên phải giải thoát an toàn cho Luật sư là hết sức nặng nề. Với cương vị là Tỉnh đội trưởng, người chỉ huy cao nhất của lực lượng vũ trang, đồng chí Nguyễn Lầu đã vạch ra các phương án với rất nhiều tình huống, nhưng vẫn kiên trì kế hoạch giải thoát bí mật. Vì vậy, ông đã thường xuyên nhắc nhở mọi người phải tuyệt đối giữ bí mật, nhiệm vụ ai người đó biết, không để lộ dù là những điều sơ hở nhỏ nhất để kẻ địch không đoán được ý định của ta, nên đến lần thứ 3, kế hoạch đã thành công mỹ mãn.
Ghi nhận công lao và tình cảm của đồng chí Nguyễn Lầu đối với mình, trước ngày về Trung ương Cục miền Nam, Luật sư đã kết nghĩa anh em với đồng chí Lầu, trao chiếc đồng hồ làm kỷ niệm.
Sinh thời, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ từng nói: “Phú Yên là quê hương thứ hai của tôi, là mảnh đất để lại trong tôi nhiều kỷ niệm không bao giờ phai mờ. Tôi luôn luôn hướng về Phú Yên với tình sâu nghĩa nặng… Mảnh đất Phú Yên là nơi kẻ địch quản thúc, giam lỏng tôi và những đồng chí khác trong phong trào Hòa bình Sài Gòn – Gia Định, mà người dân Phú Yên vẫn quen gọi là mấy ông Hòa bình. Qua 6 năm trời ròng rã, đến khi tôi được tổ chức móc nối và được cán bộ, chiến sĩ, đồng bào Phú Yên giúp đỡ đưa ra vùng căn cứ cách mạng, thì những Củng Sơn, Tuy Hòa, Nhạn Tháp, Chóp Chài, Đà Rằng… cùng những tấm lòng yêu nước, gắn bó với cách mạng của đồng bào, đồng chí ở đây, đã thực sự trở thành một phần trong tâm hồn tôi”.
Năm tháng đã đi qua, những biến động của chiến tranh đã và đang trở về trạng thái cân bằng, nhưng trong tâm khảm của mỗi người dân Phú Yên yêu nước, huyền thoại giải thoát Cố Chủ tịch - Luật sư Nguyễn Hữu Thọ luôn sáng mãi.
Nguyễn Thị Kim Hoa