Thứ Sáu, 29/11/2024 11:51 SA
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ:
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ với quê hương thứ hai, sâu nặng nghĩa tình
Thứ Bảy, 10/07/2010 09:00 SA

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ luôn nêu cao tấm gương sáng về lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng, tình yêu thiết tha với Tổ quốc và nhân dân. Phú Yên luôn tự hào về người con yêu quý Nguyễn Hữu Thọ.

 

tho100710.jpg
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Phú Yên chúc mừng xuân mới Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ (1994)

 

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, nhà yêu nước, chiến sĩ cách mạng nổi tiếng. Trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước, ông làm Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam; trong thời kỳ thống nhất Tổ quốc, ông giữ các chức vụ như: Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Quyền Chủ tịch nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 

Ông sinh ngày 10/7/1910 trong một gia đình viên chức ở Bến Lức, tỉnh Long An. Theo nghĩa nơi chôn nhau cắt rốn là quê hương thì Long An là quê hương ông. Nhưng trong trái tim ông còn có một quê hương khác, ông gọi là quê hương thứ hai của ông, đó là Phú Yên. Luật sư - Chủ tịch thường nói với các đồng chí trong Bộ Chính trị và thường trực chính phủ: “Tôi có cảm tình đặc biệt với Phú Yên, Phú Yên là quê hương thứ hai của tôi”. Đó là lời nói hết sức nghiêm túc và dạt dào cảm xúc tình cảm yêu mến của một nhân cách lớn - một luật sư, người đã từng là nguyên thủ quốc gia. Động lực nào mà Phú Yên làm lay động trái tim lớn đến như vậy? Tất cả đều từ câu chuyện cách đây 45 năm về trước.

 

Sau khi Hiệp định Genever được ký kết ngày 20/7/1954, hòa bình được lập lại trên đất nước ta. Ở Sài Gòn - Gia Định, lực lượng trí thức yêu nước lập ra “Phong trào bảo vệ hòa bình” do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đứng đầu. Phong trào hòa bình huy động được đông đảo lực lượng quần chúng khu vực Sài Gòn- Chợ Lớn biểu tình đòi thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Genever. Run sợ trước sự phát triển lớn mạnh của Phong trào bảo vệ hòa bình, ngày 15/11/1954, bọn Mỹ - Diệm bắt Luật sư Nguyễn Hữu Thọ và các bạn chiến đấu của ông. Chúng đưa Luật sư ra Hải Phòng để bỏ lại ngoài miền Bắc, nhưng dưới áp lực đấu tranh của tổ chức Phong trào hòa bình được Ủy ban quốc tế can thiệp buộc bọn chúng phải dùng máy bay chở Luật sư về lại Sài Gòn. Liền sau đó chúng đưa Luật sư Nguyễn Hữu Thọ và Đoàn “Hòa bình” gồm 5 người đi cầm cố, giam lỏng tại Tuy Hòa. Lúc đầu, chúng đưa Đoàn “Hòa bình” đến quản thúc tại xã Hòa Thịnh, huyện Tuy Hòa, nay là huyện Tây Hòa, sau đó chúng chuyển đến Củng Sơn, huyện Sơn Hòa. Sai lầm của kẻ thù là chúng cho rằng những miền quê mà chúng chọn đưa Luật sư và Đoàn “Hòa bình” đi cầm cố, giam lỏng tại Phú Yên là những nơi bưng biền, sình lầy, thâm sơn cùng cốc, đường sá đi lại hết sức khó khăn, dân cư thưa thớt. Chúng nghĩ nơi này không những cách ly được Luật sư với phong trào do Luật sư lãnh đạo mà còn tiêu diệt ý chí cách mạng và nghị lực đấu tranh của Luật sư và các ông lãnh đạo “Hòa bình”. Chính sai lầm của kẻ thù đã tạo nên cái “duyên lớn” giữa Phú Yên và Luật sư.

 

Phú Yên là mảnh đất có truyền thống cách mạng kiên cường, bất khuất. Từ năm 1930, Phú Yên đã có chi bộ đảng đầu tiên. Suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Phú Yên là vùng tự do của Liên khu V. Những nơi mà chúng chọn như Hòa Thịnh, Củng Sơn hay TX Tuy Hòa đều là những địa phương có cơ sở, có phong trào cách mạng tốt của Phú Yên.

 

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là một trí thức yêu nước có tên tuổi lớn, hơn nữa ông là một chiến sĩ cách mạng. Bác Hồ, Trung ương và tổ chức luôn theo dõi sát từng bước đi của Luật sư. Kẻ thù đưa Luật sư về Phú Yên giam lỏng là chúng đã đưa cá về với nước. Đó là sai lầm lớn nhất của kẻ thù. Kẻ thù cứ tưởng Phú Yên là nơi “địa ngục trần gian” để chúng đày đọa Luật sư, nào ngờ Phú Yên lại là mảnh đất “ân nhân” của Luật sư.

 

Hơn sáu năm kẻ thù lưu đày Luật sư ở Phú Yên, đó là khoảng thời gian có tính quyết định đối với cả cuộc đời của Luật sư và đối với phong trào cách mạng miền Nam.

 

Đối với Luật sư, trong những năm tháng ấy chỉ có đầu hàng kẻ thù hay là chết. Kẻ thù thật nham hiểm, độc ác, nếu Luật sư sơ suất là chúng giết Luật sư rồi đổ lỗi cho một lý do nào đó, còn nếu không thì chúng sẽ dùng thủ đoạn giết dần, giết mòn ý chí và nghị lực đấu tranh của Luật sư, bởi việc lưu đày là không thời hạn.

 

Đối với phong trào cách mạng miền Nam, ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời nhưng chưa có người giữ chức chủ tịch. Người ấy, Bộ Chính trị, Bác Hồ đã chọn nhưng ông còn nằm trong vòng giam giữ của kẻ thù.

 

Thực hiện trọng trách mà Trung ương và Khu ủy V giao cho lãnh đạo tỉnh Phú Yên là tìm mọi cách giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đưa ra vùng giải phóng, sau 2 lần giải thoát không thành (lần thứ nhất ngày 11/9/1960, lần thứ 2 ngày 18/6/1961), cuộc giải thoát lần thứ 3 thành công vào ngày 30/10/1961. (Theo tác phẩm: Giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ của đồng chí Trần Suyền, nguyên Bí thư Tỉnh ủy). Với việc giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đưa ra vùng giải phóng thành công, Đảng bộ, quân và dân Phú Yên đã lập nên một kỳ tích to lớn, nó không chỉ có ý nghĩa mang lại cuộc sống, tự do cho Luật sư mà còn có vai trò, trọng trách to lớn hơn là tìm ra vị chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

 

Phú Yên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Bộ Chính trị, Khu ủy khu V giao phó. Đối với kẻ địch, đó là thất bại to lớn nhất.

 

Phú Yên giải thoát Luật sư không phải để làm ơn, tính công với Luật sư mà vì nhiệm vụ cách mạng, vì trọng trách với quê hương, Tổ quốc, với Luật sư.

 

Phần mình, cho dù sau này Luật sư có được quyền cao, trọng vọng mà vẫn không quên ân tình chốn cũ, người xưa đã đùm bọc, chở che, cưu mang, cứu thoát mình khỏi nơi tù đày. Đó là phẩm hạnh của những nhân cách lớn, của truyền thống đạo đức, văn hóa Việt Nam.

 

Ân tình gắn kết giữa Luật sư với Phú Yên trong hơn sáu năm Luật sư bị kẻ địch quản thúc, giam lỏng tại Phú Yên được kết tụ bằng mồ hôi, máu và tình yêu Tổ quốc, quê hương, được tôi luyện qua ngọn lửa đấu tranh cách mạng thành chất keo kết dính Luật sư với Phú Yên.

 

Đằng đẵng 32 năm sau, Luật sư mới có dịp trở về thăm lại Phú Yên (ngày 10/3/1993). Cảnh cũ, người xưa làm ông bồi hồi xúc động kể lại: “Cách đây 32 năm, mảnh đất Phú Yên này là nơi kẻ địch quản thúc, giam lỏng tôi và những đồng chí khác trong Phong trào hòa bình Sài Gòn - Gia Định, mà người dân Phú Yên vẫn quen gọi là mấy ông “Hòa bình”. Qua sáu năm trời ròng rã, đến khi tôi được tổ chức móc nối và được cán bộ, chiến sĩ, đồng bào Phú Yên giúp đỡ đưa ra vùng căn cứ cách mạng, thì những Củng Sơn, Tuy Hòa, Nhạn Tháp, Chóp Chài, Đà Rằng… với những tấm lòng yêu nước, gắn bó với cách mạng của đồng bào, đồng chí ở đây, đã thật sự trở thành một phần của tâm hồn tôi”.

 

Có dịp về thăm lại chốn cũ, người xưa, trái tim Luật sư bồi hồi, xúc động. Ông nói: “Bao nhiêu kỷ niệm của một thời gian lao mà anh dũng như cuốn phim quay ngược làm sống lại trong tôi những hình ảnh thân thiết và những tình cảm không thể phai mờ”.

 

tho2100710.jpg

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Phú Yên thăm, chúc mừng Luật sư Nguyễn Hữu Thọ nhân năm mới 1995

 

“Tình cảm đầu tiên của tôi là lòng biết ơn vô hạn đối với nhân dân Phú Yên”. Ông kể tiếp: “Tôi còn nhớ cái ngày quốc khánh của ngụy quyền gọi là tết Cộng hòa, chúng bắt buộc mọi nhà phải treo cờ làm lễ, chúng tôi cũng treo, nhưng bằng cái sào treo áo quần, làm chúng cảm thấy bị sỉ nhục. Chúng tập hợp một số côn đồ và ruồng ép một số cán bộ, đảng viên trong vùng bị bắt đến hò la, đánh đập chúng tôi, sau đó cấm nhân dân không được liên hệ, nuôi dưỡng, buôn bán với chúng tôi. Nhưng trên thực tế, những đồng chí đó chỉ có những tiếng hét la chứ không đụng chạm đến chúng tôi. Chỉ có bọn côn đồ đàn áp chúng tôi thật sự. Việc tiếp tế bị cấm, nhưng đến chiều tối, sau hè nhà chúng tôi vẫn đầy ắp thực phẩm. Thái độ hung hãn của địch không làm cho quần chúng lùi bước, mà chỉ làm tăng thêm sự yêu mến, gắn bó với những người cách mạng”. (Trích lời phát biểu của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ tại cuộc metting sáng ngày 11/3/1993).

 

Như lời Luật sư nói khi trả lời phỏng vấn Báo Phú Yên: “Tôi trở về Phú Yên như người con trở về với gia đình. Tôi rất tự hào được làm người con của Phú Yên…”.

 

Đúng như thế, sau hơn 32 năm bận lo việc nước, nay Luật sư mới được về thăm quê, ông như cởi mở được bao dồn nén, quặn thắt, chất chứa trong lòng nỗi thiết tha, da diết với quê hương.

 

Chốn cũ, người xưa, nay được gặp lại, sự đón tiếp của quê hương vừa trọng thị, vừa nồng hậu dành cho đứa con đi xa trở về đã làm ông hưng phấn, khỏe khoắn ra. Đã ngoài 84 tuổi, mọi khi ông yếu lắm, nhưng hôm ấy Luật sư có nhã hứng đi bộ trên phố. “Ông hòa bình” đi bộ trên đường phố, không công an dẫn đường, không còi hụ. Dân phố thấy ông đi bộ một mình, họ kéo nhau tháp tùng thành đoàn dài. Hòa trong dòng người hân hoan chào đón, ông vui lắm, cứ thế, ông đi bộ từ nhà khách của tỉnh đến khách sạn Vĩnh Đông Á, quãng đường dài hơn vài cây số.

 

Gặp lại người xưa, nghĩa trả ơn đền. Người còn sống, ông hoan hỷ thăm hỏi tặng quà, người quá cố ông thắp nén nhang lòng tưởng nhớ đến họ. Từ già tới trẻ, ông không quên một ai!

 

Những ngày sống ở Phú Yên, ông vui với cái vui của Phú Yên, cùng lo cùng chia sẻ khó khăn với Phú Yên.

 

Kết thúc chuyến thăm quê ngắn ngủi, ông phải quay về thành phố nơi ông sinh sống và công tác mà lòng luôn canh cánh nỗi lo cho quê hương. Ông nói: “Mỗi ngày, mỗi ngày, tôi luôn nhớ đến Phú Yên bằng tình cảm sâu sắc nhất”.

 

Không những ông biểu hiện tình cảm bằng lời nói mà bằng cả những việc làm mà ông có thể làm được. Luật sư về Củng Sơn, thấy đồng bào các dân tộc ở đây đời sống còn khó khăn quá, ông xin chính phủ đầu tư kinh phí xây dựng Nhà văn hóa cho thiếu nhi các dân tộc Sơn Hòa. Để tỏ lòng kính trọng và biết ơn ông, nhà văn hóa Củng Sơn được mang tên Nhà văn hóa NGUYỄN HỮU THỌ.

 

Trận lũ lịch sử năm 1993 gây nên thảm họa và để lại di họa lâu dài cho nhân dân Phú Yên. Như thấu hiểu nỗi đau của đồng bào quê nhà, với tư cách là Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật sư viết lời kêu gọi đồng bào cả nước quyên góp tiền của giúp đồng bào bị thiên tai ở tỉnh Phú Yên. Nghe tin lũ làm hệ thống thủy nông Đồng Cam bị hư hại, ông lo lắng. Hơn tháng sau, nghe lãnh đạo tỉnh báo là đã sửa chữa xong công trình thủy nông Đồng Cam, đưa nước về đồng sản xuất, ông mừng, hoan hô Phú Yên giỏi. Ông nói: Đồng Cam là “mạch sống quê hương”.

 

Khi làm việc với lãnh đạo tỉnh Phú Yên, Luật sư nghe báo cáo việc xác định ranh giới 2 tỉnh tại khu vực Vũng Rô - Đèo Cả còn tồn đọng từ ngày chia tách tỉnh 1/7/1989 đến nay chưa giải quyết xong. Ông nghe một cách trầm ngâm và tư lự. Ông hỏi mọi người cho đầy đủ thông tin, rồi ông nói một cách quả quyết: Một tỉnh ven biển cần có cảng cho nó phát triển là đúng. Tỉnh Phú Yên mới tách ra, đang khó khăn, không có chỗ làm cảng, chỉ có Vũng Rô làm được cảng, hơn nữa, Vũng Rô là nơi bến tàu không số ra vào, gắn với chiến trường Phú Yên, giao Vũng Rô cho Phú Yên là đúng trên mọi lẽ. Khánh Hòa có nhiều cảng: Cam Ranh, Nha Trang, Văn Phong và còn nhiều nơi có thể làm được cảng, Khánh Hòa nên để Vũng Rô cho Phú Yên làm cảng là đúng. Nếu chính phủ không giải quyết được thì đưa ra Quốc hội giải quyết, không để kéo dài. Bằng tất cả trách nhiệm của người lãnh đạo, của vị chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tình cảm của người con quê hương, ông báo cáo nội dung vụ việc Vũng Rô cho Bộ Chính trị, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ông kiến nghị đưa ra kỳ họp Quốc hội giải quyết. Kiến nghị của Luật sư đã được Quốc hội biểu quyết tán thành giao Vũng Rô cho Phú Yên, kết thúc việc phân vạch địa giới giữa 2 tỉnh kéo dài gần 5 năm.

 

Trong bức thư của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ gửi Thủ tướng Võ Văn Kiệt ngày 15/11/1993, có đoạn như sau: “Cũng nhân dịp này, tôi đề nghị anh lưu tâm giải quyết sớm việc giao cảng Vũng Rô cho Phú Yên như nghị quyết Bộ Chính trị đã ký 2 năm trước và ý kiến của Đảng, đoàn Quốc hội mới đây. Giao Vũng Rô cho Phú Yên cũng là biện pháp tạo cho Phú Yên có cảng biển, có cửa ngõ, có thêm điều kiện phát triển tốt, và đó cũng là làm hợp lòng dân, đúng đạo lý”.

 

Từ sau ngày trở về thăm quê hương (10/3/1993), sợi tơ tình cảm luôn bện chặt hơn nữa tình cảm thắm thiết giữa Luật sư với quê hương.

 

Biết Luật sư tuổi cao sức yếu, Quê hương dõi theo từng ngày. Nhân dịp sinh nhật Luật sư, tỉnh cử đoàn đại biểu đến chúc thọ. Luật sư được nhà nước tặng thưởng huân chương Sao Vàng, tỉnh cử đoàn đến chúc mừng. Phú Yên có chuyện vui, buồn đều chia sẻ với Luật sư. Luật sư ốm đau, nằm trên giường bệnh, tỉnh cử đoàn đến thăm, túc trực bên giường bệnh. Mỗi lần gặp được Phú Yên, dù chỉ là mấy đồng chí lãnh đạo làm đại biểu thôi, dường như quê hương mang lại cho Luật sư luồng sinh khí, tràn đầy sức lực, niềm vui và hạnh phúc. Một lần, ông bệnh nặng đang nằm bất động trong phòng cấp cứu, phải thở oxy, nhưng khi nghe bác sĩ ghé vào tai thông báo cho ông biết có các đồng chí lãnh đạo tỉnh Phú Yên vào thăm bác, thế là ông lập tức bừng tỉnh, đòi ngồi dậy tiếp chuyện như chẳng có bệnh đau gì. Bác sĩ ngạc nhiên, thốt nên lời: Phú Yên mang thần dược đến cho bác. Ông nhoẻn miệng cười, hạnh phúc. Cũng như thế, Phú Yên có hoạn nạn, Luật sư viết thư chia sẻ, động viên; ngày tết, ngày lễ, Luật sư gửi thư chúc mừng.

 

Không ngờ, sau hơn 32 năm, Luật sư về thăm quê lần ấy (10/3/1993) là lần đầu tiên mà cũng là lần cuối cùng. Dường như Luật sư dự đoán trước định mệnh của mình, dành thời gian về thăm quê hương một chuyến “trối già”. Trong lá thư chúc tết của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ gửi cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tỉnh Phú Yên đề ngày 5/1/1995 có đoạn ông viết như một lời di chúc.

 

“Mùa xuân này, chúng ta vừa kỷ niệm Quân đội nhân dân Việt Nam tròn 50 tuổi, chào mừng những bà mẹ Việt Nam anh hùng. Tôi rất xúc động được tin Phú Yên có 397 bà mẹ được nhà nước phong và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Tôi hân hoan chào mừng năm đơn vị anh hùng mới của tỉnh nhà, đó là Tiểu đoàn 85, là huyện miền núi Sơn Hòa, nơi tôi đã được đồng bào nuôi dưỡng, đùm bọc, là xã An Xuân (Tuy An). Tôi rất xúc động khi biết hai xã Hòa Thịnh và Bình Kiến được tuyên dương Đơn vị anh hùng. Hòa Thịnh là nơi đầu tiên kẻ thù cấm cố, lưu đày tôi và để nhiều kỷ niệm sâu sắc trong tôi. Bình Kiến là mảnh đất tôi được các đồng chí, đồng bào Phú Yên cứu thoát đưa ra vùng giải phóng”.

 

“Một lần nữa tôi gửi đến các đơn vị anh hùng và cá nhân anh hùng của 2 cuộc kháng chiến anh dũng lời chào quý trọng và tự hào nhất”.

 

“Phú Yên từ lâu đã là quê hương thứ hai của tôi, là mảnh đất đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm không bao giờ phai mờ. Tôi tha thiết mong các đồng chí cán bộ lãnh đạo, tất cả cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong tỉnh đoàn kết một lòng, ra sức xây dựng tỉnh Phú Yên thành một tỉnh có nền kinh tế, xã hội vững mạnh, dân trí được phát triển, mọi nhà được ấm no, hạnh phúc, mọi người thật sự làm chủ bản thân và xã hội”.

 

Rồi, cái ngày định mệnh ấy đã đến, ngày 24/12/1996, Luật sư đã từ giã cõi đời để đi vào cõi vĩnh hằng trong niềm tiếc thương của gia đình, đồng đội và đồng bào cả nước. Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc đưa tiễn Luật sư bằng nghi lễ Quốc tang nhà nước. Tỉnh Phú Yên lập bàn thờ làm lễ truy điệu Luật sư theo nghi thức long trọng nhất để cho cán bộ, đảng viên và nhân dân đến thắp nén hương đưa tiễn Luật sư.

 

Suốt một đời, từ nhà trí thức yêu nước đến khi trở thành một chiến sĩ cách mạng, Luật sư đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đem lại độc lập, tự do, thống nhất nước nhà và sự nghiệp xây dựng thành công Chủ nghĩa xã hội: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

 

Luật sư luôn nêu tấm gương sáng về lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, tình yêu thiết tha với Tổ quốc và nhân dân;

 

Cuộc đời của Luật sư còn là tấm gương sáng ngời đạo đức và nhân cách của một đại trí thức, của một chiến sĩ Cộng sản.

 

Quê hương Phú Yên luôn tự hào về người con ưu tú của mình – Luật sư Nguyễn Hữu Thọ.

 

Trước khi đi xa, Luật sư đã di chúc hiến tặng cho Phú Yên toàn bộ kỷ vật của ông gồm: những huy chương, huân chương, quà tặng, tư liệu, hình ảnh, kỷ vật..., những thứ quý giá nhất của ông.

 

Trân trọng tấm lòng thủy chung, trung hiếu của người con quê hương, lãnh đạo tỉnh Phú Yên đã quyết định xây dựng nhà lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ.

 

Hàng năm, vào những dịp ngày lễ, ngày tết và ngày sinh, ngày giỗ của Luật sư, cán bộ, nhân dân đến nhà lưu niệm viếng Luật sư. Mỗi khi có đoàn cấp cao của trung ương về thăm tỉnh, hoặc bạn bè trong và ngoài nước đến thăm, nhà lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ mở cửa đón khách.

 

Thành phố Tuy Hòa đã chọn một con đường trong những con đường đẹp nhất của thành phố đặt tên đường NGUYỄN HỮU THỌ. Nhiều trường học mang tên NGUYỄN HỮU THỌ. Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh lập quỹ học bổng NGUYỄN HỮU THỌ. Đó là những việc làm để người con Nguyễn Hữu Thọ sống mãi với quê hương.

 

Phú Yên luôn tự hào về người con yêu quý NGUYỄN HỮU THỌ. Tên tuổi, sự nghiệp của Luật sư đã góp phần làm rạng danh quê hương và sống mãi cùng quê hương.

 

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Luật sư (10/7/1910 – 10/7/2010), xin thắp một “nén nhang lòng” kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ đến ông, người con ưu tú của quê hương!

 

NGUYỄN THÀNH QUANG

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek