Chiến thắng đường 5, đường 7 trong chiến dịch Hồ Chí Minh  mùa xuân 1975

Chiến thắng đường 5, đường 7 trong chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân 1975

Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975 đã phá tan thế trận phòng thủ của địch trên chiến trường Tây Nguyên, buộc Tổng thống ngụy quyền phải rút lui chiến lược theo đường số 7 (nay là quốc lộ 25) hòng co cụm về đồng bằng, chờ thời cơ phản kích lại ta.

Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975 đã phá tan thế trận phòng thủ của địch trên chiến trường Tây Nguyên, buộc Tổng thống ngụy quyền phải rút lui chiến lược theo đường số 7 (nay là quốc lộ 25) hòng co cụm về đồng bằng, chờ thời cơ phản kích lại ta. Địch hy vọng sẽ tạo được yếu tố bất ngờ khi sử dụng con đường bị lãng quên hàng thập niên cho cuộc tháo chạy tán loạn, nhưng quân dân Phú Yên và Sư đoàn chủ lực 320 đã giáng cho chúng một trận “Bạch Đằng Giang trên cạn”, đánh tan tác các đơn vị tinh nhuệ của Quân đoàn 2 ngụy, không cho chúng co cụm về các tỉnh duyên hải và Sài Gòn.

dich-thao-chay.jpg

Xe địch dồn ứ trên đường 7 khi chúng tháo chạy khỏi Tây Nguyên - Ảnh: T.LIỆU

Ngày 16/3/1975, ngụy quyền ra lệnh cho cấp dưới tổ chức rút quân theo trục đường 7 về Phú Yên dưới sự chỉ huy của chuẩn tướng Trần Văn Cẩm, Tư lệnh phó Quân đoàn 2 ngụy. Lực lượng của địch gồm toàn bộ số quân còn lại của Quân đoàn 2: 1 sư đoàn bộ binh, 6 liên đoàn biệt động quân, 2 trung đoàn thiết giáp, 6 tiểu khu Phú Bổn, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum với tổng cộng  trên 20.000 quân và trên 2.500 xe quân sự các loại.

Ngày 19/3, cấp trên thông báo và ra lệnh cho quân và dân Phú Yên chặn đánh địch từ Tây Nguyên về Tuy Hòa qua đường 7, điều động Tiểu đoàn 96 lên Tây Củng Sơn (Sơn Hòa) đánh địch từ phía sau. Căn cứ mệnh lệnh cấp trên, căn cứ địa hình chiến trường, ta nhận định địch không thể đi theo đường 7 được vì vừa hiểm trở, vừa là con đường ta đã bố phòng chốt từ nhiều năm nay. Vả lại, ta đang chiến đấu thắng lợi dọc trục đường 7 về thị xã Tuy Hòa. Ta nhận định, địch có thể vượt sông Ba về đường 5 (nay là ĐT 645) xuống Phú Lâm trốn chạy vào Nha Trang. Hơn nữa, phía huyện Tuy Hòa ta chưa nổ súng, cứ điểm Cầu Cháy do Tiểu đoàn 236 ngụy chiếm giữ. Với kết luận trên, ta cho lùi trận đánh Cầu Cháy lại một đêm, dùng toàn bộ lực lượng của tỉnh và huyện Tuy Hòa bố trí theo trục đường 5. Hướng thị xã Tuy Hòa và các huyện vẫn giữ nguyên thế trận để nghi binh địch. Đúng như ta đã phán đoán, ngày 17/3/1975, quân địch hối hả vận chuyển phương tiện lên phía Thạnh Hội, Ngân Điền (xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa) làm cầu dã chiến. Ngày 17/3/1975, trinh sát báo cáo bộ phận đi đầu của địch rút chạy từ Tây Nguyên đã đến Củng Sơn. Chiều 18/3, địch điều hai khẩu pháo từ Cầu Cháy và 1 tiểu đoàn bộ binh lên chiếm Hòn Kén; điều hai tiểu đoàn 110 và 206 lên ga Gò Mầm.

Với quyết tâm và đã được nhất trí từ cán bộ đến chiến sĩ, 4g45 ngày 19/3 ta nổ súng tiêu diệt Cầu Cháy, làm chủ trận địa và giải phóng một xã lân cận, giữ vững ga Gò Mầm không cho địch phản kích chiếm giữ nhằm bảo vệ cho quân từ Tây Nguyên rút về. Máy bay trinh sát, trực thăng chiến đấu, máy bay phản lực A37 bắn phá liên tục trục Đường 5 và Cầu Cháy. Chiều 19/3, trinh  sát báo cáo đoàn xe địch đang từ Hòn Kén chạy xuống, đội hình kéo dài gần một cây số, có 4 xe tăng đi đầu. Ta đang đánh Núi Lá, Hòn Sặt, thu dọn chiến trường Cầu Cháy, bố trí từ Cầu Tổng lên tới Lương Phước, đoạn đường kéo dài trên 15 cây số. Mặc dù pháo binh địch bắn phá, ta vẫn triển khai đội hình kế hoạch. 16 giờ ngày 19/3, 4 chiếc xe tăng đi đầu tới Cầu Tổng, theo sau là một lực lượng lớn bộ binh địch. Ta đồng loạt nổ súng, diệt 2 xe tăng đi đầu. Chiếc thứ ba chạy xuống gặp lực lượng ta chốt ở ga Gò Mầm cũng bị tiêu diệt nốt, chiếc còn lại bỏ chạy. Ta diệt hàng trăm tên địch, bắt sống trên 500 tên.

Những ngày tiếp theo, dù có phi pháo chi viện tích cực nhưng đoàn quân tháo chạy từ Tây Nguyên xuống vẫn không qua được trận địa phục kích của ta. Phía sau, chúng bị Tiểu đoàn 96 chặn đánh quyết liệt. Tại Hòn Kén các đại đội đặc công 201 và 25 cùng với 2 khẩu cối của 189 tập kích vào lực lượng xe tăng, pháo binh, khiến địch càng thêm mất vía. Đêm 25/3, Tiểu đoàn 96 phối hợp với Trung đoàn 64 Sư đoàn 320 tiến công giải phóng Củng Sơn. Địch hoảng hốt, tháo chạy tán loạn về Tuy Hòa nhưng ta kịp thời ngăn chặn và tiêu diệt hoàn toàn. Một bộ phận vượt qua sông Ba vẫn không thoát khỏi nòng súng của bộ đội ta. Một số luồn phía sau Hòn Kén chạy về Hòa Thịnh, Hòa Đồng bị nhân dân, du kích chặn và bắt sống.

Như vậy, đoàn quân địch từ Tây Nguyên về Tuy Hòa đã bị ta đón đầu, chặn đánh quyết liệt từ ngày 19 đến 25/3/1975 và tan rã hoàn toàn. Ta tiêu diệt 1.100 tên; bắt sống 2.500 tên; số còn lại chạy tán loạn. Ta thu toàn bộ vũ khí, thu trên 2.500 xe quân sự các loại, trong đó có 150 xe tăng và nhiều phương tiện chiến tranh khác; bắn hỏng 1 máy bay trực thăng và 1 phản lực… Với chiến thắng đường 7, đường 5, quân và dân Phú Yên với sự tiếp sức của bộ đội chủ lực (Sư đoàn 320) đã đánh bại chiến lược co cụm phòng thủ đồng bằng để chờ thời cơ phản kích của ngụy quyền Sài Gòn từ trong trứng nước, làm cho địch càng hoang mang hoảng hốt. Với chiến thắng Đường 5, quân và dân Phú Yên thừa thắng xông lên với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, phối hợp với Sư đoàn 320 tiến công và giải phóng hoàn toàn tỉnh Phú Yên vào lúc 11g30 ngày 1/4/1975. Quân dân Phú Yên đã bắt sống chuẩn tướng ngụy Trần Văn Cẩm. Đây là tướng ngụy đầu tiên bị bắt sống trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Chiến thắng đường 5 đã góp phần quyết định đập tan lực lượng địch ở Quân khu 2 và ven biển miền Trung Trung Bộ. Từ đó, góp phần đẩy nhanh bước chân thần tốc của người chiến sĩ giải phóng quân tiến vào làm chủ Sài Gòn, kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân năm 1975.

Đại tá ÔNG VĂN BƯU

Nguyên Tỉnh đội trưởng tỉnh Phú Yên

Từ khóa:

Ý kiến của bạn