Là Tổng bí thư những năm 1938-1941, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã có những cống hiến quan trọng trong lãnh đạo phong trào cách mạng. Nổi bật nhất là tổ chức Hội nghị Trung ương 6 tháng11/1939 mở ra phương hướng mới trong chỉ đạo chiến lược, đưa vấn đề giải phóng dân tộc lên trên hết và cống hiến về tư tưởng, lý luận đối với nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng bằng tác phẩm nổi tiếng Tự chỉ trích.
![]() |
Tượng đài cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ trong Công viên văn hóa mỏ than Mạo Khê (Quảng Ninh)
|
Trên cương vị Tổng bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Cừ có sáng tạo lớn và rất nhạy bén trước những biến động của tình hình thế giới và phong trào cách mạng Việt Nam. Chủ trì và khởi thảo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ chỉ rõ: Hiện nay tình hình có đổi mới. Đế quốc chiến tranh, khủng hoảng cùng với ách thống trị phát xít thuộc địa đã đưa vấn đề dân tộc thành một vấn đề khẩn cấp rất quan trọng…
Đứng trên lập trường giải phóng dân tộc, lấy quyền lợi dân tộc làm tối cao, tất cả mọi vấn đề của cuộc cách mệnh, cả vấn đề điền địa cũng phải nhằm vào cái mục đích ấy mà giải quyết. Nghị quyết Trung ương 6 nêu rõ: Mở rộng và nâng cao tinh thần dân tộc…, đặt quyền lợi dân tộc lên trên các quyền lợi khác, thống nhất lực lượng dân tộc, đó là điều kiện cốt yếu để đánh đổ đế quốc.
Chúng ta biết rằng đến Hội nghị Trung ương 8 tháng 5/1941 do Bác Hồ chủ trì đã đặt vấn đề giải phóng dân tộc lên trên hết, càng cho thấy tư duy sắc sảo và tầm nhìn xa rộng của Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ.
Đối với nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ đã có cống hiến lớn bằng tác phẩm Tự chỉ trích. Đồng chí viết tác phẩm này với tinh thần tự phê bình của người đảng viên cộng sản, phải kiên định con đường cách mạng của Đảng, chống chia rẽ, bè phái trong Đảng và “bao giờ sự chỉ trích cũng là tự chỉ trích bôn sơ vích, nghĩa là để huấn luyện quần chúng và giúp đảng viên tự huấn luyện...”.
Đồng chí nói rõ về nguyên tắc đối với người đảng viên cộng sản trong phê bình và tự phê bình: Phê bình Đảng là để thống nhất tư tưởng, để rèn luyện mình, để đề cao uy tín và ảnh hưởng của Đảng nhằm làm cho Đảng ngày càng mạnh và cách mạng ngày càng phát triển. Muốn vậy trong phê bình phải nắm vững mục đích xây dựng Đảng, xây dựng đồng chí mình, không được đả kích hoặc cường điệu những sai lầm khuyết điểm của đồng chí mình. Có thể nói, nguyên tắc tự phê bình và phê bình mà đồng chí Nguyễn Văn Cừ nêu trong tác phẩm Tự chỉ trích là nguyên tắc phê bình và tự phê bình của Đảng ta, là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng, là vũ khí sắc bén để xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng vững mạnh.
Trong khi cách mạng đang phải vượt lên những khó khăn và chuyển vào giai đoạn mới thì Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ bị bắt và quân thù đã xử bắn đồng chí vào ngày 28/8/1941. Năm ấy đồng chí mới 29 tuổi. Với 13 năm hoạt động cách mạng, trong đó 3 năm làm Tổng bí thư, với những cống hiến xuất sắc cho Đảng và cách mạng, đồng chí là một tấm gương sáng ngời của người cộng sản cống hiến trọn đời cho Đảng, cho dân.
Hiện nay, toàn Đảng đang thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay, trong đó giải pháp hàng đầu là thực hiện tự phê bình và phê bình, cấp trên làm trước và làm gương để xây dựng, chỉnh đốn lại Đảng. Để tạo bước chuyển biến thật sự đối với công tác xây dựng Đảng, góp phần thực hiện có kết quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 về xây dựng Đảng, sử dụng vũ khí sắc bén và hiệu quả là tự phê bình và phê bình, mỗi người đảng viên dù ở cương vị nào, các tổ chức đảng từ chi bộ lên đến cấp cao, cũng nên ôn lại và quán triệt sâu sắc tác phẩm Tự chỉ trích, ra sức làm tròn trách nhiệm của người đảng viên mà tổ chức đảng giao phó, thật thà tự phê bình và phê bình, tự giác phấn đấu và sửa chữa sai lầm, khuyết điểm để tiến bộ không ngừng, giữ vững và xứng đáng với danh hiệu đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
TS. PHẠM VĂN KHÁNH