Ngày 17/12, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2025. Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành trung ương và địa phương.
Tại điểm cầu Phú Yên, đồng chí Hồ Thị Nguyên Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ngành liên quan tham dự.
Năm 2024, công tác tư pháp đạt được nhiều kết quả quan trọng. Bộ Tư pháp cùng các bộ, ngành đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 28 luật, 5 nghị quyết. Riêng Bộ Tư pháp đã chủ trì, xây dựng, trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua 3 luật, 1 nghị quyết. Toàn ngành đã tham mưu xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 832 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Cơ quan tư pháp tại các địa phương đã phối hợp tham mưu ban hành 4.832 VBQPPL cấp tỉnh, 2.144 VBQPPL cấp huyện và 2.629 VBQPPL cấp xã.
Cùng với đó, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật được các bộ, ngành triển khai quyết liệt. Công tác kiểm tra, rà soát VBQPPL truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật được thực hiện kịp thời, hiệu quả. Công tác thi hành án dân sự đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay với gần 621.000 việc được thi hành xong, thu được trên 117.000 tỉ đồng. Thể chế trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp được hoàn thiện đáp ứng yêu cầu phòng chống tham nhũng, tiêu cực và quản lý nhà nước. Đến nay, 63 tỉnh, thành phố đã triển khai thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID và được người dân đón nhận tích cực…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đề nghị, năm 2025, Bộ Tư pháp cần kịp thời quán triệt, tham mưu thể chế hóa đầy đủ, triển khai thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đến các lĩnh vực công tác của bộ, ngành, nhất là công tác xây dựng và thi hành pháp luật theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm; đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Đồng thời phối hợp các bộ, ngành liên quan xây dựng các VBQPPL; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo hành lang pháp lý để hệ thống chính trị hoạt động hiệu quả “tinh, gọn, mạnh”; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật; tập trung giải quyết các vụ việc trọng điểm, phức tạp, kéo dài, đẩy mạnh thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế và các nội dung quan trọng khác…
NGỌC DUNG