QUYẾT TÂM, DÙ NHIỆM VỤ NẶNG NỀ
Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ truy kích tiêu diệt lực lượng tháo chạy của Quân đoàn 2 ngụy ở Cheo Reo, đường số 7 và thị trấn Củng Sơn, Sư đoàn 320 chúng tôi được lệnh của Bộ Tư lệnh chiến dịch: Tiếp tục phát triển chiến đấu, tiến xuống giải phóng tỉnh Phú Yên.
![]() |
Bộ đội chủ lực tấn công lên núi Nhạn sáng 1/4/1975.
|
Xẩm tối ngày 27/3/1975, đơn vị chuẩn bị hành quân vào khu vực tập kết thì chúng tôi được thông báo: Ngày 26/3/1975, Bộ Tổng Tư lệnh đã quyết định chuyển Khối chủ lực Mặt trận Tây Nguyên thành Quân đoàn chủ lực cơ động số 3. Thiếu tướng Vũ Lăng, Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên được giao làm Tư lệnh Quân đoàn. Đại tá Đặng Vũ Hiệp, Chính ủy Mặt trận làm Chính ủy. Tin vui đó như một luồng gió mát nhanh chóng lan tỏa đến từng cán bộ, chiến sĩ, tạo nên một luồng sinh khí mới cho toàn đơn vị. Quá nửa đêm, chúng tôi đã đặt chân lên những xóm làng đầu tiên của vùng đồng bằng Phú Yên. Tiếng gà gáy, tiếng chó sủa, mùi oi nồng của bùn đất, những cánh đồng lúa xanh tít tắp gợi lên trong lòng mỗi chúng tôi những cảm xúc dạt dào mới mẻ.
Tiến công giải phóng Phú Yên là một nhiệm vụ khá nặng nề với Sư đoàn 320 vì phải tiến hành tác chiến trên một khu vực rộng lớn bao gồm thị xã Tuy Hòa và các huyện ven biển của tỉnh. Diện mục tiêu rộng lớn và đa dạng như vậy nhưng sư đoàn chỉ được một tuần vừa chuẩn bị vừa thực hành chiến đấu. Đoạn đường 7 từ Củng Sơn về Tuy Hòa - con đường duy nhất để đưa xe pháo và vật chất kỹ thuật vào khu vực bàn đạp thì trước đó đã bị bộ đội Phú Yên và địch gài mìn dày đặc; muốn sử dụng được phải rà phá hết sức công phu. Nhiệm vụ nặng nề ấy được giao cho Tiểu đoàn 17 công binh. Suốt mấy ngày đêm liền, các chiến sĩ công binh bám đường, bất chấp hy sinh. Không đêm nào không có mìn nổ, không có người đổ máu. Bằng tinh thần hy sinh quên mình vì nhiệm vụ, các chiến sĩ Tiểu đoàn 17 đã khai thông con đường trước giờ quy định. Đây là thắng lợi rất có ý nghĩa của ta và cũng là bất ngờ lớn đối với địch.
Một công việc quan trọng nữa đối với Sư đoàn 320 là tiến hành trinh sát các mục tiêu, tìm hiểu tình hình địch trên khu vực tác chiến. Song, được sự giúp đỡ của lãnh đạo, chính quyền cách mạng và Tỉnh đội Phú Yên, chỉ trong mấy ngày, Bộ Tư lệnh Sư đoàn đã nắm được toàn bộ tình hình địch, hoàn thành kế hoạch tác chiến và xây dựng quyết tâm. Cùng với việc giúp đỡ bộ đội trinh sát nắm địch và tiến hành các mặt chuẩn bị, Tỉnh ủy Phú Yên còn chỉ đạo lực lượng vũ trang của tỉnh và các ngành, các tổ chức quần chúng nhân dân sẵn sàng nổi dậy phối hợp với bộ đội Sư đoàn 320 chiến đấu tiêu diệt địch, giành chính quyền, giải phóng quê hương.
ĐÁNH CHIẾM TRẠM QUAN SÁT CHÓP CHÀI
Lời tác giả: 35 năm trước, trong đội hình chiến đấu của Sư đoàn 320, tôi may mắn được tham gia cuộc tiến công giải phóng Phú Yên. Nhân kỷ niệm 35 năm giải phóng Phú Yên (1/4/1975 – 1/4/2010), tôi ghi lại đôi điều về diễn biến của trận đánh dưới góc nhìn của một chiến sĩ trực tiếp cầm súng, với mong muốn để tri ân những đồng đội đã hy sinh và cả những đồng đội từng chiến đấu ở chiến trường Phú Yên hiện đang sinh sống trên mọi miền đất nước; đồng thời, cũng là để góp phần giáo dục truyền thống, bồi dưỡng tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay tiếp bước cha anh, vững tin trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và quê hương Phú Yên yêu quý của chúng ta.
|
Đêm 31/3/1975, toàn Sư đoàn 320 vào chiếm lĩnh trận địa. Đại đội tôi được tăng cường cho Trung đoàn 48 có nhiệm vụ chi viện cho Tiểu đoàn 1 tiến công đánh chiếm trạm quan sát điện tử hải quân trên đỉnh núi Chóp Chài nằm sát quốc lộ 1, đồng thời tiêu diệt các mục tiêu trên không, bảo vệ đội hình tiến công của trung đoàn từ hướng bắc xuống thị xã Tuy Hòa. Dẫn đường cho chúng tôi là một tổ du kích, trong đó có một là nữ. Đường vào vị trí chiếm lĩnh chủ yếu đi trên bờ ruộng lúa, chúng tôi thì mang vác nặng, nhiều chỗ bị lún thụt lầy lội rất khó đi, nếu không bám sát nhau thì rất dễ lạc. Nhưng được tổ du kích chỉ dẫn, chúng tôi đã vượt qua. Cho đến hôm nay, tôi vẫn nhớ cô du kích có tên Thủy, giọng Phú Yên dịu dàng, vừa kéo tay từng người lên bờ cao, vừa động viên chúng tôi bám sát đội hình. Qua khỏi cánh đồng lúa nước rộng mênh mông thì núi Chóp Chài cao nhất đã hiện ra trước mặt. Trên đỉnh núi một chùm đèn luôn nhấp nháy, thỉnh thoảng bọn địch trên điểm cao lại bắn pháo sáng ra xung quanh để canh chừng. Nhưng nhờ có pháo sáng địch soi đường mà chúng tôi đã vào vị trí trước thời gian quy định trên một quả đồi dài tiếp giáp về phía bắc với núi Chóp Chài. Đến mờ sáng thì chúng tôi hoàn thành mọi công tác chuẩn bị chiến đấu.
Trời sáng dần, lúc này tôi mới thấy dưới chân đồi là một xóm nhỏ với những nếp nhà im lìm dưới rặng dừa xanh ngắt. Kế đến là đường 1 chỉ cách trận địa chưa đầy 500m về phía tây, xe cộ đã bắt đầu thưa thớt chạy, tiếng ô tô rì rì hòa lẫn tiếng xe Honda nổ giòn ngắt quãng và tiếng xe lam nổ bành bành chậm chạp, tạo nên mớ âm thanh xa lạ mà gần gũi. Phía dưới kia, thị xã Tuy Hòa nhà cửa san sát hiện dần lên dưới lớp sương mù. Bên ngoài là biển Đông mênh mông một màu xanh mờ ảo. Núi Chóp Chài sừng sững ngay trước mặt, con đường trải nhựa chạy xoắn trôn ốc quanh thân núi từ dưới lên lúc ẩn lúc hiện, mờ dần; trên đỉnh cao chót vót, dàn ăng-ten chằng chịt, bên cạnh là khu nhà lính như những hộp hình kỳ quái.
Trời vừa sáng rõ, hiệu lệnh tấn công được phát ra bằêng quả đạn cối 155 của Tiểu đoàn 47 (Trung đoàn 54) bắn vào khu truyền tin của căn cứ pháo binh Nhạn tháp. Cùng lúc, tất cả các trận địa pháo, cối của ta đồng loạt gầm lên. Các căn cứ Nhạn tháp, Chóp Chài, tiểu khu Phú Yên, sân bay Đông Tác, chi khu quận lỵ Hiếu Xương… đều ngập chìm trong khói lửa. Chúng tôi cũng được lệnh bắn lên Chóp Chài. Cùng lúc, bốn đường đạn lửa nối đuôi nhau vút lên. Đạn 12 ly 7 căng mạnh của chúng tôi cùng với đạn pháo và cối đã làm cho khu nhà lính đổ sập từng mảng, dàn ăng ten cũng bị gãy gục, ngả nghiêng, bọn địch trên căn cứ hầu như không chống trả được phút nào. Trong lúc pháo và hỏa lực của ta bắn, các chiến sĩ Tiểu đoàn 1 đã nhanh chóng vận động lên áp sát mục tiêu. Pháo ta vừa dừng, các chiến sĩ ta đã băng lên dùng AK, thủ pháo, lựu đạn tiêu diệt những tên còn lại, nhanh chóng làm chủ Chóp Chài. Lúc này trên dọc đường 1, tiếng súng các loại của bộ binh ta cũng nổ giòn từng chập. Ngoài bờ biển Tuy Hòa, hai tàu chiến địch lù lù tiến vào, ánh chớp trên boong tàu liên tục lóe sáng, kèm theo là tiếng nổ chát chúa phía trước mặt và bên phải trận địa chúng tôi. Trên bầu trời, một chiếc máy bay trinh sát L19 đang lượn vòng gấp gáp. Một lúc lâu sau mới thấy một chiếc trực thăng từ phía nam bay ra lượn trên cao mấy vòng rồi cút mất (sau này qua lời khai của tù binh, được biết: Nhận được tin Tuy Hòa bị tấn công, thiếu tướng Phạm Văn Phú - Tư lệnh Quân khu 2 ngụy ở Nha Trang vội vàng lên trực thăng bay ra thị sát; nhưng đến nơi thấy quân giải phóng đã tràn ngập tứ phía, Phú bất lực phải quay về).
ĐỒNG LOẠT NỔ SÚNG, GIẢI PHÓNG PHÚ YÊN
Được pháo binh và hỏa lực đi cùng chi viện, một lực lượng khác của Tiểu đoàn 1 đã cùng Tiểu đoàn 2 được bộ đội địa phương và du kích hỗ trợ đã nhanh chóng tiến xuống đánh chiếm cầu Bàn Thạch và sân bay nội thị rồi chia làm hai mũi phát triển xuống thị xã lần lượt đánh chiếm Ty Cảnh sát, Tiểu khu Phú Yên và nhà lao, giải thoát hơn 300 cán bộ cách mạng của ta bị địch giam cầm rồi tiến xuống đánh chiếm hậu cứ Trung đoàn 47 ngụy…
![]() |
Bộ đội Sư đoàn 320 hành quân giải phóng Phú Yên. - Ảnh: TƯ LIỆU
|
Ở hướng tây thị xã - hướng tiến công chủ yếu, các chiến sĩ Trung đoàn 9 được pháo binh chi viện trực tiếp và xe tăng Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 273 dẫn dắt đã nhanh chóng vượt lên đánh chiếm cầu Ông Chừ và thọc một mũi vào trung tâm thị xã. Một mũi khác nhanh chóng đánh chiếm căn cứ pháo binh Nhạn tháp, nhà ga. Tiểu đoàn 4 được xe tăng yểm hộ đắc lực đã nhanh chóng đánh chiếm khu vực ngả 5, đánh thốc theo đường Trần Hưng Đạo tiến về dinh Tỉnh trưởng Phú Yên, phối hợp với Trung đoàn 48 tiêu diệt địch.
Bị đánh mạnh trong thị xã, quân địch lớp chết, lớp bị thương, hầu hết hạ vũ khí đầu hàng. Một số ngoan cố tháo chạy ra bờ biển cướp tàu thuyền đánh cá của nhân dân tháo chạy. Các chiến sĩ Trung đoàn 48 đến kịp, được bà con ngư dân giúp đỡ, anh em đã dùng thuyền đuổi theo tiêu diệt và bắt sống toàn bộ. Từ ngoài khơi một số tàu địch lao vào cửa sông dùng pháo bắn vào thị xã và sân bay hỗ trợ cho bọn địch chạy trốn. Các chiến sĩ xe tăng Đại đội 9 (Lữ đoàn 273) do Đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng (sau này được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, hiện là trung tướng - Tư lệnh Quân khu 4) chỉ huy, sử dụng xe tăng M41 vừa thu được của địch quay nòng pháo bắn cháy một tàu địch. Số tàu chiến của địch còn lại vội vã tháo chạy ra khơi, bỏ mặc đồng bọn.
Ở hướng nam, Trung đoàn 64 và Tiểu đoàn 13 Phú Yên đảm nhiệm: Ngay sau khi pháo chuyển làn, Tiểu đoàn 7 và Tiểu đoàn 9 tấn công quận lỵ Hiếu Xương; Tiểu đoàn 13 đánh chiếm thị trấn Phú Lâm. Trong khi lực lượng cơ bản của trung đoàn tiến đánh quận lỵ Hiếu Xương thì Tiểu đoàn 8 chốt giữ đường 1 ở đoạn cầu sông Ván chặn đánh một đoàn xe hỗn hợp hơn 100 chiếc từ phía thị xã chạy xuống; song do đơn vị bố trí trận địa trên sườn núi đá hơi xa đường, lại bị hỏa lực trên xe tăng, thiết giáp của địch bắn trả quyết liệt nên tiểu đoàn chỉ diệt được nửa sau, còn lại chúng đã chạy thoát vào phía trong. Lúc 8 giờ 20, Tiểu đoàn 7 và 9 làm chủ quận lỵ Hiếu Xương, lập tức được lệnh phát triển đánh chiếm sân bay Đông Tác. Tại đây, anh em phát hiện một bộ phận lớn quân địch đang tháo chạy ra phía bờ biển, liền tổ chức truy kích và đã bắt được hơn 300 tên, thu nhiều vũ khí. Trên đường truy kích, Trung đội trưởng Đàm Việt Hùng (thuộc Đại đội 9, Tiểu đoàn 9) dẫn đầu một mũi chiến đấu đã tóm được chuẩn tướng Trần Văn Cẩm, Phó Tư lệnh Quân đoàn 2 ngụy, Tư lệnh chiến trường Phú Yên đang nằm giả chết bên một hố cát. Ở một chỗ khác, tên đại tá Vi Văn Bình, Thanh tra Quân đoàn 2 cũng bị các chiến sĩ ta tóm cổ khi đang cải trang chạy trốn. Đây là lần thứ hai, viên đại tá này bị các chiến sĩ Tây Nguyên bắt làm tù binh; lần trước là ngày 24/4/1972 ở căn cứ Tân Cảnh (Kon Tum), lúc đó Bình là Sư phó Sư đoàn 22 ngụy.
Phối hợp nhịp nhàng với các mũi tiến công của Sư đoàn 320, các Tiểu đoàn 96, 189 và Đại đội 25 đặc công Phú Yên cũng đã lợi dụng thời cơ địch đang choáng váng, nhanh chóng tổ chức đánh chiếm các khu vực Quy Hậu, Núi Sầm, Phước Khánh, Phước Hậu... Sau đó, phát động nhân dân nổi dậy truy lùng, tiêu diệt, làm tan rã bọn ngụy quân, ngụy quyền, giành chính quyền ở các xã xung quanh thị xã Tuy Hòa và các huyện lân cận.
Đến 9 giờ ngày 1/4/1975, quân ta hoàn toàn làm chủ thị xã Tuy Hòa, quận Hiếu Xương, sân bay Đông Tác... Chúng tôi tiến xuống đường 1, xác xe, súng đạn, quần áo, giày, mũ binh lính địch trút bỏ bừa bãi khắp nơi. Trên đường, xe Honda, xe lam, ô tô các loại của nhân dân cắm cờ giải phóng chở bộ đội, du kích chạy ngược xuôi rầm rập. Được giải phóng, nhân dân thị xã Tuy Hòa mừng vui khôn xiết. Khắp thị xã rợp đỏ cờ sao. Cờ tung bay trên cửa hiệu, trên nóc nhà, ngoài đường phố. Bà con ở các phố phường, thôn xóm đổ ra vây quanh bộ đội giải phóng mừng mừng, tủi tủi như đón người thân lâu ngày mới trở về. Nhiều người còn mang hoa quả, bánh trái, thực phẩm đến tặng bộ đội. Là những người đã từng có những năm tháng chiến đấu gian khổ, ác liệt ở núi rừng Tây Nguyên, bây giờ được tiến xuống đồng bằng, tới được bờ biển miền Trung dạt dào nắng gió, lại còn được sống trong sự yêu thương nồng ấm của nhân dân, mỗi chúng tôi không ai là không trào nước mắt.
Thừa thắng, Trung đoàn 48 được lệnh để lại Tiểu đoàn 3 bảo vệ địa bàn, lực lượng còn lại lập tức hành tiến bằng cơ giới có xe tăng phối hợp tiến ra phía bắc, tiến công giải phóng các huyện Tuy An, Sông Cầu. Đoàn quân của Trung đoàn 48 tiến đến đâu, lập tức được bộ đội địa phương, du kích và quần chúng nhân dân tại chỗ phối hợp tiến công, nhanh chóng tiêu diệt, làm tan rã quân địch. Đến 15 giờ cùng ngày, Trung đoàn 48 và các lực lượng tăng cường đã hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ.
Thế là chỉ trong vòng một ngày chiến đấu quyết liệt, Sư đoàn 320 chúng tôi đã kết hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang địa phương giải phóng hoàn toàn tỉnh Phú Yên. Đây là trận đánh phối hợp đẹp mắt giữa bộ đội chủ lực với bộ đội địa phương, giữa tiến công với nổi dậy diệt ác phá kìm của quần chúng nhân dân.
Trong khi Sư đoàn 320 chúng tôi tiến công giải phóng tỉnh Phú Yên, thì ở phía nam, một cánh quân khác của Quân đoàn gồm Sư đoàn 10, Trung đoàn 25, lực lượng xe tăng Lữ đoàn 273 và pháo binh Lữ đoàn 40 từ thị xã Buôn Ma Thuột vừa được giải phóng tiến xuống theo quốc lộ 21. Sau khi tiến công tiêu diệt lữ dù 3 ngụy chốt giữ đèo Phượng Hoàng đã tràn xuống lần lượt giải phóng quận lỵ Ninh Hòa, thành phố Nha Trang, đến chiều ngày 3/4/1975 thì giải phóng quân cảng Cam Ranh và toàn tỉnh Khánh Hòa.
Chiến dịch Tây Nguyên đại thắng, một vùng cao nguyên rộng lớn cùng hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa của vùng đồng bằng duyên hải Nam Trung Bộ được giải phóng đã cắt đôi miền Nam, tạo ra thời cơ chiến lược có ý nghĩa quyết định thắng lợi cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam trong mùa xuân đại thắng 1975.
Đại tá NGUYỄN HÙNG TẤN
Nguyên chiến sĩ Sư đoàn 320 năm 1975