Sáng 15/12, kỳ họp lần thứ 8 HĐND tỉnh khóa V tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường. Sau khi Giám đốc Sở NN&PTNT tiếp tục giải trình những vấn đề về nước sạch, đền bù đất làm thủy lợi, Giám đốc Sở GD – ĐT Trần Văn Chương đã trả lời các kiến nghị của cử tri và chất vấn của đại biểu. Tiếp đó, là phần trả lời chất vấn của Giám đốc Sở Tài Nguyên – Môi trường và Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp phát triển nông thôn Phú Yên.
Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Văn Chương: “Từ năm 2007, ngành giáo dục sẽ huy động các nguồn lực để đẩy mạnh xây dựng mới một số trường học” |
Đại biểu Nguyễn Ngọc Tính (huyện Phú Hòa): “Tôi e việc xây dựng trường học năm 2007 không thực hiện được” |
Trước khi kết thúc phần chất vấn của các đại biểu về lĩnh vực nông nghiệp, Chủ tịch HĐND tỉnh Đinh Thanh Đồng yêu cầu Giám đốc Sở NN & PTNT, phải làm hết chức năng trong việc tham mưu cho UBND tỉnh để sớm giải quyết những tồn tại trong đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đời sống của một bộ phận nông dân đang đối mặt với những khó khăn về nợ vốn vay, giá vật tư tăng cao, trong khi sản phẩm làm ra tiêu thụ bấp bênh với giá thấp, chưa kể bệnh dịch hoành hành, thời tiết khắc nghiệt… Vì thế, lãnh đạo ngành nông nghiệp không được hứa suông, khất nợ, mà cần phải nâng cao vai trò trách nhiệm của mình để giúp dân đầu tư phát triển kinh tế.
GIÁO DỤC: CÒN QUÁ NHIỀU BẤT CẬP
Kỳ họp đã dành phần lớn thời gian buổi sáng cho phần trả lời chất vấn của Giám đốc Sở GD – ĐT Trần Văn Chương. Hai vấn đề nổi cộm của ngành giáo dục mà cử tri và các đại biểu quan tâm tại kỳ họp lần này là nợ tiền lương giáo viên và chất lượng giáo dục đào tạo.
Về nợ tiền lương giáo viên, theo báo cáo chính thức hiện còn nợ 18,3 tỷ đồng, trong đó, khối phòng giáo dục nợ hơn 12,7 tỷ, khối trực thuộc sở khoảng 5,5 tỷ. Theo nguyên tắc phân cấp quản lý tài chính, thì UBND huyện, TP chịu trách nhiệm giải quyết nợ ở cấp mình. Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Trần Văn Chương lý giải: “Sở dĩ có số nợ tồn đọng lớn là do phát sinh tiền dạy tăng thêm giờ, công tác phí và các chương trình phụ khóa (ngoài chương trình chính khóa) để nâng cao chất lượng giáo dục”.
Về chất lượng giáo dục, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết đã có các văn bản quy định về việc dạy thêm - học thêm, đối tượng giáo viên được phép dạy thêm cũng như các quy định về vấn đề “nói không với tiêu cực và bệnh thành tích” trong giáo dục… Một trong hai vấn đề nổi cộm trong ý kiến chất vấn của các đại biểu là thực tế từ loạt bài 26 học sinh ở trường THCS Trần Phú (Sông Hinh) đọc chưa thông, viết chưa thạo mà báo Phú Yên đã phản ánh. Ông Chương thừa nhận đây là một thực trạng đáng lo lắng của ngành giáo dục.
Đại biểu Đặng Thị Minh Liễu (huyện Sông Cầu) chất vấn lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường về việc vì sao không di dời nhà máy titan gây ô nhiễm môi trường nặng ở thôn Phước Lý, thị trấn Sông Cầu - Ảnh: N.LƯU
Đại biểu Nguyễn Thái Học (huyện Sông Hinh), bày tỏ bức xúc: “Vấn đề 26 học sinh ở huyện Sông Hinh chưa đọc thông viết thạo là một thực trạng đáng buồn, nhưng sự việc được thông tin rộng rãi trên báo chí trong thời điểm ngành giáo dục cũng như toàn xã hội nói không với tiêu cực và bệnh thành tích là tín hiệu đáng mừng. Vì vậy, ngành giáo dục cần có đánh giá nghiêm túc hơn, phân tích, rà soát toàn diện về chất lượng học sinh, vì chắc chắn là không chỉ học sinh ở Sông Hinh “ngồi nhầm” lớp”. Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (huyện Đông Hòa) đồng tình: “Tôi được biết, không chỉ học sinh miền núi mà ở khu vực đồng bằng vẫn có hiện tượng này. Chúng ta không thể chỉ nhìn nhận “đau lòng” rồi thôi, mà phải tự “mổ xẻ” để phát triển tốt hơn”.
Buổi chất vấn càng nóng lên khi đại biểu Trịnh Thị Nga hệ thống lại vấn đề: “Ngành Giáo dục có bị “hỏng chân” hay không, khi mà chuyện nợ tiền lương giáo viên kéo dài nhiều năm liền, trong khi tài chính báo cáo chi đúng, chi đủ? Vì sao giáo viên có chỗ thừa chỗ thiếu để phải dạy tăng thêm? Vì sao báo cáo của ngành luôn cho thấy việc kiểm tra đôn đốc là thường xuyên, chất lượng giáo viên không ngừng được tăng lên cả về chất lượng lẫn số lượng mà vẫn xảy ra tình trạng học sinh lớp 6 không đọc thông viết thạo? Giáo viên có biết không? Ngành giáo dục có biết không? Đây không phải là một hiện tượng tức thời mà nó kéo dài cả một quá trình, chí ít cũng 6 năm”.
Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Văn Chương thừa nhận thực tế này là có phần “lỗi” của Sở Giáo dục, nhưng cũng có một phần trách nhiệm của các phòng giáo dục, UBND các huyện, TP trong vấn đề để nợ lương, phân bổ giáo viên cấp THCS, Tiểu học, Mầm non. Thời gian tới, ngành giáo dục sẽ nghiêm túc rà soát, khắc phục sớm nhất trong khả năng có thể.
Có tới 6 đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục nêu lên những tồn tại bức xúc trong ngành giáo dục. Thay cho câu hỏi, đại biểu Nguyễn Thành Quang trực tiếp chuyển đơn tập thể của 17 giáo viên ở 10 trường học tốt nghiệp chính quy, đi dạy đã 6 năm nhưng không được vô biên chế. Giám đốc Sở GD – ĐT tiếp nhận và hứa sẽ giải quyết.
PHẢI ĐÌNH CHỈ HOẠT ĐỘNG CÁC NHÀ MÁY, CƠ SỞ SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP, NẾU GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG
Phần chất vấn và trả lời chất vấn của Phó Giám đốc phụ trách Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Kim Phúc chủ yếu xung quanh 13 ý kiến của cử tri về những vấn đề như vi phạm sử dụng đất đai, sản xuất gây ô nhiễm môi trường… Ông Phúc thừa nhận loạt bài trên Báo Phú Yên phản ánh về thực trạng ô nhiễm môi trường từ các nhà máy, khu công nghiệp, cụm công nghiệp… và phản ánh của nhiều cử tri là hoàn toàn đúng. Trong thời gian qua, ngành đã nỗ lực kiểm tra và xử lý vi phạm ở một số cơ sở, đồng thời yêu cầu các nhà máy phải đánh giá tác động môi trường trước khi sản xuất. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều cơ sở chưa xử lý triệt để ô nhiễm môi trường (như nhà máy sắn Sông Hinh, cụm công nghiệp Hòa An…) làm ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân địa phương.
Về ý kiến chất vấn của đại biểu Đặng Thị Minh Liễu: “Nhà máy titan ở thôn Phước Lý, thị trấn Sông Cầu, vẫn hoạt động quá giờ quy định, gây tiếng ồn, bụi và nhập hàng cả đêm làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của dân, nhưng vì sao ngành chưa xử lý?”. Phó giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Kim Phúc cho biết: Ngày 7/12, sở đã tiếp tục kiểm tra cơ sở này, lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu nhà máy thực hiện nghiêm túc Luật Bảo vệ môi trường, không được hoạt động hai máy đãi quặng và hai máy tĩnh điện gần nhà dân; đồng thời, yêu cầu dừng hoạt động khi đã chế biến hết lượng quặng còn tồn đọng tại nhà máy. Sở đã yêu cầu nhà máy này lập phương án dời đến vị trí mới, nộp cho sở trước ngày
Các đại biểu Trần Hoa, Phan Văn Hào nói rằng, trong những năm qua Phú Yên thu hút đầu tư phát triển công nghiệp rất lớn, trong khi đó, vấn đề xử lý môi trường chưa được chú trọng. Vì vậy yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục kiểm tra và có giải pháp xử lý triệt để ô nhiễm ở các nhà máy.
Chủ tịch HĐND tỉnh Đinh Thanh Đồng kết luận: “Vấn đề ô nhiễm môi trường đã phản ánh trong nhiều kỳ họp HĐND, gần đây người dân lại liên tục gửi đơn kiến nghị xử lý ô nhiễm các nhà máy. Vì thế, ngành cần tăng cường quản lý, phải kiên quyết đình chỉ hoạt động các nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp, nếu gây ô nhiễm môi trường”.
Phó giám đốc Sở Tài nguyên môi trường ghi nhận ý kiến, hứa sẽ triển khai nhanh các biện pháp khắc phục; đồng thời, yêu cầu các ngành chức năng và địa phương tham mưu cho UBND tỉnh khi duyệt địa điểm đầu tư công nghiệp phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Từ năm 2007, UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm quản lý môi trường ở địa phương mình, không cấp phép hoạt động khi nhà máy chưa xác lập tác động môi trường.
Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp phát triển nông thôn Phú Yên Nguyễn Ninh cho biết đã chỉ đạo các chi nhánh huyện, thành phố thực hiện điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ, dãn nợ cho các hộ nông dân bị thiệt hại trong nuôi bò, nuôi tôm vừa qua.
Riêng việc khoanh nợ, xóa nợ đối với hộ nông dân bị thiệt hại phải do Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định từ báo cáo kiến nghị của UBND tỉnh.
THẾ NHƠN – LƯU PHONG