Thứ Năm, 28/11/2024 13:47 CH
Góp tiếng nói đấu tranh đòi công lý chung bàn tay xoa dịu nỗi đau
Thứ Tư, 09/08/2006 07:55 SA

Nhân dân thế giới từ lâu đã lên án những kẻ sản xuất, mua bán, sử dụng các chất độc để hủy hoại môi trường sống, đầu độc giết hại con người. Cộng đồng quốc tế cũng đã có các hiệp định, công ước cấm sử dụng vũ khí hóa học.

 

Vậy mà, để giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh xâm lược, cùng với các thứ vũ khí hủy diệt khác như bom na-pan, bom bi…, từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã phun, rải 80 triệu lít chất độc hóa học (chúng gọi là chất diệt cỏ) trong đó có hơn 45 triệu lít chất độc màu da cam có chứa đi-ô-xin là hóa chất rất độc hại.

 

Mức độ thảm khốc đối với con người mà chất độc da cam đi-ô-xin gây ra vượt xa những gì mà loài người đã biết về hậu quả của tội ác chiến tranh. Hơn 40 năm đã qua, nhưng chất độc màu da cam còn tiếp tục gây tác hại nặng nề đến đời sống người Việt Nam, thế hệ trực tiếp chống Mỹ cứu nước và con, cháu họ. Có những gia đình cả cha, mẹ và các con đều là nạn nhân của chất độc da cam/đi-ô-xin. Sự đau đớn về thể xác và tinh thần của họ thật quá sức chịu đựng của con người.

 

Theo thống kê ban đầu, nước ta có khoảng 4,8 triệu người nhiễm chất độc da cam. Riêng tỉnh Phú Yên có 9.739 người (hiện còn sống 8.518 người) trong đó có 1.510 em bé dưới 16 tuổi là nạn nhân của chất độc da cam.

Ngày 31-1-2004, Hội nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam đã phát đơn kiện 37 công ty sản xuất hóa chất Mỹ cung cấp, chất độc hóa học cho quân đội Mỹ dùng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, đòi họ phải có trách nhiệm giải quyết các hậu quả mà chất độc da cam/đi-ô-xin gây ra đối với con người và môi trường Việt Nam. Đáng tiếc là ngày 10-3-2005 tòa án liên bang Mỹ đã bác đơn kiện của Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam với lý do “chưa đủ chứng cứ khoa học thuyết phục…”.

 

Chứng cứ khoa học ư? Chẳng lẽ các ngài ở tòa án liên bang Mỹ không biết đến, hoặc cố ý không biết đến, các bản báo cáo mà các nhà khoa học Việt Nam và thế giới, trong đó có Viện Hàn lâm khoa học Hoa Kỳ đã công bố chính thức 13 căn bệnh có liên quan đến chất độc da cam mà chủ yếu là các bệnh ung thư, thần kinh, dị tật bẩm sinh…

 

Ngay từ năm 1996, Tổng thống Mỹ B.Clintơn đã thừa nhận những tác hại mà chất độc da cam tác động lên các quân nhân Mỹ trong chiến tranh Việt Nam và tuyên bố sẽ bồi thường cho họ. Các công ty hóa chất Mỹ cũng đã lập ra một quỹ y tế xã hội để trợ cấp cho những quân nhân Mỹ bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin trong chiến tranh Việt Nam. Như vậy, trên thực tế, Chính phủ Mỹ và các công ty sản xuất hóa chất Mỹ đã phải nhận trách nhiệm và hậu quả mà họ đã gây ra. Thật là phi lý khi người đi rải chất độc thì được bồi thường khi bị trúng độc, còn người trực tiếp hứng chịu chất độc đó thì lại bị khước từ?

 

Trong thư gửi các nạn nhân chất độc da cam nhân “Ngày vì nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam” (10 tháng 8) Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã viết: “Nỗi đau của nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam là nỗi đau chung của nhân dân Việt Nam và cũng là nỗi đau của nhân loại tiến bộ trên thế giới”. Minh chứng cho nhận định này của Chủ tịch nước ta là sau khi lời phán quyết phi lý do Tòa án Liên bang Mỹ đưa ra, dư luận thế giới ngay lập tức phản đối quyết định sai trái đó, đồng thời đẩy mạnh cuộc vận động ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đòi thi hành công lý. Tại Mỹ, Anh, Pháp và nhiều nước khác đã hình thành các tổ chức mang tên “Vận động cứu trợ và trách nhiệm cho nạn nhân da cam Việt Nam”, hứa cùng Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam tiến hành vụ kiện cho đến khi nào giành được công lý. Ngày 11-3, tại phòng họp của Thượng viện Pháp tại Pa-ris, trong Hội nghị quốc tế về hậu quả chất độc da cam/đi-ô-xin ở Việt Nam, 250 nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội, môi trường đến từ hơn 100 quốc gia, một lần nữa khẳng định những tác hại to lớn của chất độc da cam/đi-ô-xin, chẳng những đối với nhân dân Việt Nam, mà cả đối với các binh sĩ Mỹ, Hàn Quốc, Niu-di-lân, Úc… đã từng tham gia chiến tranh xâm lược Việt Nam.

 

Cuộc đấu tranh đòi công lý của Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam còn nhiều khó khăn, phức tạp. Trước mắt với tinh thần: “nhiễu điều phủ lấy giá gương”, hoạn nạn cùng sẻ chia, nhân dân cả nước cũng như nhân dân Phú Yên chúng ta đang quyên góp, ủng hộ, giúp đỡ, sẻ chia gánh nặng thể chất và tinh thần góp phần xoa dịu nỗi đau của các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin, tạo thêm điều kiện để các nạn nhân được điều trị, phục hồi chức năng, vượt qua bệnh tật, hòa nhập cộng đồng.

 

BẰNG TÍN

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek