Việt Nam công bố báo cáo về nhân quyền

Việt Nam công bố báo cáo về nhân quyền

Báo cáo quốc gia kiểm điểm định kỳ việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam được Bộ Ngoại giao công bố chính thức ngày 23/4 khẳng định Nhà nước Việt Nam coi con người là mục tiêu và động lực của mọi chính sách phát triển kinh tế-xã hội và luôn nhất quán trong việc đảm bảo, thúc đẩy các quyền con người.

Báo cáo quốc gia kiểm điểm định kỳ việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam được Bộ Ngoại giao công bố chính thức ngày 23/4 khẳng định Nhà nước Việt Nam coi con người là mục tiêu và động lực của mọi chính sách phát triển kinh tế-xã hội và luôn nhất quán trong việc đảm bảo, thúc đẩy các quyền con người. Báo cáo này sẽ được trình bày tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại Geneve (Thụy Sĩ ) vào ngày 8/5.

Bản báo cáo bao gồm 88 điểm đánh giá toàn diện về việc bảo vệ, thúc đẩy nhân quyền ở cấp quốc gia, các bài học kinh nghiệm thành công, thách thức, cũng như các ưu tiên quốc gia, cam kết tiếp tục hợp tác với các quốc gia khác, với Liên Hợp Quốc, các cơ quan của tổ chức này để đảm bảo ngày càng tốt hơn việc thụ hưởng các quyền và tự do cơ bản của con người trên lãnh thổ Việt Nam và trên toàn thế giới.

dan-so-phat-trien-090425.jpg
Trẻ em Việt Nam được chăm sóc và giáo dục ngày càng tốt hơn - Ảnh: THU THỦY

MỘT TRONG NHỮNG QUỐC GIA ĐẦU TIÊN ĐẠT MỤC TIÊU THIÊN NIÊN KỶ VỀ XÓA ĐÓI GIẢM NGHÈO TRƯỚC THỜI HẠN

Theo xếp hạng của Liên Hợp Quốc, chỉ số phát triển con người (HDI) đạt 105/177 nước; chỉ số giới (GDI) của Việt Nam đạt 91/157 nước. Việt Nam có tên trong danh sách các nước xây dựng được số đo về sự trao quyền cho giới (GEM) với vị trí 52/93 nước.

Đây cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam trong vòng 5 năm tới để tiếp tục đạt được nhiều tiến bộ hơn nữa trong việc đảm bảo các quyền của người dân. Giảm nghèo toàn diện, bền vững luôn được xác định là mục tiêu xuyên suốt của quá trình phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam . Sau hơn 20 năm đổi mới, mức sống của các tầng lớp dân cư được cải thiện rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ dưới 200 USD/người năm 1990 lên 1.024 USD/người năm 2008. Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia giảm từ hơn 60% (năm 1990) xuống còn 13,8% (năm 2008). Chuẩn nghèo quốc gia của Việt Nam từng bước được nâng lên và đang dần tiếp cận với chuẩn nghèo quốc tế. Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm đến các nhóm dễ bị tổn thương như trẻ em, phụ nữ, dân tộc thiểu số, người khuyết tật. Nhà nước Việt Nam luôn cam kết bảo vệ và đạt được những thành tựu đáng khích lệ về đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các đối tượng này. Khoảng 8,4 triệu trẻ, chiếm trên 90% trẻ em dưới 6 tuổi được phát thẻ khám chữa bệnh miễn phí; tỉ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi ngày càng cao; cơ bản đã tạo được môi trường vui chơi giải trí an toàn, lành mạnh cho trẻ em... Xác định việc đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư cho phát triển, ngân sách cho giáo dục tăng hàng năm, chiếm 20% tổng chi ngân sách Nhà nước.

ĐẢM BẢO ĐỜI SỐNG TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO, QUYỀN TỰ DO NGÔN LUẬN

Việt Nam có khoảng 20 triệu người theo các tôn giáo khác nhau và 80% người dân có đời sống tín ngưỡng. Nhà nước Việt Nam nhìn nhận tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu chính đáng của con người, không ngừng phấn đấu đảm bảo đời sống tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân. Các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam chủ động tham gia nhiều hoạt động y tế, văn hóa, xã hội, nhân đạo… đóng góp cho quá trình xây dựng đất nước, đồng thời có quan hệ quốc tế rộng rãi; đại diện chức sắc các tôn giáo tham gia nhiều diễn đàn quốc tế, đối thoại tôn giáo, tín ngưỡng, giao lưu học hỏi, trao đổi giáo lý, giáo luật tại các diễn đàn lớn như ASEM, ASEAN… Đặc biệt, Việt Nam đã tổ chức thành công đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc năm 2008 (Vesak) với sự tham dự của hơn 4.000 tăng ni, phật tử trong đó có khoảng 2.000 chức sắc, tín đồ đến từ 74 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Tính minh bạch, dân chủ của hệ thống Nhà nước được tăng cường thông qua vai trò phản biện xã hội của hệ thống báo chí, truyền thông, các đoàn thể nhân dân. Báo chí Việt Nam trở thành diễn đàn ngôn luận của các tổ chức xã hội, nhân dân; là lực lượng quan trọng trong công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật của các cơ quan Nhà nước, góp phần mạnh mẽ vào quá trình chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam. Tính đến năm 2008, cả nước có hơn 700 cơ quan báo chí in với 850 ấn phẩm, gần 15.000 nhà báo được cấp thẻ, 68 đài phát thanh, truyền hình của trung ương, cấp tỉnh và đài truyền hình kỹ thuật số mặt đất; 80 báo điện tử và hàng nghìn trang tin điện tử trên mạng internet, 55 nhà xuất bản.

Trong năm bài học kinh nghiệm thành công được rút ra, bài học đầu tiên được Việt Nam đưa ra là đặt nhân tố con người vào trung tâm của sự phát triển đất nước. Mọi chính sách phát triển của Việt Nam luôn lấy con người làm trung tâm; phát triển kinh tế vì con người; tăng trưởng kinh tế gắn liền với bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội ngay trong từng bước phát triển, từng chính sách phát triển; tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, giáo dục, nâng cao dân trí, bảo vệ, cải thiện môi trường.       

 (chinhphu.vn)

Từ khóa:

Ý kiến của bạn