Sáng 5/12, khởi đầu ngày làm việc thứ hai, Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh khóa VIII, các đại biểu thảo luận theo từng tổ, tập trung bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN và an sinh xã hội của tỉnh trong thời gian đến.
ĐẠI BIỂU TRƯƠNG NGỌC TUẤN, GIÁM ĐỐC SỞ NỘI VỤ: Tạm dừng tuyển công chức đến khi có hướng dẫn mới
Năm 2024, công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều chuyển biến tích cực. Nổi bật là tỉ lệ hồ sơ trả đúng và trước hạn toàn tỉnh duy trì trên 97%; các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đều được cơ quan liên quan trả lời. Nhiều chỉ số liên quan đến cải cách hành chính tăng cao so với mức trung bình chung cả nước.
Tuy nhiên, hiện tình trạng trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ vẫn còn xảy ra, chủ yếu ở lĩnh vực đất đai. Tỉ lệ đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, đầu tư cho chuyển đổi số phục vụ chính quyền điện tử chưa cao… gây ảnh hưởng chung đến chỉ số cải cách hành chính. Thời gian tới, UBND tỉnh cần chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tạo đột phá trong công tác cải cách hành chính.
Một hoạt động cũng được nhiều cử tri và đại biểu quan tâm là tuyển dụng công chức, viên chức. Theo đó, năm 2024, 9/9 huyện, thị xã, thành phố đều tổ chức thi tuyển; ngành Y tế cũng đang xét tuyển viên chức. Mới đây, tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tình hình KT-XH năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển KT-XH năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu cả nước tạm dừng việc tuyển công chức từ ngày 1/12/2024 cho đến khi hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo định hướng của trung ương. Đề nghị tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo này của trung ương đến khi có hướng dẫn mới.
ĐẠI BIỂU NGUYỄN VĂN HÀO, PHÓ GIÁM ĐỐC ĐIỀU HÀNH SỞ TÀI CHÍNH: Hỗ trợ phục hồi kinh tế, nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2024 ước đạt 5.120 tỉ đồng, bằng 95% dự toán trung ương và tỉnh giao (tăng 22% so với cùng kỳ). Riêng khoản thu tiền sử dụng đất thấp hơn so với các khoản thu khác, ước đạt 1.645 tỉ đồng, bằng 68% dự toán trung ương và tỉnh giao, hụt giảm 775 tỉ đồng. Tuy một số nguồn thu giảm so với dự toán nhưng các nguồn thu thuế, phí, lệ phí khác đã bù đắp được khoản giảm này, đảm bảo cân đối chung phục vụ chi thường xuyên.
Dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2025 là 5.540 tỉ đồng. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh đã tăng cường các giải pháp hỗ trợ phục hồi kinh tế; tập trung cải cách hành chính, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, huy động tối đa các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế, kỹ thuật nhằm phát triển KT-XH, nâng cao thu nhập cho người dân và cũng là biện pháp nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài cho ngân sách nhà nước.
Đồng thời tăng cường khả năng dự báo thu ngân sách nhà nước, nâng cao tính hiệu quả trong công tác quản lý đầu tư công, gắn với các mục tiêu kế hoạch đã đề ra; thực hiện chi tiêu công tiết kiệm, hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ và minh bạch thu, chi ngân sách nhà nước, nhất là đối với nguồn vốn đầu tư công.
Tiếp tục cải thiện cơ cấu chi ngân sách nhà nước theo hướng ưu tiên nguồn lực cho đầu tư phát triển, nâng dần tỉ trọng trong tổng chi; thực hiện cải cách tiền lương, các chính sách an sinh xã hội; hỗ trợ người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội.
ĐẠI BIỂU NGUYỄN THÁI HÒA, PHÓ GIÁM ĐỐC PHỤ TRÁCH SỞ TN&MT: Xử lý nghiêm những cơ sở gây ô nhiễm môi trường
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 280 cơ sở chăn nuôi heo, trong đó có 23 trang trại đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (12 trang trại đang hoạt động, 11 trang trại chưa hoạt động). Có 51 cơ sở thuộc đối tượng cam kết bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường được UBND cấp huyện cấp giấy xác nhận; còn lại là các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình.
Thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh và địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát các trang trại chăn nuôi này. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục, xử lý nghiêm những cơ sở gây ô nhiễm môi trường.
Để giảm thiểu, hạn chế mùi hôi đặc trưng tại các trang trại chăn nuôi, tỉnh đã mời đoàn chuyên gia môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi của Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam về khảo sát, đưa ra các giải pháp giảm mùi và đề xuất các giải pháp khả thi, thích hợp để có thể áp dụng tại các trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Thời gian tới, Sở TN&MT tiếp tục phối hợp các sở, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm những cơ sở gây ô nhiễm môi trường.
ĐẠI BIỂU PHAN TRẦN VẠN HUY, CHỦ TỊCH UBND TX SÔNG CẦU: Bổ sung nguồn lực đưa Sông Cầu lên thành phố
Thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU, ngày 18/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo, xây dựng và phát triển TX Sông Cầu lên thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2025, tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ xem xét thông qua Nghị quyết về việc tán thành chủ trương thành lập các phường thuộc TX Sông Cầu và thành lập TP Sông Cầu. Đây là chủ trương rất đúng đắn của Đảng và Nhà nước, nhằm từng bước nâng cao đời sống của người dân.
Thời gian qua, xác định việc xây dựng và phát triển TX Sông Cầu trở thành thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2025 là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của nhiệm kỳ 2020-2025, thị xã đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc mạnh mẽ. Công tác rà soát, đánh giá các điều kiện, tiêu chuẩn, tiêu chí lên thành phố luôn được quan tâm chỉ đạo.
Hiện nay, TX Sông Cầu đang thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn mới để nâng cấp đô thị và đã cơ bản đáp ứng các tiêu chuẩn. Tuy nhiên, địa phương vẫn cần nhiều hơn nữa các nguồn lực để tiếp tục nâng cấp đô thị. Vì vậy, TX Sông Cầu đề nghị UBND tỉnh quan tâm, bổ sung nguồn lực để thực hiện đảm bảo trong thời gian tới.
ĐẠI BIỂU KA SÔ CHIỂU, PHÓ TRƯỞNG BAN DÂN TỘC HĐND TỈNH: Giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nước sạch vùng đồng bào DTTS
Những năm qua, chương trình cấp nước sạch nông thôn tập trung vùng đồng bào DTTS, miền núi được các cấp, ngành quan tâm. Các cơ chế chính sách trong lĩnh vực nước sạch được ban hành kịp thời, đầy đủ. Các công trình cấp nước sạch được đầu tư đưa vào khai thác sử dụng góp phần cải thiện đời sống, tiết kiệm thời gian, sức lao động cho người dân.
Tuy nhiên, hiện phần lớn công trình nước sinh hoạt nông thôn tập trung đã đưa vào sử dụng trên 10 năm nên thường xuyên hư hỏng xuống cấp, hoạt động kém hiệu quả hoặc không hoạt động. Kinh phí hỗ trợ hằng năm để đầu tư, nâng cấp mở rộng công trình nước trên địa bàn miền núi rất ít. Công tác kêu gọi xã hội hóa đầu tư nâng cấp mở rộng công trình cấp nước gặp nhiều khó khăn.
Hiện 3 huyện miền núi có 72 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung nhưng chỉ 24 công trình hoạt động bền vững. Đặc biệt, tại khu phố 10, thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh) có khoảng 70 hộ dân sinh sống nhưng hiện chưa có nước sạch để sử dụng…
Đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các địa phương, nhất là Công ty CP Cấp thoát nước Phú Yên tiếp tục phối hợp với các huyện miền núi tìm giải pháp thích hợp và thỏa thuận phương án đầu tư có tính khả thi, từng bước đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của đồng bào DTTS, miền núi; bảo đảm yêu cầu vận hành ổn định cho các hệ thống cấp nước. Đồng thời ưu tiên bố trí vốn từ nguồn ngân sách địa phương, các chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư, nâng cấp các công trình nước…
TỔ PV (thực hiện)