(Trích diễn văn do đồng chí ĐÀO TẤN LỘC, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên đọc tại lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ)
Hội thảo khoa học “Luật sư – Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ với Phú Yên” nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Luật sư – Ảnh: K.CHI
(...) Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, bí danh là Ba Nghĩa, sinh ngày 10/7/1910 trong một gia đình công chức tại làng Phong Phú, tổng Long Hưng Hạ, Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn (nay là xã Long Phú, huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Năm 1921, ông sang Pháp du học và đến năm 1932 tốt nghiệp đại học Luật. Tháng 5 năm 1933, ông trở về nước làm nghề luật sư tại các tỉnh Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sài Gòn cho đến năm 1945. Cuối năm 1946, sau khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ bí mật cộng tác với lực lượng kháng chiến Việt Minh tại nội thành Sài Gòn. Năm 1947, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ tham gia phong trào yêu nước của trí thức Sài Gòn – Chợ Lớn đòi chính phủ Pháp phải thương lượng với chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa để chấm dứt chiến tranh xâm lược. Năm 1948, Luật sư vào Mặt trận Liên Việt. Ngày 16/10/1949, Luật sư được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt
Tại Phú Yên, lúc đầu địch quản thúc Luật sư tại xã Hòa Thịnh (nay thuộc huyện Tây Hòa), sau đó chuyển lên Củng Sơn, huyện Sơn Hòa. Đầu năm 1960, Trung ương Đảng và Khu ủy Khu V giao cho Đảng bộ Phú Yên nhiệm vụ quan trọng là tổ chức giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Công việc thật vô cùng khó khăn, phải kiên trì tổ chức đến lần thứ ba, vào ngày 29/10/1961, cuộc giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ mới thành công. Cuộc giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là một trong những sự kiện lịch sử quan trọng, là chiến công to lớn của Đảng bộ và nhân dân Phú Yên, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trở về căn cứ, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ tham gia Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã nhanh chóng trở thành một tổ chức chính trị lớn mạnh, có khả năng tập hợp rộng rãi các lực lượng tiến bộ, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia cuộc đấu tranh chính trị và vũ trang, tiến công địch trên cả ba vùng chiến lược, đưa cách mạng miền Nam ngày càng phát triển, giành nhiều thắng lợi hết sức vẻ vang. Sau khi Mặt trận ra đời, các lực lượng vũ trang cũng thống nhất dưới danh nghĩa chung là Quân Giải phóng. Ngay trong những năm đầu, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, đứng đầu là Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, đã tập hợp được nhiều đoàn thể yêu nước tham gia như: Đảng Xã hội cấp tiến, Đảng Dân chủ, Hội Công nhân, Hội Nông dân, Hội Thanh niên, Hội Nhà báo, Hội Nhà giáo, các nhóm yêu nước trong các tôn giáo, các nhân sĩ tiến bộ, các tổ chức sinh viên, học sinh, phụ nữ… trong các tầng lớp nhân dân yêu nước.
Từ 1960-1969, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam còn đồng thời làm chức năng Nhà nước; Ủy ban Trung ương Mặt trận thực tế là Chính phủ cách mạng ở miền Nam, các ban của Ủy ban Trung ương thực tế là các bộ điều hành, các Ủy ban tỉnh, huyện, xã… thực hiện nhiệm vụ quản lý vùng giải phóng. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã có rất nhiều đóng góp cho sự lớn mạnh của Mặt trận nói riêng, cho phong trào cách mạng miền
Ngày 6/6/1969, tại Đại hội Đại biểu Quốc dân miền Nam Việt Nam, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được cử giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam - cơ quan quyền lực tập trung cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân miền Nam, có nhiệm vụ trực tiếp điều hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Từ ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ tiếp tục giữ những cương vị quan trọng: Phó Chủ tịch nước; Quyền Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội; Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước; Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Dù ở cương vị công tác nào, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ cũng luôn thể hiện bản lĩnh, phẩm chất, trí tuệ và nhiệt tâm, một ngọn cờ tập hợp quần chúng đầy uy tín, được đồng bào cả nước yêu mến và kính trọng.
Với công lao và đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng – Huân chương cao quý nhất của Đảng và Nhà nước ta, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều huân chương, danh hiệu cao quý khác. Luật sư được Nhà nước Liên Xô tặng giải thưởng Quốc tế Lê-nin và Huân chương “Hữu nghị” vì sự nghiệp củng cố hòa bình giữa các dân tộc; Nhà nước Cu-ba tặng thưởng Huân chương “Đoàn kết – Chiến đấu”; Nhà nước Bun-ga-ri tặng giải thưởng Đi-mi-tơ-rốp; Hội đồng Hòa bình thế giới tặng thưởng Huân chương Giô-li-ô Quy-ri.
Ngày 24/12/1996, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã đi vào cõi vĩnh hằng trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng bào, chiến sĩ cả nước và những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Suốt gần 50 năm kiên định con đường đã đi, bất chấp mọi gian nguy, thử thách, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã cống hiến trọn đời mình cho lý tưởng cách mạng, luôn luôn thể hiện là chiến sĩ kiên cường đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, vì công lý và công bằng xã hội, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là một trí thức yêu nước tiêu biểu, một nhà hoạt động chính trị, nhà lãnh đạo Nhà nước và Mặt trận xuất sắc. Xuất phát từ lòng yêu nước, thương dân, dũng cảm đấu tranh bảo vệ những người bị áp bức bóc lột, tiếp xúc với những người nghèo khổ, Luật sư nhận ra rằng không có con đường nào khác con đường giải phóng dân tộc, tiến tới chủ nghĩa xã hội. Sau này, Luật sư có kể lại: “Hai lần bị bắt, bị đưa đi an trí ở Lai Châu và Phú Yên, cách biệt với bạn bè, với khung cảnh quen thuộc, với môi trường hoạt động, tôi có đủ thời gian để suy nghĩ về hành động của mình từ tháng 8/1945, đã dẫn đến những năm tháng “lưu đày” này. Thời gian đó, bọn tay sai của Pháp, rồi của Mỹ đã nhiều lần dụ dỗ, đe dọa tôi, thuyết phục về cộng tác với chúng. Có lần, chúng nêu một yêu cầu rất “nhẹ nhàng” – viết một bài báo ngắn ca ngợi Ngô Đình Diệm là một “chí sĩ yêu nước” thì lập tức sẽ được trả lại “tự do”. Chúng thật ngu xuẩn. Làm sao có thể dụ dỗ được người đã kiên quyết và liên tục đấu tranh chống lại chế độ bán nước của chúng, vạch trần bộ mặt thối nát của chúng. Tôi đã kiên trì con đường đã chọn, con đường mà tôi cho là đúng đắn của mỗi người Việt
Trong lời đáp tại lễ nhận Huân chương Sao vàng, ngày 8/7/1993, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ nói: “Cả cuộc đời tôi luôn gắn bó với dân tộc, với nhân dân, với cách mạng. Dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn, thử thách to lớn đến thế nào, kể cả lúc đấu tranh giáp mặt, trực diện với quân thù, dù chúng mua chuộc, dụ dỗ, đe dọa, bắt lưu đày, cộng đến 8-9 năm trời, tôi vẫn không bao giờ nao núng, một lòng một dạ tận trung với nước, tận hiếu với dân, kiên trì con đường cách mạng”.
Đồng chí Đỗ Mười – nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã viết: “Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là nhà trí thức yêu nước tiêu biểu, nhà hoạt động chính trị nổi tiếng, người chiến sĩ từng trải thử thách trên mặt trận đấu tranh chống xâm lược vì độc lập dân tộc, vì công lý và công bằng xã hội, đã có những đóng góp quý báu vào sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân, đặc biệt trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng đã từng viết: “Luật sư Nguyễn Hữu Thọ không chỉ là một người yêu nước nồng nhiệt, một chất thép “uy vũ bất năng khuất”, một mẫu mực trong đạo lý khiêm tốn, một khả năng đoàn kết dân tộc rộng rãi... mà còn là một khối óc năng động, luôn suy nghĩ vì vận nước, vì con đường đi lên của dân tộc ta, với những trăn trở bao giờ cũng tha thiết và trong sáng”, “Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là một nhân vật tầm vóc lớn của nước Việt Nam hiện đại – lớn về nhân cách và lớn về tư duy”.
Sinh thời, Luật sư – Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ từng nói: “Phú Yên là quê hương thứ hai của tôi, là mảnh đất đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm không bao giờ phai mờ. Tôi luôn luôn hướng về Phú Yên với tình sâu nghĩa nặng... Mảnh đất Phú Yên là nơi kẻ địch quản thúc, giam lỏng tôi và những đồng chí khác trong Phong trào hòa bình Sài Gòn – Gia Định, mà người dân Phú Yên vẫn quen gọi là mấy ông Hòa bình. Qua 6 năm trời ròng rã, đến khi tôi được tổ chức móc nối và được cán bộ, chiến sĩ, đồng bào Phú Yên giúp đỡ đưa ra vùng căn cứ cách mạng, thì những Củng Sơn, Tuy Hòa, Nhạn Tháp, Chóp Chài, Đà Rằng... cùng những tấm lòng yêu nước, gắn bó với cách mạng của đồng bào, đồng chí ở đây, đã thực sự trở thành một phần trong tâm hồn tôi”.
Năm 1993, sau 32 năm xa cách, Luật sư – Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ trở về thăm lại Phú Yên. Xúc động trước tình cảm của Đảng bộ và nhân dân Phú Yên đã dành cho mình, Luật sư nói: “Tôi trở về Phú Yên như người con trở về với gia đình. Tôi rất tự hào được là người con của Phú Yên, một vùng đất anh hùng… Tôi tha thiết mong các đồng chí cán bộ lãnh đạo, tất cả cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong tỉnh đoàn kết một lòng, ra sức xây dựng tỉnh Phú Yên thành một tỉnh có nền kinh tế – xã hội vững mạnh, dân trí được phát triển, mọi nhà được ấm no, hạnh phúc…”.
Đảng bộ và nhân dân Phú Yên mãi mãi ghi nhớ và biết ơn những tình cảm sâu đậm của Luật sư – Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đã dành cho Phú Yên và ra sức thực hiện những điều căn dặn của Luật sư.
Nhìn lại chặng đường 35 năm qua, nhất là hơn 20 năm kể từ sau ngày tái lập tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phú Yên đã tiếp tục phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang của quê hương, đoàn kết một lòng, ra sức phấn đấu đạt nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Trong những năm gần đây, tuy còn gặp nhiều khó khăn, nhưng 8 năm liền nền kinh tế của tỉnh luôn đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hằng năm trên 10%. Cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật từ chỗ hầu như không có gì, đến nay Phú Yên đã có mạng lưới giao thông khá hoàn chỉnh cả nội tỉnh và nối với các tỉnh lân cận, đường ô tô đi tới các thôn buôn; có đường bay Tuy Hòa – TP Hồ Chí Minh, Tuy Hòa – Hà Nội; có 3 nhà máy thủy điện với tổng công suất 400 MW, 100% số xã trên địa bàn tỉnh có điện lưới quốc gia; cảng Vũng Rô được đầu tư giai đoạn 1, bước đầu hoạt động hiệu quả; phủ sóng phát thanh, truyền hình 100% số xã, hơn 95% địa bàn dân cư; bình quân 77/100 người dân có điện thoại cố định hoặc di động; tỉ lệ người dân sử dụng internet xấp xỉ 26 người/100 dân, đạt mức bình quân cả nước. Thu hút đầu tư được đẩy mạnh, đã và đang có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước triển khai được nhiều dự án. Hoạt động du lịch, dịch vụ phát triển, cơ sở hạ tầng dịch vụ, du lịch từng bước được xây dựng khang trang, nhiều khu du lịch và khách sạn có đẳng cấp xuất hiện, bước đầu thu hút khách du lịch đến tỉnh. Tốc độ phát triển đô thị được đẩy nhanh, thị xã Tuy Hòa nhỏ bé thuở Luật sư còn bị kẻ thù quản thúc ngày nào, đã lên thành phố khang trang; huyện Sông Cầu xinh đẹp đã trở thành thị xã; nhiều thị trấn, thị tứ, các khu dân cư nông thôn đang khởi sắc từng ngày, góp phần tạo nên diện mạo mới của tỉnh.
Cùng với phát triển kinh tế, tỉnh đặc biệt quan tâm chăm lo các lĩnh vực văn hóa xã hội, xóa đói giảm nghèo. Tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở từ cuối năm 2008. Đã thành lập Trường Đại học Phú Yên, Trường Cao đẳng Nghề của tỉnh và tạo điều kiện nâng cấp các trường cao đẳng của các bộ trên địa bàn, đáp ứng cơ bản yêu cầu học tập của học sinh. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có chuyển biến, tiến bộ. Trên địa bàn tỉnh không còn hộ đói, giảm tỉ lệ hộ nghèo năm 2009 xuống còn 11,4%, đã xóa được gần một vạn nhà tạm hộ nghèo. Đời sống các đối tượng chính sách, đối tượng xã hội, đồng bào các dân tộc thiểu số được chăm lo tốt hơn. Quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hệ thống chính trị được củng cố và tăng cường. Công tác xây dựng Đảng có tiến bộ, đến nay 100% thôn, buôn, khu phố và 80,6% số trường học đã có chi bộ. Niềm tin của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và công cuộc đổi mới ngày càng được nâng lên.
Những thành quả trên tuy chưa lớn, nhưng đó là công sức đóng góp từ sự đoàn kết một lòng của cán bộ, quân, dân toàn tỉnh đang từng bước xây dựng Phú Yên thành “một tỉnh có nền kinh tế - xã hội vững mạnh, dân trí được phát triển, mọi nhà được ấm no hạnh phúc…” như Luật sư hằng mong muốn lúc sinh thời.
Trong không khí ấm cúng của buổi lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Luật sư- Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ, từ mảnh đất Phú Yên – “quê hương thứ hai, tình sâu nghĩa nặng” mà Luật sư đã từng gắn bó, chúng ta thành kính tưởng nhớ đến ông - đồng chí Ba Nghĩa, Ông Ba Hòa Bình - một nhân cách lớn, một tâm hồn lớn, một trí thức lớn, một chiến sĩ cách mạng trên mặt trận đấu tranh chống xâm lược vì độc lập dân tộc, vì công lý và công bằng xã hội. Chúng ta nguyện ra sức noi gương Luật sư, học tập ý chí không bao giờ nao núng trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn, thử thách nào, luôn “một lòng, một dạ tận trung với nước, tận hiếu với dân, kiên trì con đường cách mạng”, ra sức xây dựng tỉnh Phú Yên ngày càng giàu đẹp, góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
(*) Đầu đề do Báo Phú Yên đặt