Lá thư gởi lại

Lá thư gởi lại

Bài viết xúc động của đồng chí Vũ Văn Thoại, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, về những kỷ niệm với liệt sĩ Nguyễn Việt Dũng, người bạn, người đồng chí của ông trong kháng chiến chống Mỹ.

LTS: Gần cuối cuộc chiến tranh chống Mỹ, khi xác định mình không thể vượt qua cơn sốt rét ác tính, đồng chí Việt Dũng (liệt sĩ Nguyễn Việt Dũng; nguyên ủy viên Ban Thường vụ Huỵên ủy, Trưởng ban Tuyên huấn huyện ủy tuy An năm 1974 đã viết lá thư cuối cùng cho người bạn thân Việt Hùng (đồng chí Vũ Văn Thoại, lúc ấy là ủy viên Ban Thường vụ huyện ủy, phụ trách khối dân văn kiêm Bí thư Huyện Đoàn) như một lời nhắn gởi tâm huyết trước lúc đi xa.

35 năm trôi qua, đồng chí Vũ Văn Thoại luôn giữ bức thư này như một kỷ vật vô giá. Bài viết của tác giả như một nén nhang lòng tưởng niệm đồng đội đã ngã xuống cho Tổ quốc quyết sinh và dâng lên các bà mẹ Việt Nam đã bao lần tre già khóc măng non vì sự nghiệp giải phóng quê hương thống nhất đất nước.

2-090401.jpg

Liệt sĩ Nguyễn Việt Dũng – Ảnh: MINH KÝ (chụp lại)

Tôi nhận được lá thư sau cùng của Nguyễn Việt Dũng khi đang công tác ở một nơi rất sâu trong vùng địch. Đọc thư, tôi nhận ra một điều rằng, đây có lẽ là những lời tâm sự cuối cùng của một người bạn, một người đồng chí. Dũng viết: Mình không thể nào kéo dài thêm sự sống vì bệnh quá nặng. Lẽ ra nếu không có gì trục trặc thì giờ này mình đã đến Khu 5. Thế nhưng tình trạng sức khoẻ không cho phép, nên các bác sỹ quyết định giữ mình ở lại điều trị, mà ở lại trong tình cảnh này thì rất ít hy vọng có thể vượt qua!

Thoại, mình thấy tiếc quá, tiếc nhiều điều, nhưng biết làm sao được. Mình thương bà già, thương chị Ngọc, rồi đây sẽ chỉ còn hai người phụ nữ nương tựa nhau. Ba mình hy sinh, các chị, em mình lần lượt hy sinh hết. Bà hy vọng còn mình là trai, thế mà giờ đây mình cũng đã cận kề cái chết. Mình nói điều này không biết có bi quan lắm không, nhưng kỳ thực mình rất hiểu sức mình. Cái lách cứ ngày càng to thêm, to gần tràm cả vùng bụng, sờ cứng như hòn đá và đau lắm Thoại ạ. Thế nhưng, nguy hiểm hơn là gan, các bác sỹ xác định là gan có vấn đề, mà mình cũng thấy vậy. Mấy ngày nay ăn uống không được như trước nữa, ăn vào là cứ muốn nôn mửa ra.

Thoại, trong những giờ phút như thế này mình thương nhớ Thoại hơn bao giờ hết. Tuy chúng mình chưa sống nhiều với nhau, nhưng từng ấy cũng đã đủ để mình hiểu nhau, để tin cậy và quý mến nhau. Dù mình phải từ giã cõi đời này, thì hình ảnh mà mình vẫn luôn có, đó là Thoại. Thoại trước sau vẫn là người bạn thủy chung, cùng cam cộng khổ, vui buồn có nhau. Mình cứ nhớ hễ mỗi lần đi công tác, mình thường hay nhắc nhau là cần thận trọng. Thận trọng không bao giờ thừa và cho đến bây giờ mình vẫn nghĩ như vậy. Mọi sơ xuất trong chiến tranh không gì có thể bù đắp được.

Thoại, vật kỷ niệm duy nhất mình gởi lại cho Thoại trước khi lên đường đi chữa bệnh là khẩu K59 mà một người lãnh đạo Khu 5 tặng cho mình trong chuyến đi tập huấn hơn một năm trước, không biết Thoại đã nhận được chưa. Nếu nhận được rồi thì hãy giữ nó và sử dụng trong chiến đấu. Và mình mong rằng Thoại hãy coi nó như là hiện thân của chính mình.

Hôm mình mang ba lô lên đường, không có Thoại. Mình đi một vòng quanh các cơ quan để chia tay, nhưng rất vắng vẻ. Tất cả đều đang ở phía trước. Bây giờ mỗi lần nhớ Thoại, nhớ anh em, là mình cứ hình dung mọi điều đang diễn ra từng giây, từng phút hết sức sôi động và khốc liệt ở địa bàn. Nhớ thương, lo lắng đè nặng trong lòng.

Thoại, mình muốn nói rất nhiều với Thoại  vì mình nghĩ chắc đây là lần cuối cùng ta nói với nhau, thế nhưng mình đã quá mệt nên đành phải dừng lại. Mình mong và tin rằng Thoại và nhiều đồng chí nữa có thể sống đến ngày toàn thắng!

Ôm hôn người bạn thân thiết,

                           

 Việt Dũng.

Tôi sững sờ, nước mắt ràn rụa khi đọc xong những dòng cuối cùng của lá thư cuối cùng của Nguyễn Việt Dũng. Tôi biết chắc rằng, một khi Dũng đã phải nói những điều như thế trong thư, thì mọi sự cứu chữa hầu như vô vọng. Tôi chưa biết phải làm thế nào để chia sẻ với Dũng trong tình cảnh hết sức bi đát này… thì chuyến giao liên kế tiếp sau, anh em báo tin là Dũng đã từ trần.

3-090401.jpg

Chủ tịch nước Lê Đức Anh và phu nhân thăm gia đình Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Luận 01/1996   – Ảnh: MINH KÝ

Tôi lặng thầm khóc, lặng thầm xót thương, lặng thầm nuối tiếc một con người vừa tài hoa, vừa đức độ. Một con người mà cuộc sống đã vượt lên trên mọi định kiến hẹp hòi, luôn chân thành, gần gũi, sẻ chia, hết lòng vì anh em, đồng đội. Một con người mà niềm lạc quan luôn là sợi dây xuyên suốt trong mọi ứng xử…

Tôi đưa Mẹ Dũng lên thăm mộ con mình vào một buổi chiều không lâu sau ngày Dũng mất. Nhìn người mẹ tất tả, ngược xuôi, vào tù ra tội, hết khóc cho chồng rồi lại khóc cho con, và chiều nay, bên nấm mộ con, dưới cánh rừng già u tịch, chỉ có gió đại ngàn mênh mông mà lòng tôi đau như cắt. Tôi cẩn thận sửa lại mấy viên đá quanh mộ bị xô lệch. Còn Bà, hai bàn tay run run, chậm rãi lần dò từng chút trên nấm mộ. Bà đâu ngờ rằng, lần gặp gỡ đứa con thân yêu của mình gần đây nhất để tiễn con lên đường ra Bắc chữa bệnh, với sự chuẩn bị hết sức chu đáo của Bà cho chuyến đi dài ngày của con trên Trường Sơn lại là lần gặp gỡ sau cùng. Bây giờ con Bà lại nằm đây một mình, lặng lẽ… Bà lại đưa tay lần dò phần mộ của con từ đầu đến cuối, hai tay nâng niu lướt nhẹ như sợ xao động làm con bà thức giấc. Hai hàng nước mắt cứ thế tuôn trào, uất nghẹn.

              

Tôi không nhớ là Bà đã vật vã bao lâu bên mộ người con trai mà Bà thương yêu nhất. Bởi khi tôi động viên, đỡ Bà đứng dậy để đi về, thì hai chân Bà không thể bước đi được nữa, phải khó khăn lắm hai bác cháu mới về đến được cơ quan…

Tôi nghĩ rằng, trên đời này không có người mẹ nào không thương con, nhưng với Bà, tình thương dành cho con gần như vô tận. Chồng Bà hy sinh, các con Bà lần lượt hy sinh hết. Người con gái đầu lòng bị thương phải ra Bắc điều trị, giờ Bà chỉ còn người con trai- niềm hy vọng vô cùng của Bà - cũng bỏ Bà ra đi tiếp. Đành rằng, chiến tranh là hy sinh, mất mát, nhưng trong hoàn cảnh của Bà, thì đó là sự chịu đựng đến tột cùng của một người mẹ, một người vợ- Có thể nói Bà như cây phong ba trước bão táp, Bà vẫn đứng đó vững vàng trước mọi đau thương, thử thách. Bà tiếp tục sống và dành trọn cuộc sống của mình cho cuộc đấu tranh vì tự do và hạnh phúc. Với bà, ai cũng nghĩ rằng, Bà  chính là hiện thân của sự hy sinh  vô bờ bến, là một trong những tấm gương tiêu biểu của lòng kiên trung, bất khuất, của nghĩa nước, tình nhà thuỷ chung son sắt.

Bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng và đứa con trai thân yêu của Bà:  Nguyễn Việt Dũng cũng được Nhà nước truy tặng danh hiệu liệt sỹ vì sự hy sinh cống hiến đến hơi thở cuối cùng của người chiến sỹ cách mạng.

Đầu xuân Bính Tý 1996, Chủ tịch nước Lê Đức Anh và phu nhân đã đến thăm Bà tại nhà riêng của Bà để tỏ lòng tri ân của đất nước về một gia đình, về một người mẹ có quá nhiều những hy sinh, mất mát trong chiến tranh.

Từ trong sâu thẳm của trái tim mình tôi luôn tâm niệm một điều rằng, chắc Việt Dũng cũng sẽ tràn đầy hạnh phúc khi thấy người mẹ kính yêu nhất của mình được sống những năm tháng cuối đời của Bà trong sự kính trọng và yêu thương vô bờ của chị Ngọc- người con gái duy nhất còn lại sau chiến tranh – và của người con rể hết lòng, rất mực. Đặc biệt, có lẽ niềm vui lớn nhất của Bà, niềm hạnh phúc vô biên của Bà chính là Bà được tận mắt nhìn thấy hai đứa cháu ngoại  yêu quý ngày một lớn khôn, ngày một trưởng thành.

Những tưởng, niềm hạnh phúc vô cùng ấy sẽ đi cùng với Bà thêm nhiều năm nữa, thế nhưng cơn bạo bệnh khắc nghiệt đã đưa Bà sang thế giới bên kia. Những ngày cuối cùng của Bà thật sự là những ngày tôi không cầm lòng được. Song với Bà, dù có đau đớn đến mức nào đi nữa, thì câu hỏi đầu tiên của Bà đối với tôi, mỗi lần tôi đến thăm Bà, vẫn là: “Má có mạnh giỏi không con !” và rồi ký ức của những năm tháng chiến tranh, tù tội, đòn roi, tra tấn của kẻ thù đối với hai Bà mẹ lại hiện về bi hùng, không dứt…

Bây giờ, khi cuộc chiến tranh đã ngày càng lùi xa vào quá khứ và khi mà cuộc sống, bên cạnh biết bao điều tốt đẹp cũng đã xuất hiện đây đó những trăn trở, thì ý nghĩ về những gì sâu nặng, đẹp đẽ trong chiến tranh, trong quan hệ đồng chí, đồng đội lại càng bùng lên khó tả.

Tôi cứ nghĩ và tin rằng dù phải trải qua quanh co, thác ghềnh đến đâu đi nữa, thì những giá trị đích thực mà cuộc sống nhằm đạt tới sẽ không vì thế mà mai một và cũng chính từ những giá trị đích thực đó đã và sẽ tiếp tục đào luyện nên những con người và chính họ sẽ mang lý tưởng cách mạng, lý tưởng vì một cuộc sống đẹp đẽ đến đích cuối cùng.

Lá thư năm xưa, lá thư đã vượt qua lớp thời gian hơn ba mươi năm, mà với tôi nó vẫn mới như ngày nào. Gần gũi quá, sâu đậm quá!!!

Vẫn còn đó trọn vẹn nỗi nhớ thương, nặng lòng với Việt Dũng, Dũng ơi!

Những ngày đầu tháng 4/2009.

Nhân  kỷ niệm 34 năm giải phóng Phú Yên, giải phóng Miền Nam thống nhất Tổ quốc.

                         

  Kính tặng mẹ Việt Nam anh hùng quá cố  Nguyễn Thị Luận

VŨ VĂN THOẠI

Từ khóa:

Ý kiến của bạn