Thứ Ba, 08/10/2024 23:48 CH
Một thời đói muối
Thứ Hai, 27/02/2012 18:00 CH

Trong hai năm 1960-1961, lực lượng cách mạng phát triển nhưng trong kho không có hạt muối. Mỗi bữa ăn phải dùng lá chua cây chành ngạnh thay muối, nuốt không trôi nhưng ai cũng phải ráng. Rồi anh em lấy rễ tranh đốt thay muối mặn. Mỗi lần đi công tác xuống làng đồng bào dân tộc thiểu số ở buôn Ma Lố, trưởng buôn nói: “Cách mạng ơi! Cán bộ ơi! Cho chúng làng viên thuốc mặn. Trẻ em khóc thâu đêm cả làng đau bệnh bị chết thôi, chết không phải do bom đạn địch mà do không có muối”. Tôi có lần gặp đồng chí Tám Yên (tức Lương Thúc Mậu) – Tỉnh ủy viên, Trưởng ban Tuyên huấn tỉnh Phú Yên, đồng chí nói: “Ái ơi cho tao một hột muối để trong chân răng the the mằn mặn cái mồm”.

ai2120227.jpgLòng càng day dứt trăn trở khi hàng nghìn cán bộ, bộ đội, nhân dân vùng căn cứ hàng ngày hàng giờ trong chờ hạt muối. Nếu khai thông được cửa khẩu thì mới có đủ muối ăn.

Nhớ lại trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Phú Yên sản xuất hàng vạn tấn muối, không chỉ đủ ăn mà còn dự trữ, ngoài ra còn chi viện cho Đắk Lắk, Khánh Hòa, nam Gia Lai. Bây giờ tìm hột muối khó quá!

Đồng chí Văn Công bàn với tôi: Ta lên Khu 7 Gia Lai mượn tạm một ít về ăn cho đỡ ngặt. Tôi với đồng chí Tư Nóc (Nguyễn Thẳng), Trưởng tiểu ban sản xuất đi cùng với hai cán bộ nữa. Định mượn cho được 5 tạ, nhưng các đồng chí Kinh tài Khu 7 chỉ cho mượn 1 tạ. Bốn anh em mang về. Cán bộ nghe có muối thì rất mừng.

Địch phong tỏa, đánh phá dai dẳng các hành lang từ căn cứ xuống vùng giáp ranh đồng bằng nên việc đi lại giao lưu giữa hai vùng càng khó khăn. Tháng 4/1962, Ban Tài mậu tỉnh tổ chức đội vận chuyển muối gồm 15 thanh niên khỏe mạnh, biết bơi, người huyện Tuy Hòa 1, thạo đường xá đi lại, trang bị mỗi người một bao bột mì, phân chia 2 toán. Đồng chí Nguyễn Kỳ Viết quê ở thôn Phú Lạc, xã Hòa Hiệp làm trưởng đoàn. Từ căn cứ Phước Tân, anh em theo đường giao liên đường 7, sông Ba, sông Chống Gậy, sông Bánh Lái men theo dãy núi Tuy Hòa 1, bắc đèo Cả vượt quốc lộ 1, đường sắt xuyên Việt và các đồn bốt địch để đến bãi Xép - căn cứ lõm của xã Hòa Hiệp nhận muối do vận động bà con Phú Lạc ủng hộ. Mỗi chuyến mang về Phước Tân được 500kg, phân chia cho mỗi cán bộ, bộ đội 3/4 lon sữa bò, đồng bào vùng căn cứ 1/4 lon sữa bò ăn cho đỡ lạt miệng. Mỗi chuyến đi và về mất 10 hôm, nếu gặp địch càn thì mất cả tháng.

Bà cụ Thừa Hoàng ở Văn phòng Tỉnh ủy nhận được 3/4 lon muối, bèn lấy thìa US lường 3/4 lon muối để ăn trong một tháng. Nhiều cuộc hội nghị ở tỉnh bao giờ cũng có câu “Phải mang theo muối ăn”.

Một quyết định táo bạo được thực hiện ngay để gỡ bí. Ban Tài mậu cử đồng chí Dương Thành Dũng, cán bộ Thương nghiệp xuống bám dân ở vùng 1 An Định (Tuy An) và ấp Rượu, Xuân Sơn (Đồng Xuân) xây dựng cơ sở tiểu thương từ vùng địch kiểm soát lên vùng giáp ranh gạo, mắm, muối, cá, vải, thuốc chữa bệnh được đưa lên từ đó. Ta mua hàng ngày 10 ký rồi 20 ký, 30 ký. Chuyện lạt muối đã được giải quyết ổn thỏa hơn.

Rút kinh nghiệm từ thực tiễn ở cửa khẩu vùng 1 An Định và cửa khẩu ấp Rượu Xuân Sơn, ngành thương nghiệp triển khai ở các cửa khẩu Tuy Hòa 1, Tuy Hòa 2, đồng thời xoi luồng đưa muối từ đồng muối Tuyết Diêm (Xuân Lộc), Lệ Yên, Trung Trinh (Xuân Phương) lên. Số chuyển bằng đường biển, số đi theo đường bộ, lượng muối khá và có đều ở các cửa khẩu.

ai120227.jpg

Đồng chí Nguyễn Hữu Ái - Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy cơ bản (bìa trái) và đồng chí Nguyễn Duy Luân - Bí thư Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy tiền phương (bìa phải) cùng Tỉnh đội trưởng Ông Văn Bưu, phái viên QK V Kim Anh và Ủy viên BTVTU Phạm Hồng Quang trong chiến dịch giải phóng Phú Yên mùa xuân năm 1975

Đến năm 1964-1965, Phú Yên giải phóng rộng, thu hẹp phạm vi kiểm soát của địch, chỉ còn tám cụm cheo leo (thị xã, thị trấn, quận lỵ). Chiến lược Chiến tranh đặc biệt đã bị phá sản.

Tỉnh kịp thời có chủ trương: Tận dụng thời cơ khai thông cửa khẩu muối Tuyết Diêm, Lệ Uyên, Trung Trinh; huy động mọi lực lượng: Bộ đội, cán bộ các ngành Dân, Chính, Đảng xuống tận ruộng muối lấy muối về ăn và dự trữ cho đơn vị mình. Lực lượng vận chuyển thương nghiệp chuyên lo thu mua vận chuyển muối về căn cứ dự trữ lâu dài. Các đồng chí ở huyện Vân Canh (Bình Định) cũng lấy muối ở đồng Tuyết Diêm, tổ chức một số đồng bào ở Tầm Tướng, Đa Lộc… xuống đồi Dốc Tranh, Lệ Yên nhận muối do đoàn vận chuyển của thương nghiệp giao, mang về ăn và san sẻ cho đồng bào ở địa phương. Để bảo đảm an toàn cho lực lượng lấy muối, bộ đội chốt giữ 2 đầu ở Xuân Lộc vào Tuyết Diêm và thị trấn Sông Cầu ra đồng muối Lệ Uyên, Trung Trinh.

Trong một thời gian, ta huy động hàng trăm tấn muối cho tỉnh có ăn, có dự trữ và còn giúp Đắk Lắk, Khánh Hòa, nam Gia Lai, Vân Canh. Cách mạng đã giải quyết cơ bản nạn đói muối. Đồng bào, cán bộ, lực lượng vũ trang rất phấn khởi, bỏ chế độ tiêu chuẩn khắt nghiệt 3/4 lon, 1/4 lon. Bây giờ muối ăn được dự trữ để cán bộ chiến sĩ đối phó với thời kỳ Chiến tranh cục bộ và chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của địch.

Hạt muối trong thời kỳ chiến tranh phải đổi bằng mồ hôi, nước mắt và cả xương máu. Nhiều đồng chí đã hy sinh như Trương Liểm, Nguyễn Văn Thắng, Lê Hồng Ca, Hồ Thi, Nguyễn Kiên, Lê Bác, Nguyễn Thang, Nguyễn Mai, Nguyễn Hồng Sơn, Đỗ Đức Nhuận…

 

NGUYỄN HỮU ÁI

Nguyên Trưởng ban Kinh tài Tỉnh ủy Phú Yên trong kháng chiến chống Mỹ

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek