Sự phát triển nhận thức của Đảng ta từ Cương lĩnh năm 1991 đến nay (Tiếp theo kỳ trước)

Sự phát triển nhận thức của Đảng ta từ Cương lĩnh năm 1991 đến nay (Tiếp theo kỳ trước)

Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta. Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân là một nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng Việt Nam.

* Kỳ 1

* Kỳ 2

* Kỳ 3

* Kỳ 4

5. Phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta. Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân là một nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng Việt Nam . Trong những năm đổi mới, chúng ta ngày càng nhận rõ dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, thể hiện mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Khẳng định phải xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, trên cơ sở liên minh giữa công nhân, nông dân và trí thức do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Nhà nước đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời là người tổ chức thực hiện đường lối của Đảng. Mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân. Thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, giữ nghiêm kỷ cương xã hội, chuyên chính với mọi hoạt động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và nhân dân. Có cơ chế để nhân dân thực hiện quyền làm chủ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tham gia quản lý xã hội, khắc phục biểu hiện dân chủ hình thức. Nhà nước chăm lo cho con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã ký kết.

Đưa ra chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là một nhận thức mới của Đảng ta vào những năm 90 so với Cương lĩnh năm 1991. Chúng ta nhận thức rằng, nhà nước pháp quyền không phải là cái riêng có của chủ nghĩa tư bản. Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội cũng phải thực hiện nhà nước pháp quyền. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa khác về bản chất với nhà nước pháp quyền tư sản ở chỗ: Pháp quyền dưới chủ nghĩa tư bản, về thực chất, là công cụ bảo vệ và phục vụ cho lợi ích của giai cấp tư sản, còn pháp quyền dưới chủ nghĩa xã hội là công cụ thể hiện và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ lợi ích của đại đa số nhân dân. Nhà nước pháp quyền quản lý xã hội bằng pháp luật và các công cụ khác theo quy định của pháp luật. Thông qua thực thi pháp luật, Nhà nước thể hiện nhân dân là chủ thể của quyền lực chính trị, thực hiện chuyên chính với mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và nhân dân.

Trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện ba quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, thông suốt, thống nhất. Đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, làm cho nhà nước thực sự là thiết chế phục vụ nhân dân; hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, việc gì có lợi cho dân, phải hết sức làm; việc gì có hại cho dân, phải hết sức tránh. Có cơ chế giám sát quyền lực nhà nước.

“Đoàn kết dân tộc”, “đại đoàn kết dân tộc”, “đại đoàn kết toàn dân tộc” ngày càng được nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa, vai trò, là nguồn sức mạnh và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp cách mạng. Đảng ta đã nhiều lần khẳng định, các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ; cùng nhau thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Thực hiện nhất quán chính sách đại đoàn kết các dân tộc, các tôn giáo, giai cấp, tầng lớp, thành phần kinh tế, mọi giới, mọi lứa tuổi, mọi thành viên trong đại gia đình Việt Nam; lấy mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh làm điểm tương đồng; tôn trọng những ý kiến khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc, xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, giai cấp, thành phần, xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau hướng tới tương lai.

Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào; đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau hoặc không theo tôn giáo, tạo điều kiện làm tròn trách nhiệm công dân, sống “tốt đời đẹp đạo”, phát huy những giá trị tốt đẹp về văn hóa, đạo đức của tôn giáo.

Đồng bào định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào nâng cao lòng yêu nước, ý thức cộng đồng, tinh thần tự trọng, tự hào dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc, tôn trọng pháp luật nước sở tại, hướng về quê hương đất nước và góp phần tăng cường đoàn kết hữu nghị với nhân dân các nước.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội là các tổ chức đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân, tiêu biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tham gia giám sát và phản biện xã hội đối với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng là nhiệm vụ thường xuyên quan trọng, bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm sự trường tồn và phát triển của dân tộc.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc

Một thời gian dài và cả trong Cương lĩnh năm 1991 Đảng ta đã xác định “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc”. Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, khi chúng ta nêu cao tư tưởng đại đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, khi Đảng ta đã trở thành đảng cầm quyền lãnh đạo cả dân tộc, được toàn dân thừa nhận là đội tiên phong lãnh đạo của mình; và trên thực tế, Đảng ta ra đời, tồn tại và phát triển là vì lợi ích không chỉ của giai cấp công nhân mà còn vì lợi ích của nhân dân lao động, của toàn dân tộc, cho nên cần diễn đạt bản chất của Đảng thế nào cho phù hợp hơn. Đại hội X của Đảng đã quán triệt sâu sắc hơn tư tưởng Hồ Chí Minh, khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam ”. Cùng với việc xác định Đảng ta là đảng cầm quyền, luận điểm này là một bước phát triển mới rất quan trọng về nhận thức của Đảng trong 20 năm qua.

(Còn nữa)

GS, TS NGUYỄN PHÚ TRỌNG

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội

Theo ND

Từ khóa:

Ý kiến của bạn