Chiều 20/11, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội.
Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên do đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn tham gia phiên thảo luận.
Tham gia thảo luận về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên Lê Đào An Xuân đánh giá rất cao đề án do Chính phủ, Bộ GTVT chuẩn bị. Đề án đã nghiên cứu công phu, toàn diện, thận trọng, kỹ lưỡng, trong đó, thể hiện đầy đủ các cơ sở chính trị, pháp lý và cơ sở thực tiễn.
Về tính khả thi khi đề xuất đầu tư toàn tuyến, đại biểu cho rằng, khác với phương án trước đây là ưu tiên làm trước 2 đoạn Hà Nội - Vinh và TP Hồ Chí Minh - Nha Trang, còn tuyến đường sắt qua các tỉnh khu vực miền Trung sẽ triển khai sau, thì lần này, Chính phủ đề xuất phương án đầu tư toàn tuyến. Đại biểu hoàn toàn thống nhất với phương án này.
Với cự ly dưới 800km khai thác hàng không sẽ không hiệu quả, cự ly này ưu thế hoàn toàn thuộc về đường sắt tốc độ cao. Đại biểu cho rằng, Phú Yên cũng như các các tỉnh khác thuộc khu vực miền Trung, là những địa phương xác định du lịch là một trong các ngành kinh tế chủ lực, vào mùa du lịch việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn, máy bay thì không nhiều sự lựa chọn và giá cao, di chuyển bằng đường bộ thì mất nhiều thời gian. Thực tế đường sắt hiện hữu thời gian qua đã đáp ứng một phần nhu cầu của người dân vào mùa cao điểm. Trường hợp nếu đầu tư toàn tuyến đường sắt tốc độ cao thì sẽ giải quyết được toàn bộ các nhu cầu vận tải này.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên Lê Đào An Xuân phát biểu. Ảnh: QUỐC LUÂN |
Theo quy mô của nền kinh tế hiện nay và dự báo đến năm 2027, với tiến độ thực hiện và bố trí vốn như đề xuất của đề án, cùng với đó là cách điều hành mạnh mẽ, quyết liệt như thời gian vừa qua, cùng kinh nghiệm chỉ đạo thực hiện các dự án như cao tốc Bắc - Nam, dự án đường dây 500KV mạch 3… thì việc cân đối nguồn lực để đầu tư và việc hoàn thành toàn tuyến vào năm 2035 là khả thi. Hơn nữa, dự án được triển khai với công nghệ sử dụng điện sẽ là bước thay đổi lớn sang hình thức giao thông xanh trong bối cảnh thực hiện cam kết “Net zero” của Việt Nam.
Làm rõ phương án lưỡng dụng khi xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi
Về vấn đề vận tải hàng hoá, đại biểu nhận thấy rằng, Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế biển, kinh nghiệm thế giới và thực tế tại Việt Nam cho thấy vận tải hàng hóa bằng đường biển có chi phí rẻ. Trong khi đó, nước ta là quốc gia ven biển, các khu kinh tế tập trung dọc theo hành lang ven biển nên hàng hóa cơ bản phải vận tải bằng đường biển và đường thủy ven bờ là chủ đạo. Đề án đã tính bình quân chi phí đường biển 450 đồng/km và đường sắt 680 đồng/km.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, chúng ta không nên đặt vấn đề đường sắt tốc độ cao phải đóng vai trò vận tải hàng hóa là chủ yếu. Để đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng, đường sắt tốc độ cao được đề xuất phải đóng vai trò lưỡng dụng, trong giả thiết vì những tình huống nào đó trên biển Đông, vận tải biển có vấn đề, đường sắt tốc độ cao có thể dự phòng để vận tải hàng hóa để phục vụ trong một số tình huống nhất định.
Do vậy, đại biểu đề nghị làm rõ phương án lưỡng dụng khi xây dựng Báo cáo Nghiên cứu khả thi, tránh quá ôm đồm chức năng cho đường sắt tốc độ cao, dễ dẫn đến lãng phí.
Về tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước, Tờ trình của Chính phủ cũng đã xác định dự án đầu đường sắt tốc độ cao rất cần thực hiện tốt chuyển giao công nghệ, là cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước nâng cấp công nghệ để cung cấp thiết bị phục vụ thi công, vận hành, bảo trì.
Qua các kênh truyền thông, nhiều doanh nghiệp đã trình bày mong muốn được tham gia vào chuỗi cung ứng liên quan đến dự án, đây là điều rất đáng mừng và là cơ hội để thúc đẩy sự chuyển biến thực chất của các lĩnh vực sản xuất có liên quan. Do vậy, đại biểu đề nghị giao Chính phủ quy định tỉ lệ nội địa hoá một số hạng mục trong chủ trương, phù hợp với chính sách đặc thù số 8 về phát triển công nghiệp đường sắt và chuyển giao công nghệ, thay vì chỉ nêu là ưu tiên đặt hàng các doanh nghiệp Việt Nam.
Tránh tạo những tiền lệ quá nhiều đặc thù cho các dự án sau này
Về một số chính sách đặc thù, theo đó, chính sách số 11 về không thi tuyển phương án kiến trúc đối với nhà ga. Đại biểu cho rằng, kiến trúc các nhà ga là một phần rất quan trọng trong dự án, không chỉ là công trình xây dựng mà còn là công trình văn hoá, sẽ tồn tại hàng trăm năm. Các nhà ga không chỉ mang đặc trưng địa phương mà phải có sự liên kết với nhau.
Nếu vì lý do bản quyền dẫn đến khó điều chỉnh phương án kiến trúc trong quá trình thực hiện mà bỏ qua cơ hội huy động sự sáng tạo của các nhà chuyên môn cho một dự án mang tầm thế kỷ của quốc gia là không thỏa đáng. Do đó, đại biểu đề nghị thiết kế lại chính sách này theo hướng thỏa thuận giải quyết vấn đề bản quyền sau khi phương án được chọn.
Chính sách số 19 bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù sau khi chủ trương được Quốc hội thông qua. Theo đó, phương án của Chính phủ đề xuất thẩm quyền ban hành cơ chế chính sách, tương tự với dự án cao tốc Bắc Nam phía tây đoạn Đắk Nông – Bình Phước là chưa phù hợp, nhất là khi so sánh về quy mô và mức độ ảnh hưởng của dự án.
Do vậy, để đảm bảo sự thống nhất trong cơ chế chính sách, tránh tạo những tiền lệ quá nhiều đặc thù cho các dự án sau này, đại biểu đề nghị chỉ giao thẩm quyền đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Với sự đồng hành của Quốc hội với Chính phủ như trong thời gian qua, chắc chắn Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh của dự án.
Theo đại biểu Lê Đào An Xuân, cử tri Phú Yên rất tin tưởng và mong đợi để đón những vị khách từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các vùng miền khác, dù phải tăng ca muộn vào chiều tối thứ 6 nhưng vẫn kịp về Phú Yên để đón ánh bình minh đầu tiên của đất nước tại mũi Điện vào thứ 7. Và sau khi trải nghiệm trọn vẹn ngày cuối tuần phong cảnh một công viên đá Bazan ven biển đặc trưng, ẩm thực với cá ngừ đại dương,… thì vẫn có thêm nhiều lựa chọn để kịp về nhà nghỉ ngơi, bắt đầu cho 1 tuần làm việc mới. Điều này sẽ tạo nên cú hích phát triển kinh tế, nhất là kinh tế xanh, cho từng địa phương nói riêng và cả nước nói chung.
QUỐC LUÂN (ghi)