Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác kiểm tra của Đảng

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác kiểm tra của Đảng

Công tác kiểm tra có vai trò, vị trí rất to lớn, quan trọng đối với sự lãnh đạo của Đảng và với sự nghiệp đấu tranh cách mạng. Lê-Nin từng nói: Có lãnh đạo mà không kiểm tra, coi như không lãnh đạo.

Công tác kiểm tra có vai trò, vị trí rất to lớn, quan trọng đối với sự lãnh đạo của Đảng và với sự nghiệp đấu tranh cách mạng. Lê-Nin từng nói: Có lãnh đạo mà không kiểm tra, coi như không lãnh đạo. Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã chỉ rõ: “Công việc của Đảng và Nhà nước ngày càng nhiều. Muốn hoàn thành tốt mọi việc thì toàn thể đảng viên và cán bộ phải chấp hành nghiêm chỉnh đường lối và chính sách của Đảng. Và muốn như vậy, thì các cấp ủy đảng phải tăng cường công tác kiểm tra. Vì kiểm tra có tác dụng thúc đẩy và giáo dục đảng viên và cán bộ làm tròn nhiệm vụ đối với Đảng, đối với Nhà nước, làm gương mẫu tốt cho nhân dân. Do đó mà góp phần vào việc củng cố Đảng về tư tưởng, về tổ chức” (Bài nói tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra của Đảng ngày 29/7/1964).

bh-090512.jpg

Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa một phiên họp toàn thể Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam- Ảnh:  T.LIỆU

Công tác kiểm tra theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng ta bao gồm hai mặt chủ yếu. Đó là kiểm tra việc chấp hành đường lối, chính sách của Đảng và kiểm tra việc thực hiện các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, giữ gìn kỷ luật trong Đảng.

Trong kiểm tra, có kiểm tra đảng viên, cấp ủy viên, và tổ chức Đảng về những nội dung nói trên, đồng thời cần có cơ chế phát huy dân chủ bảo đảm cho mọi cán bộ, đảng viên đều có quyền và trách nhiệm tham gia vào công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện những ưu điểm để phát huy cũng như những khuyết điểm để uốn nắn, xử lý kịp thời, hiệu quả.

Nói chuyện tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra của Đảng (ngày 29/7/1964) Bác Hồ nhấn mạnh: “Mỗi đảng viên, mỗi chi bộ, mỗi cấp ủy đảng phải luôn luôn tăng cường công tác tư tưởng của Đảng, nâng cao đạo đức cách mạng, bảo đảm chặt chẽ kỷ luật và tổ chức của Đảng.

Các ủy ban kiểm tra phải góp phần xứng đáng vào công tác đó. Muốn làm được như vậy, các ủy ban và cán bộ kiểm tra phải học tập và thấm nhuần đường lối, quan điểm của Đảng, phải luôn luôn chú ý nâng cao khả năng chuyên môn, phải cố gắng công tác, trau dồi đạo đức cách mạng. Đặc biệt là phải nâng cao ý thức tổ chức và kỷ luật, phải thật thà phê bình và tự phê bình để làm gương mẫu trong việc chấp hành kỷ luật của Đảng. Phải chí công vô tư, không thiên vị, không thành kiến. Như thế thì mới làm tốt được công tác kiểm tra”.

Quán triệt tư tưởng của Người, công tác kiểm tra của Đảng luôn hoạt động tích cực, có hiệu quả, góp phần vào thành tựu chung của cách mạng qua các thời kỳ và của công cuộc đổi mới đất nước, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, trước yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước. Điều này đã được thể hiện trong kết quả thực tiễn.

Chỉ tính trong nửa nhiệm kỳ qua, Ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra 43.310 đảng viên và 8.808 tổ chức đảng có dấu hiệu vi phạm, xử lý kỷ luật 18.593 đảng viên và 720 tổ chức đảng; kiểm tra 102.708 tổ chức đảng, cấp dưới về thi hành kỷ luật trong Đảng, phát hiện 306 trường hợp thi hành kỷ luật không đúng thẩm quyền, 160 trường hợp vi phạm, phải kỷ luật, nhưng không bị kỷ luật, đã giám sát 42.429 đảng viên và 11.275 tổ chức, giải quyết tố cáo đối với 12.430 đảng viên và 462 tổ chức đảng (Tạp chí kiểm tra số 1-2009).

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, công tác kiểm tra còn bộc lộ những mặt hạn chế. Điều này sinh thời Bác Hồ cũng đã từng nhắc nhở. Đó là “có một số cấp ủy đảng coi nhẹ và không chú ý lãnh đạo công tác kiểm tra. Thậm chí có ủy viên tỉnh và huyện cho công tác kiểm tra là “vạch lá tìm sâu”, làm giảm thành tích của địa phương mình”. Hoặc như: “Công tác kiểm tra còn bị động và nặng về giải quyết những vụ vi phạm kỷ luật trước mắt, chưa chủ động về việc giải quyết toàn diện. Để giữ gìn kỷ luật và chấp hành Điều lệ của Đảng, để nâng cao ý thức của đảng viên và cán bộ một cách căn bản, lâu dài.

Việc xử lý kỷ luật, xét thư khiếu nại làm còn chậm chạp. Kiểm tra đảng viên phạm sai lầm còn chưa chủ động. Việc hướng dẫn, vận dụng phương châm kỷ luật chưa được chặt chẽ, để cho kỷ luật Đảng có chỗ bị buông lỏng, vì vậy mà thiếu tác dụng giáo dục và ngăn ngừa đảng viên khỏi phạm kỷ luật” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 11, trang 300-301).

Vì có những yếu kém, hạn chế nói trên, nên đã để xảy ra tình trạng: “Có cán bộ, đảng viên lợi dụng quyền thế của Đảng và Nhà nước làm những việc trái với chính và pháp luật, xâm phạm đến lợi ích vật chất và quyền tự do, dân chủ của nhân dân nhưng cũng chưa bị xử phạt kịp thời (Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 11, trang 575).

Do đó, trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 12 (khóa III) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ngày 27/12/1965, Người yêu cầu: “Cần phải tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc và đề cao kỷ luật của Đảng, Nhà nước”.

Nhân dịp kỷ niệm ngày sinh của Bác Hồ (19/5) và 40 năm thực hiện Di chúc của Người (1969-2009), nhận thức rõ nội dung, tầm quan trọng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác kiểm tra để góp phần làm tốt công tác xây dựng Đảng là điều có ý nghĩa thiết thực, to lớn. Vì vậy, những lời căn dặn của Người cách đây nửa thế kỷ đối với ngành kiểm tra Đảng vẫn luôn có giá trị đối với chúng ta hôm nay.

TS NGUYỄN XUÂN THÔNG

Từ khóa:

Ý kiến của bạn